Việt Nam với thông điệp chung tay vì hòa bình thế giới
Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 21 đến 26-11.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, cho thấy sự đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung.
Trước thềm đại hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu có cuộc trả lời báo chí về sự kiện này. Dưới đây là nội dung chính cuộc trả lời phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Vì sao Hội đồng Hòa bình thế giới lựa chọn tổ chức Đại hội lần thứ 22 tại Việt Nam? Điều này có ý nghĩa gì đối với Ủy ban Hòa bình Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, thưa ông?
Chủ tịch Uông Chu Lưu: Hội đồng Hòa bình thế giới và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử đặc biệt. Việt Nam là một trong những nước tham gia sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới. Hơn 7 thập kỷ qua, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn đồng hành với Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Ở hướng ngược lại, Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Hòa bình thế giới. Sự tham gia của Việt Nam đối với các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới đã được bạn bè quốc tế và các thành viên của Hội đồng ghi nhận. Đây là một trong những lý do Hội đồng Hòa bình thế giới lựa chọn tổ chức Đại hội lần thứ 22 tại Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu. Ảnh: MINH THẮNG |
Việt Nam là đất nước thanh bình, ổn định, đang đổi mới, hội nhập và phát triển. Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và rất thân thiện, giàu lòng mến khách, thủy chung, tình nghĩa. Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã giành được những thành tựu rất to lớn, toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
Chúng ta cũng là một trong số ít nước trên thế giới khống chế tốt đại dịch Covid-19. Hai năm vừa qua, trong bối cảnh thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu rất tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Đó là những yếu tố khiến bạn bè là những nước thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới thấy rằng Việt Nam là địa điểm phù hợp để tổ chức đại hội lần này.
Ngoài ra, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam là những tổ chức có năng lực, kinh nghiệm tổ chức những sự kiện lớn về đối ngoại nhân dân đa phương. Tổ chức đại hội lần này là trách nhiệm, cũng là vinh dự rất lớn của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam, đồng thời là cơ hội để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử, truyền thống đấu tranh, gìn giữ độc lập, tự do của đất nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như về những thành tựu đổi mới đất nước.
PV: Những thông điệp Việt Nam mong muốn chuyển tới bạn bè quốc tế thông qua đại hội lần này là gì, thưa ông?
Chủ tịch Uông Chu Lưu: Đối với bạn bè quốc tế và các thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới, qua đại hội lần này, chúng ta muốn gửi tới họ thông điệp, hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ cũng như ở thời điểm hiện tại.
Ta cũng muốn giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, về thông điệp Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, các đối tác, trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Sự kiện này cũng cho thấy đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các hoạt động của Hội đồng nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung; đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam nói chung, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam nói riêng, trong phong trào hòa bình thế giới, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế.
Tôi nghĩ rằng, hiện nay, rất nhiều bạn bè quốc tế, nhất là các tổ chức thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới quan tâm đến Việt Nam, muốn tìm hiểu về những thành tựu, bài học kinh nghiệm trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Do vậy, đại hội lần này là cơ hội để những bài học của Việt Nam có thể đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Một điểm nữa chúng tôi muốn truyền tải là lòng biết ơn, tri ân của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, trong đó có Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới suốt hơn 7 thập kỷ qua đã luôn luôn kề vai sát cánh, ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước ngày nay.
Đối với nhân dân Việt Nam, đây là dịp để chúng ta tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với vai trò, giá trị của hòa bình, đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, để thấy rằng đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cũng là một trong những nhân tố rất quan trọng làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Giờ đây, nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ hòa bình là công việc của tất cả mọi người, đúng như cố Chủ tịch Frédéric Joliot-Curie - nhà bác học, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Hòa bình thế giới từng nói.
Việt Nam tham gia vào gìn giữ hòa bình thế giới không chỉ ở vấn đề phản đối chiến tranh, ngăn chặn các cuộc chiến tranh thế giới mới hay chiến tranh hạt nhân, hạn chế các cuộc chạy đua vũ trang, chống lại chủ nghĩa khủng bố, phân biệt chủng tộc hay bất bình đẳng, mà hiện tại khái niệm bảo vệ, gìn giữ hòa bình đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn: Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh, hòa bình còn bao gồm vấn đề về sự phát triển, môi trường, quyền con người, công lý và lẽ phải. Việt Nam cần phải tham gia trên bình diện rộng hơn để đóng góp hơn nữa vào việc gìn giữ hòa bình bền vững trên trái đất này.
Tôi muốn nhấn mạnh lại thông điệp Đại hội lần thứ 22 lần này, đó là đoàn kết quốc tế, chung tay hành động vì hòa bình, hợp tác và sự phát triển bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGỌC THƯ (ghi)
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.