Tuyên Quang tập trung chăm lo, sớm ổn định cuộc sống người dân
Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh đang nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống người dân, đưa các hoạt động trở lại bình thường. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang.
Phóng viên (PV): Bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại cho tỉnh ra sao, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Kim Dung: Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, thiên tai, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn không được chủ quan, lơ là, cần khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, lấy phòng là chính với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng của con người là trên hết; kịp thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện, trong đó quán triệt tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Tỉnh đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, Quân đội, Công an... để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Nhờ đó, các địa phương đã kịp thời di dời gần 5.000 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng. Đặc biệt, trước nguy cơ mất an toàn hồ thủy điện Thác Bà, chỉ trong 3 tiếng, tỉnh đã di dời gần 700 hộ dân của 3 xã thuộc huyện Yên Sơn đến nơi an toàn; chủ động di dời 42 hộ dân đến nơi an toàn trước khi xảy ra sự cố vỡ đoạn đê ở thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, vì vậy đã giảm thiểu thiệt hại do bão lũ.
Tuy vậy, do bão lũ diễn biến bất thường chưa từng thấy trong hàng chục năm qua nên đã gây thiệt hại nặng nề... Thống kê sơ bộ đến ngày 12-9, đã có 3 người chết; hơn 14.000 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập nước; hơn 7.000ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng; hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, điện, viễn thông cũng bị ảnh hưởng nặng nề... Ước tính thiệt hại hơn 500 tỷ đồng (chưa bao gồm tài sản của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình bị ngập úng, cuốn trôi).
Đồng chí Lê Thị Kim Dung (ngoài cùng, bên trái) động viên bộ đội thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão lũ. Ảnh: SƠN NGUYỄN |
PV: Thưa đồng chí, để từng bước khắc phục hậu quả bão lũ, trước mắt, tỉnh sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì?
Đồng chí Lê Thị Kim Dung: Tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch, thiếu chỗ ở an toàn; vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội phát huy tinh thần tương thân tương ái quyên góp, ủng hộ các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nước rút, huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu trùng khử độc, phòng, chống dịch bệnh, ổn định cuộc sống, sớm đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. Cùng với đó, tỉnh tập trung sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, đặc biệt là các trường học, cơ sở y tế, để học sinh được đến trường sớm nhất, không để dịch bệnh phát sinh.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực, khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn; kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập..., nhất là các công trình trọng điểm, xung yếu để chủ động có phương án xử lý phù hợp; đồng thời, tỉnh sẽ tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
PV: Thời gian qua, lực lượng vũ trang luôn xung kích, đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đồng chí đánh giá như thế nào về điều này?
Đồng chí Lê Thị Kim Dung: Cá nhân tôi luôn có tình cảm đặc biệt đối với Bộ đội Cụ Hồ. Suốt những năm qua, lực lượng vũ trang luôn là điểm tựa vững chắc của chính quyền và người dân. Cứ ở đâu gian khó, ở đâu dân cần là bộ đội có mặt. Tôi đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang cũng như các đơn vị của Quân khu 2, Bộ Quốc phòng, điển hình như Sư đoàn 316. Mấy ngày nay, Sư đoàn 316 đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giúp địa phương gia cố đê, vệ sinh môi trường. Tôi cũng rất ấn tượng khi chỉ trong một thời gian ngắn, 68 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 113 (Binh chủng Đặc công) đã giúp địa phương di dời gần 700 hộ dân của 3 xã thuộc huyện Yên Sơn để phòng ngừa sự cố hồ thủy điện Thác Bà... Khi bão số 3 và mưa lũ xảy ra, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang đã huy động gần 8.470 lượt cán bộ, chiến sĩ, 16 xuồng máy, 1 bộ vượt sông nhẹ để phòng, chống, khắc phục hậu quả, giúp đỡ người dân...
PV: Thưa đồng chí, tỉnh có đề xuất, kiến nghị gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ?
Đồng chí Lê Thị Kim Dung: Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để sớm khắc phục hậu quả bão số 3, giúp nhân dân ổn định đời sống, khôi phục cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo đảm giao thông... tỉnh mong muốn được Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ. Hiện nay, Tuyên Quang đang tập trung nguồn lực khắc phục sự cố tuyến đê tả sông Lô từ xã Vĩnh Lợi đến xã Trường Sinh (huyện Sơn Dương), rất cần Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp đoạn đê dài 36km này nhằm bảo đảm an toàn, thuận lợi trong giao thông cho nhân dân. Về lâu dài, đề nghị Trung ương có chủ trương, giải pháp căn cơ trong quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho người dân đang sinh sống ở những khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRUNG KIÊN - CHƯƠNG THỊNH (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.