Tiếp thêm động lực tăng trưởng cho Điện Biên và khu vực Tây Bắc
Sân bay Điện Biên vừa hoàn thành nâng cấp, mở rộng, đáp ứng tiêu chuẩn để đón máy bay cỡ lớn, hiện đại. Công trình này không chỉ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, tăng cường giao thương, kết nối mà còn tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương cũng như khu vực Tây Bắc. Đây là vùng đất phên giậu của Tổ quốc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Cảng hàng không Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng mở rộng để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như Airbus A320, A321. Đồng thời, nâng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chính thức khởi công vào ngày 22-1-2022, đến nay, công tác xây dựng đã hoàn tất. Đầu tháng 12-2023, sân bay này đã chính thức hoạt động trở lại sau thời gian tạm đóng cửa và bắt đầu đón các chuyến bay đầu tiên bằng máy bay cỡ lớn, hiện đại.
Sân bay Điện Biên đón máy bay Airbus A321 cỡ lớn, hiện đại sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng. Ảnh: PHẠM HIẾU |
Để Cảng hàng không Điện Biên có thể đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương, đường cất, hạ cánh được xây dựng với kích thước dài 2.400m, rộng 45m. Sân đỗ máy bay được mở rộng với 4 vị trí đỗ, trong đó, 3 vị trí đỗ dành cho máy bay A320, A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ dành cho máy bay ATR72.
Hệ thống hàng rào an ninh xây mới với camera an ninh được lắp đặt đồng bộ và hệ thống chiếu sáng dọc tuyến hàng rào khu bay, bảo đảm công tác tuần tra an ninh. Hệ thống đèn phụ trợ hàng không hỗ trợ cho máy bay cất, hạ cánh, di chuyển dưới mặt đất trong điều kiện ban đêm, ban ngày, thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế. Các hệ thống đèn đều đạt tiêu chuẩn CAT I theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Một trong những điểm nhấn của sân bay là nhà ga hành khách với thiết kế gồm hai tầng mang đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 dành cho hành khách đi, hành khách đến. Tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.
Nhà ga hành khách sân bay Điện Biên được cải tạo, nâng cấp với các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, đáp ứng đủ không gian phục vụ hành khách, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường hoạt động hàng không cũng như phát triển các dịch vụ phi hàng không. Quy trình vận chuyển hành khách, hành lý tại nhà ga, sân đỗ tuân thủ đúng tiêu chuẩn và các quy định hiện hành về hàng không dân dụng, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) là hãng hàng không đầu tiên thực hiện chuyến bay bằng máy bay Airbus A321 đến sân bay Điện Biên sau khi sân bay này hoàn thành mở rộng, nâng cấp. Việc đưa vào khai thác an toàn máy bay phản lực hiện đại A321 tại sân bay Điện Biên được coi là cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh Điện Biên.
Ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh, Cảng hàng không Điện Biên sẽ chắp cánh cho ngành du lịch và kinh tế Điện Biên, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, liên kết quốc tế bằng việc hoàn thiện các loại hình vận tải. Với ưu thế thời gian bay nhanh chóng, tần suất dày đặc, hàng không sẽ là cầu nối hiệu quả để đưa du khách, các nhà đầu tư đến khám phá vùng đất Tây Bắc một cách thuận tiện, rút ngắn khoảng cách địa lý cũng như giúp cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn. Vietnam Airlines hiện đang khai thác đường bay Hà Nội-Điện Biên với tần suất 7 chuyến mỗi tuần, khởi hành vào tất cả các ngày trong tuần, thời gian bay chỉ khoảng 1 tiếng.
Việc mở rộng sân bay cũng giúp khai thác được đường bay có cự ly dài từ các địa phương trên cả nước đến Điện Biên. Hãng hàng không Vietjet bắt đầu khai thác đường bay TP Hồ Chí Minh và Điện Biên với tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần. Chỉ với hơn 2 giờ bay cho chặng bay thẳng, các chuyến bay kết nối hai địa phương sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, mở rộng giao thương giữa khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Tây Bắc.
Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt về lĩnh vực văn hóa-lịch sử. Đây cũng là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, đa dạng, đặc sắc. Những năm qua, Điện Biên đã đạt được nhiều bước phát triển vượt bậc, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có hàng không sẽ góp phần quan trọng giúp Điện Biên phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư, du lịch, dịch vụ và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Theo ông Lê Thành Đô, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, sân bay Điện Biên hoạt động trở lại cùng với các chuyến bay được khai thác tạo cầu nối giữa Hà Nội, các vùng miền trong cả nước và bạn bè quốc tế đến với Điện Biên, tiếp thêm động lực, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Điện Biên trong thời gian tới đây. Từ đó, sẽ góp phần quan trọng đưa khu vực miền núi và đồng bằng gần nhau hơn, đồng bào các dân tộc anh em cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
KHĂM SAY
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.