Ứng xử thế nào với các sàn thương mại điện tử hoạt động "chui"?
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị thu hút bởi các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhờ mức giá rẻ và sự đa dạng về mẫu mã. Bộ Công Thương đã triển khai nhiều động thái để tăng cường quản lý Nhà nước về TMĐT; trong trường hợp cần thiết có thể có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp với các nền tảng vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng khi giao dịch hàng hóa trên các sàn TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký hoạt động và chưa được cơ quan nhà nước quản lý để tránh những rủi ro, trong đó có nguy cơ rò rỉ về dữ liệu thông tin cá nhân.
Vì sao chưa thể cấm ngay các sàn TMĐT xuyên biên giới hoạt động "chui"
Thời gian gần đây, các sàn TMĐT Trung Quốc giá rẻ khác như 1688-nền tảng bán buôn của Trung Quốc thuộc Tập đoàn Alibaba; Temu-thuộc sở hữu của PDD Holdings; trang thương mại thời trang Shein đã xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam và thu hút lượng người tiêu dùng lớn. Song, đáng lo ngại, các sàn TMĐT này chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ảnh: kinhtechungkhoan.vn |
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Ninh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Cục đang khẩn trương rà soát tổng thể về tác động cũng như các giải pháp đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, 1688 và Shein để đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.
Bộ đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu. Nếu không thực hiện đầy đủ, Bộ sẽ xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi, hiện tại, vì sao Bộ Công Thương chưa thể cấm ngay các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, 1688, Shein dù họ không đăng ký hoạt động tại Việt Nam? Liên quan tới vấn đề này, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay, việc cấm ngay các sàn TMĐT xuyên biên giới cần được xem xét một cách tổng thể, thận trọng.
Trong đó, cần phải có đánh giá tổng thể về tác động của các nền tảng này đối với thị trường Việt Nam, bao gồm cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và pháp lý. Điều này bao gồm việc phối hợp quản lý nhiều cơ quan chức năng như công an, thuế, hải quan và các cơ quan quản lý khác để hiểu rõ về tình hình giao dịch và mức độ vi phạm cũng như tuân thủ pháp luật của các nền tảng này.
Trước mắt, Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp khuyến cáo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua sắm từ các sàn này. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức về các rủi ro tiềm tàng liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và các vấn đề pháp lý khác.
Đồng thời, theo quy định của pháp luật TMĐT, không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh ngay từ đầu. Do đó, cần có thời gian để làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng này để họ hiểu rõ hơn về các trách nhiệm pháp lý của họ tại Việt Nam, đồng thời làm rõ các kế hoạch tuân thủ quy định trong tương lai.
Cảnh báo nhiều rủi ro nhất là bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân
Rủi ro lớn nhất và dễ nhìn nhận thấy đó là việc người tiêu dùng sẽ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc, hàng không đúng như quảng cáo nhưng quá trình khiếu nại, yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn. Bởi các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước.
Mua sắm trực tuyến là xu hướng tiêu dùng được ngày càng được quan tâm. Ảnh: KHÁNH AN |
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao khi việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng của các sàn TMĐT này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trong các trường hợp này, do các cơ quan chức năng không thể thực hiện công tác giám sát các trách nhiệm của doanh nghiệp về đảm bảo chất lượng sản phẩm, trách nhiệm về đảm bảo tính chính xác của việc cung cấp thông tin về sản phẩm nên người tiêu dùng sẽ không nhận được hỗ trợ theo quy định pháp luật từ phía các cơ quan chức năng.
Đáng lo ngại, khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân. Đặc biệt, nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký không có các cam kết về bảo mật thông tin người tiêu dùng theo quy định của Việt Nam, không có quy trình xử lý sự cố trong trường hợp xảy ra vấn đề và đương nhiên cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Việt Nam.
Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng về rủi ro pháp lý khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Hàng hóa mua từ các nền tảng TMĐT xuyên biên giới không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.
Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành các giao dịch trên nền tảng TMĐT, đặc biệt tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Người tiêu dùng có thể tra cứu danh sách các nền tảng TMĐT đã đăng ký trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ trực tuyến online.gov.vn hoặc liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương theo số điện thoại 1800.6838 để có thêm thông tin tham khảo.
VŨ DUNG
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.