Tiên phong chuyển đổi, đưa dòng điện vươn xa
Khởi đầu từ một công ty điện lực được thành lập trong bối cảnh nguồn, lưới điện và cơ sở vật chất, trang thiết bị đều cũ nát, lạc hậu và bị tàn phá bởi chiến tranh, đến nay, sau 55 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã vươn mình lớn mạnh, khẳng định vị thế tiên phong trong ngành điện lực Việt Nam, không chỉ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Giữ cho “dòng điện không bao giờ tắt”
Tháng 10-1969, Công ty Điện lực (tiền thân của EVNNPC) được thành lập. Có thể nói, lịch sử phát triển của EVNNPC gắn bó máu thịt với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các cơ sở của Công ty Điện lực phải đương đầu với 1.634 trận đánh. Các nhà máy điện Hàm Rồng, Vinh, Uông Bí, Việt Trì, Hải Phòng, Nam Định, Yên Phụ... liên tục bị ném bom, bắn phá dữ dội, hư hỏng nghiêm trọng. Với tinh thần quả cảm, 123 cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ để giữ cho “dòng điện không bao giờ tắt”, phục vụ chiến đấu và sản xuất.
Công nhân Công ty Điện lực Nam Định sửa chữa hệ thống điện. |
Đất nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, EVNNPC phải đối mặt với những thách thức về đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện. Lúc này, chủ trương điện lực phải đi trước một bước ngày càng trở thành vấn đề cấp bách. Song những khó khăn và thách thức trên đã mở ra cơ hội cho EVNNPC bứt phá. Hàng loạt công trình điện lớn đã được xây dựng, đưa vào vận hành, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, như: Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; hàng loạt đường dây 110kV, 220kV..., qua đó từng bước đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, khu vực miền Bắc nói riêng.
Phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số
Đến nay, EVNNPC đã cơ cấu tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý theo tinh thần tinh giản, gọn nhẹ, chuyên nghiệp; lấy hiệu quả công việc làm thước đo, lấy khách hàng là đối tượng phục vụ với tiêu chí "Tổng công ty Điện lực miền Bắc vì sự phát triển của cộng đồng". EVNNPC đã cung cấp đủ điện cho 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm và doanh thu cao nhất trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hằng năm của các công ty điện lực tăng từ 12% đến hơn 14%. Đặc biệt, thành tựu nổi bật nhất của EVNNPC được EVN đánh giá cao là công cuộc điện khí hóa nông thôn, cấp điện cho hộ dân khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số và hải đảo. Năm 1995, miền Bắc chỉ có 91,6% số huyện, 61,87% số xã có điện; đến năm 2024, 100% số huyện, 100% số xã và 99,51% số hộ nông thôn đã có điện.
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện thành công nhiều giải pháp đồng bộ, các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật của EVNNPC cũng liên tục được cải thiện như tổn thất điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, năng suất lao động... EVNNPC cũng thực hiện tốt công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu về dịch vụ điện cho khách hàng, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng...
Hoạt động số hóa công tác cung cấp dịch vụ điện năm 2024 tiếp tục được EVNNPC và các công ty điện lực triển khai theo hướng trực tuyến, đa kênh. Hiện, EVNNPC đang đẩy mạnh triển khai cung cấp hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện năng theo phương thức điện tử. Đến hết quý II-2024, đã có trên 88,58% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Hiện nay, tất cả yêu cầu dịch vụ điện được cung cấp theo phương thức điện tử; tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 100%.
Trong lĩnh vực kỹ thuật, EVNNPC cũng đã ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số vào công tác quản lý và vận hành lưới điện, như: Xây dựng và đưa vào vận hành 27 trung tâm điều khiển xa tại 27 công ty điện lực; hoàn thành Trung tâm giám sát và thu thập dữ liệu từ các trạm biến áp 110kV; xây dựng trạm biến áp kỹ thuật số; sửa chữa điện hotline; ứng dụng điều khiển xa, tự động hóa lưới điện... Qua đó, góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm đến mức thấp nhất các sự cố, giảm thời gian mất điện cho khách hàng...
Đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn là phương châm hành động của tập thể ban lãnh đạo, lãnh đạo các đơn vị thành viên trong toàn EVNNPC. Trải qua 55 năm, EVNNPC không ngừng phát triển với những bước đi vững chắc, vượt qua các khó khăn, thách thức, từng bước phát triển, không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt trong sự nghiệp phát triển ngành điện lực Việt Nam.
Giai đoạn 2021-2025, EVNNPC đặt mục tiêu phát triển thành tổng công ty kinh doanh điện năng đứng đầu trong EVN với hệ thống quản trị tiên tiến, hiệu quả dựa trên nền tảng văn hóa chuẩn mực và nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số có văn hóa mạnh. Trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045, EVNNPC tiếp tục phát triển thành tổng công ty kinh doanh điện năng đứng hàng đầu trong các nước ASEAN, tiệm cận với các công ty kinh doanh điện năng hàng đầu khu vực ASEAN về các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, trình độ quản trị tiên tiến, có phong cách quản lý chuyên nghiệp, vận hành lưới điện theo hướng tự động hóa và có nguồn lực tài chính vững mạnh.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển của EVNNPC được ví như cuộc chạy tiếp sức của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động trong hơn nửa thế kỷ qua. Thế hệ hôm nay đang kế thừa truyền thống vẻ vang đó và sẽ tiếp tục đoàn kết để xây dựng EVNNPC không ngừng phát triển, lớn mạnh, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Bài và ảnh: KHÁNH AN
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.