• Click để copy

TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch Covid-19: Bão lớn đã qua, tương lai rộng mở

LTS: Còn hơn một tháng nữa mới kết thúc năm 2022 nhưng nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành, thậm chí vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước với những điểm sáng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Giờ này năm 2021, cũng là thời điểm thành phố đang bắt đầu những bước đi ban đầu để phục hồi sau những đau thương, mất mát mà đại dịch Covid-19 mang lại. Hơn 1 năm, với những nỗ lực, ý chí, quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hồ Chí Minh đã đang dần chữa lành những vết thương do đại dịch gây ra.

Trong cuộc làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh vào ngày 23-9 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, TP Hồ Chí Minh đã kiên cường ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt với đại dịch Covid-19, đồng thời đang phòng, chống có hiệu quả hơn, kiểm soát ngày càng tốt các loại dịch bệnh, trong đó có dịch Covid-19.

Phải khẳng định rằng, hơn một năm sau khi đại dịch đi qua, TP Hồ Chí Minh đang tiến những bước tiến thần kỳ! Bỏ lại đằng sau đau thương của cơn “bão” lớn, tương lai đang rộng mở nơi đây…

 Bài 1: Vượt khó, bứt tốc ngoạn mục

0 giờ ngày 11-11-2022.

Con phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm trên trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh vẫn rất đông du khách, người dân tham quan, tản bộ. Điều mà cách đây hơn 1 năm, thật khó để có thể chứng kiến.

Trái ngược với sự ảm đạm, vắng vẻ khi hàng loạt cửa hàng, ngôi nhà phải đóng cửa do giãn cách xã hội vì dịch bệnh, giờ đây, các tuyến đường, con phố đã đông đúc người và xe qua lại; các cửa hàng kinh doanh mở cửa, buôn bán tấp nập; các hoạt động văn hóa giải trí ngoài trời nay cũng chật kín người xem, tạo động lực mới để thành phố bứt tốc ngoạn mục...

TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch Covid-19: Bão lớn đã qua, tương lai rộng mở

Du khách nước ngoài tham quan TP Hồ Chí Minh

Từng bước phục hồi

Ngày cuối tuần, bên trong chợ Bến Thành luôn nhộn nhịp người mua bán cũng như khách tham quan, đặc biệt có nhiều du khách nước ngoài ghé các sạp hàng truyền thống. Ông Đặng Hữu Toàn, một tiểu thương lâu năm tại chợ vui vẻ chia sẻ: “Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh của gia đình tôi đã khởi sắc hơn, lượng người đến mua bán đã đông hơn, thu nhập cũng ổn định. Từ khi thành phố mở cửa trong điều kiện bình thường mới, cửa hàng chúng tôi không chỉ có khách trong nước mà có cả khách nước ngoài. Vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, cửa hàng luôn chật kín chỗ”.

Cùng chung niềm vui, bà Nguyễn Thị Nhị, chủ một cửa hàng bán hoa quả tại đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp phấn khởi cho biết: “Mới đó đã hơn 1 năm ngày thành phố mở cửa sau dịch, giờ công việc của tôi cũng đã ổn định, cuộc sống bớt khó khăn. Ban đầu mới bán lại, lượng khách còn ít lắm, phần vì người dân về quê chưa lên, phần vì mới hết giãn cách, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên chi tiêu cũng dè dặt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng khách đã ổn định hơn và thu nhập cũng tốt hơn”.

Từ những chia sẻ của nhiều tiểu thương có thể thấy rằng, hoạt động giao thương tại thành phố đang trở lại với nhịp sôi động vốn có trước đây, trở thành một trong những động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch Covid-19: Bão lớn đã qua, tương lai rộng mở

Một góc TP Hồ Chí Minh. 

Theo đồng chí Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”, huyện Nhà Bè đã tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội dưới sự hỗ trợ của thành phố. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự ủng hộ của nhân dân, huyện Nhà Bè đã có nhiều khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội tăng hơn 40%; hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi toàn bộ. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2022, huyện Nhà Bè đã có thêm hơn 736 doanh nghiệp, gần 400 hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, huyện Nhà Bè đã thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ bằng 100% chỉ tiêu năm 2022 so với dự toán được giao, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. 

Cũng theo đồng chí Võ Phan Lê Nguyễn, sau đại dịch, tất cả dự án mà huyện ấp ủ làm đều đã được khởi động và có rất nhiều dự án về đích, như: Cầu Đông Kiểng đã hoàn thiện quá trình bàn giao mặt bằng; thông xe tuyến đường Ngô Quang Thắm, giai đoạn 1 tuyến đường Phạm Hữu Lầu... Đặc biệt, huyện Nhà Bè đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Bệnh viện Nhà Bè để tiếp tục cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân...

TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch Covid-19: Bão lớn đã qua, tương lai rộng mở

Đồng chí Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè chia sẻ về sự phục hồi của huyện sau hơn 1 năm dịch Covid-19 qua đi.

Cũng như huyện Nhà Bè, sau hơn một năm dịch Covid-19 qua đi, quận 7 cũng đã đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Theo Tờ trình số 3754/TTr-UBND về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022 của UBND quận 7, đối với chỉ tiêu “Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các thành phần kinh tế do quận quản lý từ 12% trở lên”, đến nay tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) các ngành kinh tế ước đạt 41.849 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước ước thu được 3.924,3 tỷ đồng, đạt 105,49% so với kế hoạch năm, tăng 50,63% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới là 1.748 doanh nghiệp, tăng 18,03% so với cùng kỳ…

Chia sẻ về sự phục hồi của quận, đồng chí Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận 7 cho biết: Trong đại dịch Covid-19, quận 7 là một trong những quận đầu tiên thực hiện kiểm soát dịch thành công. Ngay sau khi khống chế dịch bệnh, quận ủy đã nhanh chóng, linh hoạt thực hiện các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh; có những chính sách miễn giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ người lao động kịp thời để an tâm sản xuất…

TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch Covid-19: Bão lớn đã qua, tương lai rộng mở

 Đồng chí Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận 7 chia sẻ về các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế.

"Tìm lại những gì đã mất"

Trên con đường phát triển, với sứ mệnh là một đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách, tuy nhiên, đà tăng tốc phát triển đang được duy trì tốt.

TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch Covid-19: Bão lớn đã qua, tương lai rộng mở

 Các hoạt động văn hóa giải trí ngoài trời sôi động trở lại.

Báo cáo kết quả về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 của TP Hồ Chí Minh cho thấy, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Công nghiệp thành phố ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm, tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo, có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành. Trong đó, IIP 4 ngành trọng điểm 10 tháng năm 2022 ước tăng 22,5% so với cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước lũy kế 10 tháng năm 2022 vượt 1,6% dự toán năm và tăng 22,3% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 20,7%). Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt: Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước trong tháng 10 ước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 6,23% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 13,44% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,2%). Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước trong tháng 10 ước đạt 4,9 tỷ USD tăng 2,46% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm ước đạt 53,4 tỷ USD, tăng 9,60% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,8%).

TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch Covid-19: Bão lớn đã qua, tương lai rộng mở

Du khách tham quan TP Hồ Chí Minh. 

Đánh giá về sự phục hồi của TP Hồ Chí Minh sau đại dịch, TS Trần Du Lịch, nguyên Chủ nhiệm chương trình Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế thành phố, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết: “Từ ngày 1-10-2021, thành phố mở cửa theo tinh thần an toàn đến đâu mở đến đó, mở phải an toàn và đã mở thì không đóng. Phải nói rằng, mặc dù là một nơi chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng khi được mở cửa trở lại, sức sống của người dân, của doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh rất mạnh mẽ và tôi đánh giá đó là một sự phục hồi kỳ diệu. TP Hồ Chí Minh là nơi mà tinh thần năng động, sáng tạo của người dân cực kỳ mạnh mẽ và trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tinh thần ấy đã được bộc lộ một cách rõ nét”.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng GRDP theo quý trong hai năm 2021 và 2022, có thể thấy nền kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có sự hồi phục theo hình chữ V và đến nay đang trên đà tăng ổn định. Tại Hội nghị Thành ủy vào cuối tháng 9-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, sau 9 tháng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, TP Hồ Chí Minh cơ bản đã tìm lại được những gì đã mất.

Với chủ đề năm 2022 của TP Hồ Chí Minh: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để triển khai quyết liệt các kế hoạch đã đề ra nhằm đạt mục tiêu năm 2022 cũng như của cả nhiệm kỳ.

Theo báo cáo của UBND thành phố tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-7, tổng sản phẩm trên địa bàn từ mức giảm sâu ở quý 3 và 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến quý 1 và 2 năm 2022 tăng lần lượt lên 1,88% và 5,73%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng quý 2 tăng hơn 3 lần so với quý 1, cho thấy kinh tế thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng.

BĂNG CHÂU-TRẦN YẾN-HUY ĐĂNG-VIỆT CƯỜNG

Bài liên quan

Tin mới

Để Đà Nẵng trở thành trung tâm về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Để Đà Nẵng trở thành trung tâm về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm và là thành phố lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, có nhiều thuận lợi để trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn.

15.061 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 8-2024
15.061 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 8-2024

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8-2024 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm 12,6% (tương ứng giảm 2.172 chiếc) so với lượng nhập của tháng trước.

Bình Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
Bình Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

Chiều 19-9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo, thông tin về lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Tái thiết di sản kiến trúc - cảnh quan đáp ứng phát triển bền vững
Tái thiết di sản kiến trúc - cảnh quan đáp ứng phát triển bền vững

Một trong những xu hướng phổ biến của lĩnh vực kiến trúc hiện nay là tái thiết di sản kiến trúc-cảnh quan, chuyển đổi công năng, trở thành những công trình văn hóa-nghệ thuật công cộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đồng thời tạo sản phẩm mới của công nghiệp văn hóa, gia tăng hiệu quả kinh tế. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu, kiến trúc sư (KTS) Vũ Hiệp.

Tính ưu việt của mô hình đầu tư công - quản trị tư
Tính ưu việt của mô hình đầu tư công - quản trị tư

Mô hình đầu tư công-quản trị tư có thể được xem là một giải pháp nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn của tái thiết kiến trúc-cảnh quan trở thành công trình văn hóa-nghệ thuật. Nhiều chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn thử nghiệm ở một số dự án nhỏ, rút kinh nghiệm cho mô hình còn khá mới mẻ này.

Tặng thưởng 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Tặng thưởng 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Tối 19-9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023.