Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Chủ tịch danh dự của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp
Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3 đến 7-10, ngày 4-10, tại Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp ông Geoffroy Roux De Bezieux, Chủ tịch danh dự của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp, Chủ tịch Liên minh các nhà tuyển dụng Pháp ngữ, Chủ tịch sáng lập Notus Technologies.
Cùng tham dự có ông François Corbin, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn Medef International, kiêm Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Pháp-Việt; ông Jean-Paul Torris, Chủ tịch Hiệp hội quốc gia về thực phẩm.
Tại buổi tiếp, bày tỏ cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành thời gian tiếp, ông Geoffroy Roux De Bezieux cho biết Nghiệp đoàn giới chủ Pháp được thành lập vào năm 1998 và là tổ chức đại diện cho các tập đoàn, doanh nghiệp Pháp từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Nghiệp đoàn giới chủ Pháp có một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy sự phát triển của cả các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp nhỏ, thông qua việc đàm phán với chính phủ và các tổ chức xã hội khác.
![]() |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Chủ tịch danh dự của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp. |
Ông Geoffroy Roux De Bezieux và lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia buổi tiếp đã đánh giá cao sự quan tâm của Việt Nam đối với cộng đồng Pháp ngữ và giới thiệu về thế mạnh cũng như mong muốn hợp tác với Việt Nam.
Các doanh nghiệp chia sẻ mặc dù thế giới chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là đất nước năng động, với nhiều hiệp định thương mại tự do; dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam phát triển năng động và có nhiều tiềm năng; khẳng định sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các doanh nghiệp đề xuất các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam về: Xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng tái tạo, hỗ trợ kết nối các lưới điện giữa các nước, nhất là thiết kế các cơ chế vận hành tương tác giữa các nước trong điều phối điện... Tin tưởng vào năng lực, nguồn lực phát triển nông nghiệp của Việt Nam, Nghiệp đoàn giới chủ Pháp sẵn sàng đồng hành để cùng Việt Nam phát triển lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm mang tính cạnh tranh cao...
Tại cuộc tiếp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam và Pháp là hai quốc gia có lịch sử giao lưu lâu đời, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến quốc phòng. Trong đó, hợp tác kinh tế luôn là một trong những trụ cột quan trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Nghiệp đoàn giới chủ Pháp tiếp tục hỗ trợ và là kênh kết nối đầu tư kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh hai bên.
Về đầu tư nước ngoài, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Nghiệp đoàn giới chủ Pháp và Liên minh các nhà tuyển dụng Pháp ngữ tăng cường các hoạt động kết nối đầu tư, hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp hai bên có thế mạnh và tiềm năng hợp tác như: Năng lượng tái tạo; xử lý nước thải, tái chế chất thải; phát triển cơ sở hạ tầng và logistics; công nghệ và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; y tế và dược phẩm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam cam kết sẽ cùng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thành viên của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp nói riêng và đầu tư nước ngoài nói chung hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả và thành công tại Việt Nam.
HỒNG ĐIỆP
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam lần thứ 27
Sáng 17-7, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) lần thứ 27, nhiệm kỳ 2025-2030 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn quốc gia (số 5, Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu.
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 17-7-2025 về việc tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XV
Chiều 16-7, tại Nhà Quốc hội, Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã thành công tốt đẹp. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự đại hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng trưởng 8,3-8,5% không phải là mục tiêu bất khả thi
Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, được tổ chức trực tuyến toàn quốc từ Chính phủ tới các tỉnh, thành phố, xã, phường vào sáng 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng đạt 8,3-8,5% có nhiều thách thức, nhưng không phải là mục tiêu bất khả thi, không thể không làm.
Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp. Các hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở việc kê khai sai lệch, giấu doanh thu hay lập hóa đơn khống đơn thuần, mà đã phát triển thành các thủ đoạn có tổ chức với quy mô lớn, liên quan đến nhiều chủ thể và địa bàn khác nhau.
Cơ cấu lại mô hình hoạt động để mở ra không gian mới cho VNPT
Sau Nghị quyết số 186/NQ-CP của Chính phủ, mới đây, tại Văn bản số 6468/VPCP-ĐMDN, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đồng ý chủ trương sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT. Đây là một trong các động thái đầu tiên trong chiến lược cơ cấu lại mô hình hoạt động mà VNPT đang thực hiện.