Tính hai mặt của văn học mạng
1. Sau 25 năm, đến nay hơn 70% dân số nước ta dùng internet và mạng xã hội, tạo ra những thay đổi trong đời sống. Văn học cũng không nằm ngoài sự biến đổi đó, phương thức sáng tạo bằng cây bút, trang giấy đang dần chuyển sang “viết trên mười đầu ngón tay”, việc số hóa tác phẩm để chu chuyển trên môi trường mạng trở thành một nhu cầu tự thân để nhà văn đưa tác phẩm của mình đến với người đọc.
Văn học mạng tại Việt Nam hiện nay được hợp thành từ hai bộ phận sôi động nhất. Bộ phận đầu tiên là những “người viết số”, họ sáng tác và công bố tác phẩm trực tiếp trên nền tảng mạng, tương tác tức thời với người đọc. Sự thành công của tác phẩm chủ yếu được đong đếm bằng các lượt tương tác, view, like, comment, share, download, viết theo nhu cầu đặt hàng... Bộ phận thứ hai là những nhà văn đã thành danh, có nhiều tác phẩm neo lại vững chắc trên văn đàn và trong lòng bạn đọc nay sử dụng internet và mạng xã hội để lan tỏa các tác phẩm đã, đang viết đến người đọc. Có thể khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ và tác động to lớn đến đời sống văn học của văn học mạng là một thực tế khách quan và cần được nhìn nhận thấu đáo.
2. Với phương thức tồn tại và vận động phi truyền thống trên nền tảng internet, văn học mạng có những ưu thế của riêng mình. Đầu tiên, với tính mở của không gian số, người viết có thể thông qua các tài khoản mạng xã hội (như blog, Facebook) để đưa tác phẩm tiếp cận công chúng một cách dễ dàng, nhanh chóng. Việc tiếp cận tác phẩm của người đọc cũng vô cùng thuận lợi, khi chỉ cần có trên tay một chiếc smartphone được kết nối mạng, có một tài khoản mạng xã hội, mọi cá nhân đều có thể tìm đọc các tác giả mà họ yêu quý.
Hội thảo khoa học về văn học mạng, văn học trẻ do Khoa Viết văn, Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) và Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội (Hội Nhà văn Hà Nội) tổ chức, tháng 6-2022. Ảnh: VÂN HÀ |
Với ưu thế đó, internet và mạng xã hội thực sự là mảnh đất thuận lợi để những cây bút mới bước chân vào văn học trải nghiệm, thử thách và rèn luyện mình. Việc chuyển tải tác phẩm đến bạn đọc một cách dễ dàng cũng như tiếp nhận ý kiến phản hồi ngay tức thì của bạn đọc là cách giúp những người viết nhanh chóng hoàn thiện mình trong quá trình sáng tạo. Chính tính tương tác tức thời giữa nhà văn với bạn đọc đã kích thích những người cầm bút tích cực, miệt mài viết, làm đời sống văn học mạng luôn sôi động với nhiều tác phẩm mới được ra đời, luôn đầy sức nóng với những dư luận khen chê từ cộng đồng mạng.
Trong không gian số, chưa bao giờ mối quan hệ, sự giao lưu giữa nhà văn và người đọc lại gần nhau đến thế. Phương thức tồn tại của tác phẩm trên môi trường mạng và sự tiếp cận năng động của “người đọc số” là một sức hút để rất nhiều nhà văn nỗ lực công bố tác phẩm của mình lên internet. Không chỉ các nhà văn trưởng thành từ đời sống văn học mạng như Trang Hạ, Đỗ Nhật Phi, Phan An... mà các tác giả thuộc thế hệ người viết đã trưởng thành như Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiếu Nhơn, Phong Điệp, Đỗ Tiến Thụy, Văn Công Hùng, Trần Nhương... đều có những tài khoản cá nhân, trang web để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng yêu văn. Điều này góp phần tạo nên một không gian đối thoại, trao đổi mở trên môi trường mạng. Ranh giới giữa tác giả-người đọc cũng trở nên hết sức mong manh khi tình cảm, thái độ của công chúng hoàn toàn có thể chi phối đến diện mạo những tác phẩm đang được nhà văn "thai nghén". Đây cũng chính là một ưu thế lớn, một giá trị đặc thù của dòng văn học mạng, khi khuyến khích nhà văn liên tục cho ra đời tác phẩm mới, liên tục tương tác với người đọc và tính dân chủ trong tiếp nhận tác phẩm luôn được đề cao.
Văn học mạng cũng là mảnh đất đầy sức hút để nhà văn thể nghiệm những tư tưởng mới về nghệ thuật trên hành trình sáng tạo. Trước đây, những cách tân của nhà văn trong nhiều trường hợp rất khó đến được với người đọc qua cánh cửa xuất bản. Bởi cái mới, cái khác không dễ được độc giả thông thường tiếp nhận ngay; cũng vì lẽ đó, các đơn vị xuất bản không mạo hiểm tránh lỗ vốn. Nhưng, trong môi trường mạng xã hội thì nhà văn thỏa sức thể nghiệm những cách tân nghệ thuật của mình, miễn là điều đó không đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Điển hình, Nguyễn Thế Hoàng Linh thông qua tài khoản facebook cá nhân đã trình làng nhiều tác phẩm sử dụng kiểu ngôn ngữ của trò chơi, đồng dao, va chạm, thách thức với ngôn ngữ điển phạm trước khi xuất bản thành các tập sách. Hay Phan Tuấn Anh đã thể nghiệm lối viết những câu thơ đậm chất suy tưởng, dài như lời văn xuôi trên tài khoản cá nhân của mình trước khi tập hợp các bài thơ để in thành tập “Đoản khúc”. Nếu không có internet, các trang web, mạng xã hội thì rất khó để văn đàn Việt Nam hôm nay có những tác phẩm như “Chuyện của thiên tài” (Nguyễn Thế Hoàng Linh), “Đoản khúc” (Phan Tuấn Anh), “Người ngủ thuê” (Đỗ Nhật Phi)...
3. Cũng cần khẳng định rằng, có những nguy cơ được cảnh báo trước sự nở rộ của văn học mạng khoảng mười lăm năm trước đây đã không trở thành hiện thực. Một trong số đó là cảnh báo về sự suy giảm văn hóa đọc gắn với sự biến mất của sách giấy khi nền văn học mạng lên ngôi. Thực tiễn hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 đã cho thấy điều ngược lại, rằng trước sự phát triển của văn học mạng, trước nỗ lực số hóa các tác phẩm văn học để chu chuyển trên môi trường mạng, ngành xuất bản sách giấy và nhu cầu sở hữu sách giấy của người đọc vẫn tiếp tục tăng cao. Điển hình là xu hướng chơi sách phiên bản đặc biệt với giá lên đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu một bản sách đang rất thịnh hành ở Việt Nam. Có thể các nhà sách truyền thống đã gần như chuyển đổi mục đích kinh doanh hay đóng cửa, nhưng các nhà sách online trên môi trường mạng lại rất sôi động. Điều đó có nghĩa là văn hóa đọc của người Việt vẫn đang được nâng cao mỗi ngày.
4. Tuy vậy, văn học mạng ở Việt Nam hiện nay vẫn đứng trước rất nhiều giới hạn. Những cây bút được tung hô là “công dân mạng toàn phần” đều đã đặt chân sang địa hạt sách giấy khi đạt được những thành công và đã lớn tuổi. Họ chọn sách giấy làm phương thức tồn tại và tiếp cận công chúng cho tác phẩm của mình bên cạnh phương thức tồn tại trên môi trường mạng. Có nghĩa là mỗi người viết đã nhận thấy giới hạn của tác phẩm văn học trên môi trường mạng, như cách diễn đạt của nhà văn Trang Hạ: “Trên mạng đầy rẫy chữ. Hay thì gọi là văn, còn lại toàn rác”. Việc tác phẩm từ môi trường mạng chuyển thành sách giấy được xuất bản và phát hành là một dấu chỉ quan trọng chứng minh giá trị nghệ thuật của tác phẩm, và đó cũng là mong muốn của rất nhiều nhà văn sáng tạo trên môi trường mạng. Đồng thời, việc tác phẩm được in thành sách mới có thể giúp tác phẩm có cơ hội sống cùng thời gian, bởi chỉ sống đời sống của một tác phẩm văn học mạng, các tác phẩm đều đối diện với nguy cơ biến mất trong tương lai khi tập đoàn công nghệ cung cấp dịch vụ không còn nữa, như cách dịch vụ blog phổ biến Yahoo 360 bị khai tử vào tháng 7-2009.
Tác phẩm văn học mạng sống trong sinh quyển của đối thoại, cởi mở, tự do nhưng thiếu các chuẩn mực quan trọng để minh định giá trị, gây nên tình trạng vàng thau lẫn lộn. Việc lệ thuộc vào quan điểm, thái độ, tình cảm của số đông bạn đọc trên môi trường mạng có nguy cơ làm nhà văn chiều theo những thị hiếu tầm thường, tác phẩm mãi ở trong vòng kiềm tỏa của sở thích đám đông mà không thể vươn tới những giá trị phổ quát, thâm sâu của văn học dân tộc và nhân loại.
Cũng xuất phát từ tâm lý muốn tạo sức hút cho tác phẩm của mình, nhiều người viết trên môi trường mạng đã đưa những yếu tố sex, đồi trụy vào tác phẩm, làm xuất hiện những tác phẩm có nội dung suy đồi, phản văn học, phản thẩm mỹ gây tác động xấu đến văn hóa toàn xã hội. Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm có nội dung xuyên tạc, bóp méo về đề tài lịch sử dẫn đến những nhận thức sai lệch, thiếu toàn diện cho người đọc, nhất là người đọc trẻ. Chính điều này làm cho tác phẩm văn học mạng luôn tiềm ẩn các nguy cơ, nhất là nguy cơ với người đọc là thanh thiếu niên.
5. Trước những giá trị và giới hạn của văn học mạng, điều cần làm là phải phát triển văn hóa đọc để nhà văn có thể sống với nghề của mình, tạo môi trường để những nhà văn trẻ chưa thành danh có cơ hội sáng tác và quảng bá tác phẩm đến với công chúng. Các trang web chuyên về văn học-nghệ thuật cần tăng cường việc đăng tải tác phẩm của các cây bút trẻ để ươm mầm những tài năng. Các cơ quan quản lý cần có những giải pháp để phát hiện sớm, xử lý những tác phẩm có nội dung suy đồi, lệch lạc chuẩn mực đạo đức nhằm làm trong sạch đời sống văn học mạng. Điều quan trọng là phải nâng cao văn hóa của người đọc để họ có thể nhận diện được đâu là những giá trị đích thực, đâu là những nội dung phản nghệ thuật, phản văn hóa khi đến với các tác phẩm văn học trên môi trường mạng. Thiết nghĩ, đó là những điều quan trọng nhất để góp phần làm cho văn học mạng trở thành một động lực tích cực cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện nay.
Thạc sĩ PHAN TRẦN THANH TÚ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.