• Click để copy

Văn bản quy phạm pháp luật xử lý vi phạm còn bất cập gây khó cho công tác chống buôn lậu

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Định nêu một loạt kiến nghị với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về khó khăn vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: một số văn bản quy phạm pháp luật xử lý vi phạm còn bất cập, chế tài chưa rõ nên khó khăn trong việc áp dụng xử lý vi phạm.

Hoạt động tuần tra trên biển của Hải quan Bình Định. Ảnh: M.Hùng

Hoạt động tuần tra trên biển của Hải quan Bình Định. Ảnh: M.Hùng

Theo đó, đối với lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHCN): Cán bộ làm công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế, không được thường xuyên tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong khi xử lý vi phạm trên lĩnh vực này khó và phức tạp.  Hàng giả, hàng nhái mặc dù được bày bán công khai, khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhưng để khẳng định là hàng giả trước khi xử lý lại gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí cũng như mất rất nhiều thời gian, bởi lẽ theo quy định của pháp luật, xử lý được hàng giả thì buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định cao, trong khi đó chi phí đấu tranh chống sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của các lực lượng thực thi không có. Ngoài ra, rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, thì thiếu sự phối hợp của chủ thể quyền do e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả, do đó gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với lĩnh vực này.

Trong công tác chống buôn lậu, hàng cấm: Trên tuyến đường bộ: Tuy công tác chống buôn lậu, hàng cấm vẫn được thường xuyên duy trì nhưng hoạt động buôn lậu, hàng cấm vẫn có những diễn biến phức tạp, chủ yếu là trên tuyến giao thông quốc lộ 1A, quốc lộ 19 và từ cảng biển Quy Nhơn. Các đối tượng buôn lậu luôn tìm mọi phương thức, thủ đoạn nhằm đối phó với các cơ quan chức năng, lợi dụng bất cập của cơ chế chính sách, dùng biển số giả, cất giấu hàng hóa trong vách ngăn tự tạo của phương tiện vận tải, khó khăn cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Một số mặt hàng nổi cộm đã được phát hiện và xử lý như: thiết bị điện tử, linh kiện điện thoại, thuốc lá ngoại nhập lậu,…Trên tuyến biển: Hải đoàn 48 được giao nhiệm vụ chống buôn lậu có địa bàn quản lý rộng, kéo dài trên 9 tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) nhưng lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm biên chế quá mỏng (04 đồng chí), chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ có mặt đạt được chưa cao. Một số bộ phận nhân dân trên khu vực biên giới biển đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; trình độ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, dễ bị đối tượng lợi dụng mua chuộc, lôi kéo, tiếp tay cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa trên vùng biển.

Những vướng mắc, bất cập chủ yếu của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020: theo Điều 2, Luật Xử lý VPHC (về giải thích từ ngữ) quy định: "Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính". Cho đến nay, Luật Xử lý VPHC vẫn chưa có quy định cụ thể về "yếu tố lỗi" trong VPHC (lỗi cố ý, lỗi vô ý), đồng thời các khái niệm về mức độ của hành vi VPHC (không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng…) vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, Điều 26 Luật Xử lý VPHC lại quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC được áp dụng đối với "vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức" khiến cho cơ quan thực thi pháp luật lúng túng, khi không biết căn cứ theo quy định nào để xác định lỗi cố ý và mức độ nghiêm trọng của hành vi VPHC. Đây là một trong những bất cập của Luật Xử lý VPHC năm 2012 mà Luật Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020 vẫn chưa giải quyết được.

 Bên cạnh đó, quy định về tình tiết giảm nhẹ còn chung chung, định tính: Điều 9 Luật Xử lý VPHC năm 2020 quy định có 8 tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ phần lớn còn quy định khá chung chung, định tính, và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trên thực tế.  Ví dụ: "Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại"  “Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính”; “Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra”; “Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu”. Do đó, khi căn cứ các quy định nói trên, cán bộ thực thi pháp luật thường có tâm lý “sợ sai” nên không áp dụng cho "an toàn", đồng thời dẫn đến tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, áp dụng một kiểu, thiếu thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật.

 Quy định về thời gian chuyển biên bản VPHC trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý thiếu tính khả thi:  Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý VPHC quy định: "Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.

 Thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản VPHC cho người có thẩm quyền xử phạt là làm khó cho cơ quan thực thi pháp luật. Bởi có những vụ việc phức tạp, cần nhiều thời gian để xác minh, làm rõ (hành vi, đối tượng, giá trị trị tang vật, phương tiện VPHC và các tình tiết khác có liên quan) nhằm xác định đúng thẩm quyền xử phạt, sau đó mới có thể hoàn thiện hồ sơ và chuyển giao cho cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, có những vụ việc xảy ra ở nơi khó khăn về đi lại, tiếp cận, thông tin liên lạc hạn chế (ở sâu trong rừng, địa hình hiểm trở, điều kiện thời tiết không thuận lợi...), việc ngăn chặn hành vi VPHC, kiểm tra hiện trường, bảo vệ tang vật, phương tiện vi phạm, dẫn giải người vi phạm, lập hồ sơ ban đầu vô cùng khó khăn, cần rất nhiều thời gian để thực hiện.

 Với khối lượng công việc và những khó khăn nói trên, quy định 24 giờ phải chuyển biên bản VPHC đến người có thẩm quyền phạt là không khả thi, thậm chí một số cơ quan có thẩm quyền (có thể) vì không muốn tiếp nhận, xử lý nên lấy lý do "quá thời hạn 24 giờ" nhằm không tiếp nhận, xử lý vụ việc, dẫn đến quá thời hạn không ra quyết định xử phạt VPHC, tang vật, phương tiện VPHC để lâu không được tịch thu, xử lý dẫn đến hư hỏng, suy giảm chất lượng.

  Ngoài ra, Điểm b khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý VPHC quy định một trong những căn cứ xác định giá trị tang vật phương tiện VPHC là "trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính". Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là "giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm" bởi trên thị trường tại địa phương nơi xảy vi phạm, cùng một loại sản phẩm, hàng hóa tương tự với tang vật, phương tiện VPHC nhưng do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối lại có các mức giá khác nhau, điều này khiến cho cơ quan chức năng lúng túng về xác định giá trị tang vật, phương tiện VPHC để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.

Khoản 5b Điều 126 Luật Xử lý VPHC quy định: “Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây: a) Động vật, thực vật sống; b) Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật”. Việc quy định bắt buộc phải niêm phong đối với tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt đối với các tang vật cồng kềnh, khó niêm phong, khó bảo quản; thêm thủ tục, kéo dài (làm phức tạp) quy trình xử lý đối với 01 vụ VPHC.

Bên cạnh đó, quy định về thời hạn xử lý đối với các tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện quá dài, gây ảnh hưởng đến chất lượng tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ khi không được xử lý kịp thời.  Điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý VPHC quy định “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện… Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.

Thời hạn thông báo 01 năm là quá dài để xử lý một vụ việc VPHC, khiến cho tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày không được xử lý bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, đặc tính (đặc biệt là đối với động vật hoang dã dễ bị suy giảm, mất tập tính nếu không được sớm thả về môi trường tự nhiên); ngoài ra, còn làm tăng số lượng tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ (do phải chờ xử lý) gây tồn đọng, đầy ứ (trong khi điều kiện kho bãi của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế) và chi phí bảo quản tang vật (đặc biệt là các chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối với tang vật là động vật hoang dã) rất cao.

Về một số chế tài trong Nghị định xử lý VPHC có vướng mắc, không rõ, cụ thể: Đối với các hành vi vi phạm tại khoản 1, 2 và 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 2 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP  của Chính phủ. Theo đó, có biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại điểm a khoản 8 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 như sau “ Đối với hành vi vi phạm … được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;” thì đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính có tang vật vi phạm là hàng hóa do Việt Nam sản xuất không thuộc trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu” nhưng không quy định rõ thẩm quyền xử lý nên rất lúng túng khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả  “buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa”, nhưng đối tượng vi phạm không phải nhà nhập khẩu, nhà sản xuất mà chỉ buôn bán nên không thuộc đối tượng có trách nhiệm ghi nhãn và vì vậy, quy định trên không khả thi.

Phan Anh

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.