Vẻ đẹp bình dị Hoàng Trung Thông
Nhà thơ Hoàng Trung Thông (5-5-1925 / 4-1-1993) còn có các bút danh Đặc Công, Bút Châm, Hồng Vân, quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nguyên là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ (Ban Tuyên huấn Trung ương), Viện trưởng Viện Văn học và Tổng biên tập Tạp chí Văn học (nay là Tạp chí Nghiên cứu Văn học).
Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001) và vừa được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 6-năm 2022 với các tập thơ: “Đường chúng ta đi” (1960), “Những cánh buồm” (1964), “Đầu sóng” (1968), “Tiếng thơ không dứt” (1989)... Không chỉ vậy, ông còn có các tập tiểu luận, nghiên cứu, phê bình đầy sức nặng như: “Chặng đường mới của văn học chúng ta” (1961), “Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống” (1979)...; đồng thời dịch, giới thiệu nhiều tác phẩm thơ Đỗ Phủ, Lục Du, A.S.Pushkin, V.V.Mayakovsky, K.Simonov và thơ ca Trung Quốc hiện đại... Riêng trên Tạp chí Văn học, ông đã viết tới 32 mục bài, từng tham gia dịch thơ thời Lý-Trần, đề thơ ở từ đường Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông (ngồi giữa) cùng nhà thơ Bảo Định Giang (ngoài cùng, bên trái) và họa sĩ Mai Văn Hiến. Ảnh tư liệu |
Sau tất cả chức vụ, Hoàng Trung Thông trước hết là nhà thơ. Thời nào ông cũng có bài thơ hay, in đậm dấu ấn đời sống. Gắn với công cuộc kháng chiến kiến quốc, ông sớm có “Bài ca vỡ đất”: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” đề cao tinh thần lao động (1948); viết về tình quân dân, ông có “Bao giờ trở lại”: “Các anh về tưng bừng trước ngõ/ Lớp đàn em hớn hở theo sau” được phổ nhạc và truyền bá sâu rộng (1949); ngợi ca lãnh tụ, ông có “Đọc thơ Bác”: “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/ Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác, vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”, nói được cả chất “thơ”, chất “thép” trong thơ Hồ Chí Minh (1960); viết về nông thôn mới, ông sớm khắc họa hình ảnh “Anh chủ nhiệm” (1962): “Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ/ Áo nâu bạc màu bay với gió/ Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh”, được tuyển vào chương trình sách giáo khoa một thời gian dài.
Nhiều ý kiến cho rằng, thơ Hoàng Trung Thông có phần tỉnh táo, hiển ngôn, thiếu phần mượt mà. Thực tế, thơ ông giàu suy tư, suy tưởng và chân tình, chân thành, chân thật. Với Hoàng Trung Thông, chính sự chân thật đã "cứu" thơ ông, giúp thơ ông gần với đời, gần với lối nói mộc mạc, bình dị.
Hoàng Trung Thông dường như cũng dự cảm được cái “tạng” của thơ mình nên đã tiếp nhận và hóm hỉnh đùa vui: “Chế Lan Viên chưa bao giờ khen thơ tôi mà khi viết thường nói thơ tôi phải say hơn nữa. Tôi cố uống rượu để cho say mà thơ tôi vẫn tỉnh như mọi người đều nói”. Chính với tình bạn, tình người đã lan truyền và khiến Chế Lan Viên cảm xúc viết bài thơ cũng rất mực chân thành, ân nghĩa: “Ông thì hay say/ Tôi thì quá tỉnh” (Gửi Trạng Thông họ Hoàng).
Chất thơ, chất nghệ sĩ Hoàng Trung Thông toát lên từ quan niệm về cuộc đời, phong thái, lối sống và cung cách ứng xử với nghề, với đồng nghiệp, với bạn văn chương và với lớp trẻ. Họ Hoàng rộng bạn, thân tình với các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Mộng Tuyết; gắn bó với các họa sĩ Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu... Ông kể, thời trẻ ham thích đá bóng, thường ở vị trí trung phong. Ông làm Viện trưởng mà bình dân, bình dị, xuề xòa, hòa đồng, xa lạ với lối quan chức kiểu cách. Ông ít khi ngồi một chỗ, thường đến các phòng, ban bao đồng cổ kim, chuyện trời chuyện đất. Khi tổ chức gợi ý ông làm hồ sơ phong giáo sư, ông bảo: “Tôi là nhà thơ. Thế đủ rồi. Còn giáo sư gì nữa”. Khi có chủ trương giảm biên chế, ông bảo: “Giảm tôi trước hết. Anh chị em lương thấp thế, họ biết đi đâu”. Chỉ mấy chuyện mà tôi chứng kiến, có thể thấy phẩm chất một đồ Nghệ làm nên bản sắc thơ và đời Hoàng Trung Thông.
PGS, TS NGUYỄN HỮU SƠN
(Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học)
Tin mới
Trung tướng Nguyễn Văn Đức chúc mừng Trường Sĩ quan Chính trị nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày 18-11, thừa ủy quyền của lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm, chúc mừng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Trường Sĩ quan Chính trị nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 / 20-11-2024).
Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng
Ngày 18-11, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 51. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Bổ nhiệm lại đồng chí Đỗ Xuân Tuyên giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1418/QĐ-TTg bổ nhiệm lại đồng chí Đỗ Xuân Tuyên giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.
Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy về Việt Nam, chuẩn bị chuỗi hoạt động ý nghĩa
Ngày 18-11, Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy trở về Việt Nam tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau gần một tuần đăng quang.
Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 100 gian hàng phục vụ người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội dự kiến trong hai ngày 11 và 12-1-2025 sẽ tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” tại nhà triển lãm Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.
Công điện ứng phó với bão số 9
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện gửi tới: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối 17-11, bão Man-yi đã đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2024.