Xem kịch về Bác Hồ ở vùng cao biên giới
“Chú diễn viên đóng vai Bác Hồ giống quá!”, cậu bé Lò A Sình (15 tuổi, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) hào hứng nói, sau khi xem vở kịch ngắn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn. “Cháu mong rằng sẽ được nhiều lần xem và giao lưu cùng các cô chú nghệ sĩ”, Lò A Sình nói thêm.
“Nhà hát Kịch Việt Nam và hành trình Xuân biên giới 2023” là chương trình nghệ thuật đặc biệt, giới thiệu hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu, được dàn dựng qua hai vở kịch ngắn “Tình huống bất ngờ” và “Đoàn kết là sức mạnh”. Đây là chương trình khởi động trong dự án cộng đồng “Happy Smile-Nụ cười hạnh phúc”, dự án hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam nhằm nâng cao đời sống tinh thần, phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam.
Xuất phát tại Hà Nội từ ngày 10-3, “chuyến xe hạnh phúc” đã đưa các nghệ sĩ của Nhà hát có mặt tại huyện Si Ma Cai để biểu diễn hai vở kịch ngắn phục vụ bà con nhân dân và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn. Hành trình lưu diễn của các nghệ sĩ lần lượt đến với đông đảo nhân dân ở huyện Mường Khương (Lào Cai), tại đây đoàn dành những phần quà ý nghĩa tặng học sinh Trường Tiểu học Pha Long; dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ ở Đồn Biên phòng Pha long. Nối dài đến ngày 22-3, “chuyến xe hạnh phúc” đưa các nghệ sĩ diễn ở nhà đa năng xã Bản Qua và chợ Y Tý (xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); rồi tới huyện Phong Thổ (Lai Châu); thị trấn Yên Châu (Sơn La)... Hơn 10 đêm diễn là những dấu ấn đáng nhớ của các nghệ sĩ được thăng hoa, cống hiến trên sân khấu, đón nhận tình cảm nồng ấm, chân thành của khán giả; cũng thông qua các vở diễn, khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, thêm tự hào khi xem câu chuyện về Bác Hồ được khắc họa vô cùng chân thực và gần gũi.
Các nghệ sĩ chụp ảnh giao lưu với khán giả sau buổi diễn. |
Hóa thân vào vai Bác Hồ trong chuyến lưu diễn, nghệ sĩ Minh Hải không khỏi xúc động khi sau buổi diễn có rất nhiều khán giả nán lại để lên sân khấu xin chụp ảnh với “Bác Hồ”. Ai cũng bảo nghệ sĩ đóng Bác Hồ giống thế! Nghệ sĩ Minh Hải quê ở Nghệ An, được đánh giá là gương mặt xuất sắc hóa thân hình tượng Bác Hồ từ năm 2009 đến nay, với một “gia tài” các tác phẩm điện ảnh, sân khấu như phim truyện: “Vượt qua bến Thượng Hải”, phim truyền hình dài 19 tập “Ý chí độc lập” và khoảng 30 vở kịch cả ngắn và dài, tiêu biểu như các vở “Bác Hồ ra trận”, “Nước mắt giữa rừng Pác Bó”, “Bác không phải là vua”. “Tôi rất hạnh phúc và tự hào mỗi khi được hóa thân vào vai Bác Hồ. Nhất là trong “chuyến xe hạnh phúc” đưa nghệ thuật sân khấu đến với khán giả vùng sâu, vùng xa lần này để được lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của nghệ thuật sân khấu tới bà con. Tôi cũng hy vọng với sự tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị, chuyến xe nghệ thuật của chúng tôi sẽ tiếp tục đến với đông đảo bà con ở khắp mọi miền đất nước”, nghệ sĩ Minh Hải bày tỏ.
Chia sẻ về chương trình biểu diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, biểu diễn phục vụ bà con vùng, sâu vùng xa là một trong những hoạt động chính trị của nhà hát: “Chúng tôi rất vui khi đến với các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La để biểu diễn phục vụ nhân dân. Rất xúc động khi những buổi biểu diễn sân khấu dựng ngoài trời có tới hàng nghìn khán giả; các buổi diễn trong hội trường 400-500 ghế kín chỗ, bà con ngồi kín dọc bậc thang lối đi, nhiều bạn nhỏ ngồi tràn lên sát sân khấu. Ngoài những buổi biểu diễn, các nghệ sĩ còn giao lưu dân ca, dân vũ, tìm hiểu phong tục truyền thống cùng bà con các dân tộc thiểu số, với các đơn vị bộ đội. Trong kế hoạch hoạt động của Nhà hát sẽ thường xuyên tổ chức các chuyến lưu diễn như vậy để nối dài hành trình đưa nghệ thuật sân khấu đến gần với người dân”.
Bài và ảnh: TÙNG LINH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.