Tìm cơ hội trong cạnh tranh thương mại toàn cầu
Trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế dự định sẽ áp dụng với các đối tác thương mại, một số nước đã có động thái “ăn miếng trả miếng”.
Tuy nhiên, với Việt Nam, một số doanh nhân, doanh nghiệp khẳng định sẽ nỗ lực tìm kiếm cơ hội trong khó khăn để phát triển.
Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng vào Chính phủ
Khi Tổng thống Mỹ công bố mức thuế đối ứng dự định sẽ áp dụng với các đối tác thương mại, trong đó hàng hóa từ Việt Nam dự kiến sẽ bị đánh thuế ở mức 46%, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam như "dậy sóng". Tuy nhiên, sau thời khắc “giật mình” ngắn ngủi, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những phân tích sâu sắc, bày tỏ tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự phản ứng nhạy bén của Chính phủ.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Thuế đối ứng của Mỹ-Đánh giá tác động và giải pháp ứng phó cho doanh nghiệp”, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính (CFO) Việt Nam Hương Vũ cho biết: "Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam rất vui mừng vì Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát đi tín hiệu khẳng định Việt Nam sẵn sàng đàm phán để hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất tốt nhất. Con số 46% mà Tổng thống Donald Trump đưa ra thực chất chưa phải là tariffs (thuế nhập khẩu-PV), mà bản chất là đưa ra để đàm phán về thương mại. Do vậy, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ được áp mức thuế với kịch bản tốt hơn".
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cũng nêu quan điểm: "Tổng thống Donald Trump là một nhà đàm phán và từng xuất bản sách về nghệ thuật đàm phán. Do vậy, biểu thuế ông ấy đưa ra thực chất là “giai đoạn bắt đầu làm “deal” (đàm phán-PV), để “test” phản ứng của các quốc gia, kể cả các quốc gia là đồng minh của Mỹ”.
![]() |
Sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên 76. |
Theo bà Trang Phạm, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam: Không chỉ riêng Việt Nam mà phía Mỹ cũng muốn đàm phán, bởi nếu dựng hàng rào thuế quan để chặn thương mại tự do thì đó chưa phải là lựa chọn cuối cùng. Mỹ không thể tự cung, tự cấp, tự sản xuất để đáp ứng 100% nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước. Hàng rào thuế quan sẽ làm méo mó hiệu quả của doanh nghiệp, dẫn tới giá cả hàng hóa ở Mỹ tăng, lạm phát cao. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm ở Mỹ. Có thể thấy, việc ông Donald Trump chia sẻ thông tin về cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm chính là gửi tín hiệu Mỹ sẵn sàng đàm phán với các nước. Do vậy, với thiện chí đàm phán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tin tưởng vào một kịch bản thuế suất tốt hơn nhiều so với mức 46% mà ông Donald Trump đã đưa ra.
Bản lĩnh doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Quang Thuân cho biết, khi mới nhận được thông tin mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam, rất nhiều bạn bè của ông là doanh nhân đã gửi tin nhắn bày tỏ lo lắng. Tuy nhiên, ông Thuân chỉ nêu với mọi người một câu hỏi: “Liệu như vậy có khó khăn bằng thời Covid-19 hay không?”. Tất cả mọi người đều xác nhận không thể khó khăn như thời Covid-19. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn của thời Covid-19, không những thế còn có tích lũy tương đối tốt. Do vậy, sau thời khắc đầu tiên lo lắng, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã bình tĩnh lại.
Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Secoin (doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, chuyên sản xuất gạch ngói sinh thái), cho biết, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Secoin sang Mỹ chiếm tới hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Do vậy, ngay khi tiếp nhận thông tin, Secoin đã xác định “những việc cần làm ngay khi “cơn bão” ập đến”. Ngay lập tức, Secoin làm việc với các doanh nghiệp đối tác trong chuỗi cung ứng của Secoin ở bờ Tây và bờ Đông nước Mỹ. Các đối tác đã trấn an Secoin bình tĩnh vì “việc áp thuế là ngắn hạn, không phải dài hạn” và họ bày tỏ sẵn sàng chia sẻ với Secoin.
Cùng với đó, Secoin xác định sẽ tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường; phương án ứng phó tài chính và quản trị nội bộ doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chiến lược cạnh tranh của Secoin từ xưa đến nay là khai thác thế mạnh của Việt Nam khi ra sân chơi toàn cầu. Đặc biệt, thay vì đánh giá tin tức theo kiểu tiêu cực, doanh nghiệp nên nhìn vào những điểm tốt, điểm tích cực của thông tin, bởi “trong nguy luôn có cơ”. Secoin xác định, khi chuỗi cung ứng bị xáo trộn thì đó là thời cơ để doanh nghiệp củng cố chuỗi cung ứng, củng cố niềm tin từ nhà phân phối, cùng chia sẻ, đồng hành với nhà phân phối. Nếu các bên cùng nhau vượt qua được “cơn bão” này, quan hệ của doanh nghiệp đối với cả hệ thống phân phối chuỗi cung ứng sau này sẽ có rất nhiều lợi thế để phát triển lâu dài.
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh tinh thần ứng phó với chính sách của các nước, trong đó có chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ, mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, “coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu”.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Mỹ nói riêng; chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; chủ động cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, đầy đủ, minh bạch những vấn đề phía Mỹ quan tâm, nhất là về sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa...
Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG
Tin mới
Lạng Sơn: Phát hiện, xử lý 4.100 đơn vị sản phẩm là thực phẩm nhập lậu
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng Đội 389 tỉnh Lạng Sơn và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện phương tiện vận chuyển thực phẩm bao gói sẵn có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Kiểm soát chặt nhiễm khuẩn bệnh viện
Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) giai đoạn 2025-2030 do Bộ Y tế vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, KSNK là một trong những trụ cột quan trọng trong bảo đảm an toàn cho người bệnh, chất lượng dịch vụ y tế và năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm.
Công đoàn Y tế Việt Nam ký kết thỏa thuận bảo đảm quyền lợi cho người lao động ngành Y
Ngày 11-4, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động ngành Y tế trong giai đoạn 2025-2028.
Bộ Y tế ban hành danh mục chỉ số cận lâm sàng phục vụ cho bệnh án điện tử
Ngày 11-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã ký Quyết định số 1227/QĐ-BYT đã ban hành Danh mục mã dùng chung đối với kỹ thuật, thuật ngữ chỉ số cận lâm sàng (đợt 1).
Rộn ràng chào đón ngày truyền thống ở Trường Sĩ quan Lục quân 1
Những ngày tháng 4, có mặt tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, ngay từ cổng trường, chúng tôi nhận thấy cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống được trải khắp từ cổng trường đến các ngả đường vào từng đơn vị.
Nỗi lo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức áp dụng những điều chỉnh lớn về hình thức, nội dung và cách thức đánh giá.