Tổ chức kỳ thi riêng của các trường đại học cần được kiểm soát tốt chất lượng
Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo phương án mới. Không ít thí sinh lo lắng sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nên chủ động học theo hướng tiếp cận các kỳ thi riêng. Các trường đại học cũng bắt kịp xu hướng và lên phương án đổi mới các kỳ thi riêng để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kỳ thi riêng cần được giám sát để bảo đảm chất lượng tuyển sinh năm 2025.
Giảm áp lực cho học sinh
Đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... là tên gọi kỳ thi riêng của các trường đại học, dùng để đo năng lực chuyên biệt và năng lực chung theo Chương trình GDPT 2018 của thí sinh. Các kỳ thi riêng đã và đang khẳng định những ưu thế riêng, có xu hướng ngày càng mở rộng và được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Năm 2023, trong hơn nửa triệu thí sinh trúng tuyển đại học, khoảng 2,57% nhập học bằng cách xét điểm các kỳ thi riêng. Từ chỗ chỉ có một kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) vào năm 2015, đến nay cả nước có hơn 10 kỳ thi tuyển sinh riêng. Kết quả kỳ thi cũng ngày càng được nhiều trường đại học, trong đó có nhiều trường tốp đầu sử dụng để tuyển sinh. Chẳng hạn, từ một kỳ thi nội bộ dùng cho các trường của Đại học Quốc gia Hà Nội thì nay có gần 90 trường sử dụng HSA.
Ngoài ra, khoảng 40 trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội trong xét tuyển đầu vào; hay như kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có 105 trường công nhận... Ngoài ra, kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính phục vụ tuyển sinh (V-SAT) cũng ngày càng được nhiều trường sử dụng.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NGỌC DIỆP |
Lợi thế với thí sinh khi thi riêng là có thêm cơ hội, có thể xét tuyển sớm để giảm áp lực thay vì dồn tất cả vào điểm tốt nghiệp THPT. Lợi thế này càng được ưa chuộng khi năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo phương án mới. Nhiều thí sinh lo lắng kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi nên chủ động ôn tập và tham gia các kỳ thi riêng.
Trịnh Minh Châu, lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Huệ (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang chạy đua luyện thi đánh giá năng lực, chia sẻ: “Em đã tìm hiểu kỹ về các kỳ thi riêng, các trường xét tuyển bằng phương thức này, tham khảo kinh nghiệm từ các anh chị đã tham gia một số kỳ thi riêng. Em nhận thấy khi tham gia các kỳ thi riêng, em có thêm cơ hội trúng tuyển, đặc biệt là vào các trường tốp đầu. Hơn nữa, nếu trúng xét tuyển sớm bằng phương thức này, em sẽ giảm được nhiều áp lực thi cử”.
Năm nay, đã có thêm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tham gia vào “cuộc chơi” khi thông tin: Từ năm 2025, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025 với 3 đợt, tại 30 điểm thi. Ngoài 12 tỉnh, thành phố như năm 2024, trường mở thêm điểm thi tại tỉnh Lào Cai để thí sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc thuận tiện tham dự. Theo đó, kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi. Đại học Bách khoa Hà Nội ra mắt cuốn "Cẩm nang thi đánh giá tư duy TSA" để thí sinh hiểu rõ hơn về cấu trúc và nội dung bài thi, làm quen với các dạng câu hỏi, hướng dẫn ôn tập, phương pháp làm bài, phân tích ví dụ minh họa.
GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi HSA, bắt đầu từ tháng 3-2025. Dạng thức đề thi được điều chỉnh phù hợp với Chương trình GDPT 2018 bằng cách thay đổi về chất lượng câu hỏi. Để hỗ trợ thí sinh trong việc ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi HSA, nhà trường đang phối hợp với các chuyên gia và nhà xuất bản phát hành cuốn tài liệu hướng dẫn ôn tập kỳ thi đánh giá năng lực”.
Nâng cao chất lượng
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bên cạnh mặt tích cực, các kỳ thi riêng cũng có hệ lụy như tăng áp lực cho học sinh vì phải ôn và thi thêm kỳ thi khác; lơ là việc học và thi tốt nghiệp THPT khi đã trúng tuyển bằng kỳ thi riêng... Thế nhưng hạn chế lớn nhất của các kỳ thi riêng hiện nay có lẽ là tính minh bạch. Các đơn vị tổ chức kỳ thi riêng đều không công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức. Vì vậy, nếu có rủi ro, sai sót về đề thi thì dư luận khó biết để kiểm chứng, giám sát. Điển hình như trường hợp đề thi và cả việc công bố điểm thi trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 (tháng 6-2024) của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã để xảy ra sai sót. Những sự cố kỹ thuật đáng tiếc này gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của thí sinh cũng như cộng đồng xã hội.
Thí sinh tham gia kỳ thi HSA năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NGỌC DIỆP |
Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 mới đây, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành trong quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lý nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kỳ thi riêng. Quy trình xây dựng ngân hàng đề; đề thi phải không vượt quá Chương trình GDPT 2018. Điểm này rất quan trọng và để học sinh không phải ôn thi riêng, có thể phá vỡ việc dạy và học ở các trường phổ thông. Quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn, thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi. Thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải thực hiện sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tức là ngày 31-5 hằng năm. Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh".
VÂN BÌNH
Tin mới
Đưa thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự”, “bệ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế
Sáng ngày 12/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Góc nhìn nghị trường: Kiểm soát hiệu quả nợ xấu
Thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến cuối tháng 9-2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% (gần bằng mức cuối năm 2023; tăng so với năm 2022).
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả
Ngày 12-11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.
Người bị đái tháo đường nên tập thể dục như thế nào?
Chị Mai Phương (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Mẹ tôi bị đái tháo đường nên khi tập thể dục thường rất mệt mỏi. Vậy mẹ tôi nên tập thể dục như thế nào cho đúng?
Không tăng lương công chức, lương hưu, trợ cấp trong năm 2025
Sáng 13-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao.
Thụy Điển sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, ngày 12-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen tại Stockholm.