TP Hồ Chí Minh phát triển và hội nhập: Hướng đến đô thị sông nước gắn với biểu tượng chuyển đổi xanh
Từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay, sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng của sự phát triển, lưu giữ bao ký ức lịch sử, văn hóa, đổi mới của Sài Gòn-Gia Định xưa và TP Hồ Chí Minh ngày nay.
Dấu ấn lịch sử ấy còn hiển hiện những tên phố, tên người, khu chợ, di tích lịch sử... Trong sự phát triển ấy, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang định hướng, tập trung các nguồn lực phát huy các tiềm năng, lợi thế để xây dựng đô thị sông nước, gắn với biểu tượng mới: Chuyển đổi xanh, bền vững.
Các đô thị có đặc trưng sông nước ở các nước trên thế giới trong quá trình phát triển đều có điểm chung là lấy hệ thống sông, nước là điểm tựa cốt lõi cho phát triển đô thị, điều này phù hợp với quá trình hình thành các nền văn minh từ xa xưa được hình thành ở những lưu vực sông, hội tụ những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên nước...
Ảnh minh họa: VGP |
Các đô thị này cũng có tính kết nối cao trong phát triển, hội nhập với các khu vực đô thị, kinh tế, văn hóa khác trong vùng, trong khu vực và thế giới. TP Amsterdam (Hà Lan) có địa hình thấp hơn mặt nước biển 1m, với nhiều cảng biển và hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Từ năm 1270, thành phố này đã xây dựng một con đê ngăn lũ có tên là Amsterdam đã giúp tạo cơ sở phát triển một đô thị sông nước, có nhiều kênh đào nối liền 90 khu đảo, hơn 600 cây cầu đủ kiểu dáng đẹp mắt.
Nhờ đó giúp thành phố Amsterdam trở thành một đô thị sông nước độc đáo, hệ thống đê điều, đập nước hiện đại, phát triển giao thương, ngành công nghiệp đóng tàu phát triển hàng đầu thế giới. TP Frankfurt (Đức) với đặc thù gắn với sông Main và các kênh đào đã được quy hoạch thiết kế thành hệ thống giao thông thủy, bộ song hành, mở ra nhiều không gian mới.
Các khu vực đất trồng trọt và đất rừng được bảo tồn nghiêm ngặt và các đô thị vệ tinh đều được xây dựng gần các con sông nhánh, hoặc kênh đào nhằm tạo cảnh quan. Nhờ đó giúp hình thành những đô thị mới mang một bản sắc kiến trúc rất phong phú và thơ mộng, thu hút nhiều du khách quốc tế; thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch.
Ngày nay, đặc trưng đô thị sông nước không chỉ dừng lại ở việc lưu chuyển hàng hóa, thông thương, khai thác nguồn nước và điều tiết nguồn nước, triều cường, ngập lũ mà còn trở thành động lực quan trọng của phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Đô thị sông nước trở thành bản sắc để phát triển du lịch sông nước, hình thành những loại hình kinh tế mới ở các lưu vực sông, kênh.
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố có một số khu vực do lịch sử phát triển để lại vẫn còn thực trạng sông, kênh bị dự án, nhà ở lấn chiếm, làm diện mạo bờ sông trở nên chắp vá. Do đó, cần có tầm nhìn về một thành phố có chất lượng sống cao, trong đó phát triển hành lang sông Sài Gòn được ví như Chương trình “Đánh thức rồng xanh” nhằm tăng cường diện tích mảng xanh và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo không gian cho đa dạng các hoạt động văn hóa sông nước.
Quá trình chuyển đổi xanh cũng cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông gắn với cải tạo môi trường nước, phát triển hệ sinh thái đi kèm dọc theo hành lang sông, kênh để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, đặc biệt là logistics, vận tải hành khách công cộng đường thủy, du lịch đường thủy, mô hình dịch vụ mới...
Điều này vừa mang ý nghĩa chuyển đổi xanh, vừa thúc đẩy tái thiết đô thị theo hướng bền vững, hiện đại, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, tạo không gian mở dọc theo tuyến sông để thu hút những nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần xây dựng một đô thị sông nước hiện đại, xanh hóa, phát triển bền vững của cả khu vực.
BẢO MINH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.