Tư vấn tâm lý học đường: Rất cần, nhưng cũng rất khó
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để hoạt động thực sự hiệu quả đòi hỏi công tác tư vấn tâm lý học đường cần được coi trọng và mang tính chuyên nghiệp hơn.
Sau dịp nghỉ Tết, các trường phổ thông trên cả nước đã trở lại học tập bình thường. Nhiều học sinh chưa kịp chuẩn bị cho mình tâm lý vượt qua những dư âm về Tết đã phải đối mặt với những áp lực về bài vở. Đây là thời điểm học sinh phải lên “dây cót” chuẩn bị tham dự các kỳ thi quan trọng, thi chứng chỉ ngoại ngữ... để kết thúc năm học với điểm số cao. Ngay cả học sinh lớp 1, lớp 2 cũng cảm thấy “kiệt sức” bởi lượng kiến thức, bài tập về nhà quá nhiều.
Bên cạnh đó, có những học sinh còn chịu cảnh bị bắt nạt, bạo lực học đường... Cảm thấy áp lực và lo lắng là tâm lý chung của nhiều học sinh khi rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, đa số các em không có kỹ năng ứng phó với những căng thẳng, không tìm được sự hỗ trợ ở trường học hoặc cha mẹ nên dễ dẫn tới những hành động không kiểm soát được.
Cán bộ Phòng Tham vấn tâm lý học đường, Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội) chia sẻ với học sinh. |
Luôn bắt mình phải học giỏi để bố mẹ tự hào là gánh nặng mà em Hà L, học sinh Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội đang gặp phải. Đối với L, điểm 8 được coi là điểm thấp. Thứ áp lực quá lớn đó khiến em cảm thấy rất căng thẳng và sợ đi học. Áp lực ấy cũng khiến em Bích N, học sinh Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có những suy nghĩ tiêu cực. N chia sẻ: “Đã có lúc em nghĩ tới việc tự tử vì thấy mình vô dụng khi không thể giành điểm số cao. Em mong muốn chia sẻ với một ai đó hiểu mình”.
Còn với em Hồng Đ, Trường THCS Dịch Vọng, Hà Nội, việc từng bị bắt nạt, trải qua những “bạo lực tinh thần” khiến em có những nỗi buồn chất chứa trong lòng không thể chia sẻ với ai. “Đến phòng tâm lý, em đã cải thiện hơn vấn đề của mình. Gần như ngày nào em cũng lên phòng tâm lý bởi ở đây em có thể vẽ, làm những điều mình thích và chơi với các bạn cũng gặp những khó khăn như mình”, Đ tâm sự.
Có thể thấy, học sinh đang phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống dẫn đến những trở ngại về tâm lý, nhưng lại không thể chia sẻ do bố mẹ ít lắng nghe hoặc thiếu kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi... Thực tế này khiến nhiều học sinh mong muốn có được sự hỗ trợ từ những người bên ngoài có chuyên môn về công tác tư vấn tâm lý. Thế nhưng, ở hầu hết trường học, khâu tư vấn tâm lý cho học sinh lại chưa phát huy hiệu quả.
PGS, TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý giáo dục cho hay: “Tỷ lệ học sinh lo âu, trầm cảm tăng lên từ 3 đến 5 lần, học sinh từ THCS đến THPT có ý nghĩ tự sát tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang tập trung nhiều vào việc ôn tập kiến thức, chưa chú trọng, chưa có kế hoạch toàn diện để kích hoạt hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần như phòng tâm lý học đường”.
Chính danh cho cán bộ tư vấn
Do không có biên chế nên hiện tại, với hoạt động tư vấn tâm lý, hầu hết các trường không có giáo viên chuyên trách về mảng tư vấn tâm lý mà phải bố trí kiêm nhiệm, thường là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế, cán bộ đoàn nên hiệu quả chưa cao. Đội ngũ này chỉ được tiếp thu kiến thức tư vấn, định hướng từ các đợt tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu.
Vừa làm công tác chuyên môn, vừa tư vấn tâm lý khiến cô Nguyễn Thị Quý, giáo viên Tổ Sử-Địa-Giáo dục công dân, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên không thể quan tâm sát sao học sinh của mình, dù đặc thù học sinh dân tộc nội trú phải sống xa nhà, có nhiều tâm sự và khúc mắc tâm lý cần được hỗ trợ. Cô Quý chia sẻ: “Chúng tôi làm công tác kiêm nhiệm và không được đào tạo bài bản, có những vấn đề phải tự tìm hiểu thông qua các nguồn tài liệu khác nhau nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình tư vấn cho học sinh”.
Đây cũng là bất cập mà PGS, TS Trần Thành Nam đã chỉ ra. Đó là nguyên tắc trong tư vấn tâm lý không được có quan hệ đa chiều hoặc song chiều ở vị trí người tư vấn. “Nếu cô giáo trong một số giờ lên lớp dạy có thể phạt các em, song chính cô giáo đó ở phòng tâm lý lại yêu cầu các em chia sẻ những vấn đề của mình thì thật sự rất khó để học sinh mở lòng”, PGS, TS Trần Thành Nam cho hay. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này còn thiếu. Học sinh khó có thể mở lòng, chia sẻ thật trong một không gian không bảo đảm quyền riêng tư.
Trước khi chờ đợi các giải pháp tổng thể, để xây dựng dịch vụ hỗ trợ tâm lý hiệu quả cho học sinh, các nhà trường cũng đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt. Mặc dù chưa có biên chế riêng cho chức danh này nhưng cách đây 5 năm, Trường THCS Dịch Vọng, Hà Nội đã nỗ lực thành lập và đưa vào hoạt động phòng tham vấn tâm lý học đường.
Lãnh đạo Trường THCS Dịch Vọng cho biết, nếu chỉ có một cán bộ tư vấn cho gần 2.000 học sinh sẽ là quá tải nên trường xây dựng nhóm học sinh yêu tâm lý. Mỗi lớp sẽ có khoảng 2 đến 3 học sinh đảm nhận công việc này. Đây là lực lượng không chỉ góp phần phát hiện những trường hợp cần hỗ trợ tâm lý ở các lớp sát sao nhất mà còn có thể trực tiếp chia sẻ với các bạn trong một số trường hợp đơn giản.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, trong giai đoạn 2015-2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học, trong đó chỉ ra, công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu... Hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục công chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường.
Trên thực tế, dù được quan tâm nhưng hầu hết các trường rất khó khăn khi triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường, bởi thiếu nhân lực cũng như kinh phí hoạt động, đặc biệt là các hoạt động theo nhóm lớn; nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa. Vì vậy, các nhà trường mong Bộ GD&ĐT, các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình tư vấn tâm lý cho học sinh cũng như quan tâm đồng bộ về nguồn lực cho hoạt động này trong nhà trường, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Công tác bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý học đường cũng cần được đầu tư bài bản hơn nữa.
Bài và ảnh: THU HÀ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.