Vụ bê bối rúng động châu Âu
Một trong những chủ đề làm lu mờ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hồi trung tuần tháng 12 này là vụ bê bối tham nhũng tại Nghị viện châu Âu (EP). Tâm điểm của vụ bê bối có tên Qatargate là Phó chủ tịch EP Eva Kaili, với cáo buộc tham nhũng và rửa tiền.
Qatargate phơi bày những nhược điểm sâu sắc mang tính cấu trúc trong quá trình hoạch định chính sách của EU, đồng thời cho thấy mức độ thao túng chính trị của một số cá nhân. Hàng loạt bài điều tra trên Politico, Euronews và báo chí châu Âu đều chỉ rõ, một cơ chế quyền lực không được giám sát tạo cơ hội cho tham nhũng nảy nở. Đó là gốc rễ cho những bức xúc của người dân EU.
Vụ bê bối còn cho thấy, đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng dường như đã đẩy tình trạng thiếu minh bạch-căn bệnh trầm kha của EU-lên mức ngày càng nghiêm trọng. Một loạt câu hỏi được dư luận đặt ra: Vì sao việc tìm nguồn cung ứng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar lại được đề cập tới hai lần trong kế hoạch tái tạo năng lượng của EU? Vì sao EU vẫn đề xuất miễn thị thực cho công dân Qatar nhập cảnh vào EU, trong bối cảnh quốc gia vùng Vịnh đang vướng vào cáo buộc cưỡng bức lao động di cư nghiêm trọng? Những kẻ nào đã giật dây cho mưu đồ tham nhũng và thâu tóm doanh nghiệp?
Hai nhân vật trung tâm của Qatargate, ông Antonio Panzeri (trái) và bà Eva Kaili. Ảnh: Ilgiornale.it |
Sự việc được tóm tắt như sau: Tối 9-12, như thường lệ, hàng nghìn nhà ngoại giao, quan chức làm việc tại các cơ quan của EU ở Brussels (Bỉ) đã trở về nhà cho kỳ nghỉ cuối tuần. Song, tại tòa nhà của EP ở khu Quảng trường Luxembourg, cảnh sát Bỉ và nhân viên an ninh EP bí mật khám xét và niêm phong tất cả văn phòng. Cùng lúc, một mũi điều tra khác mở cuộc đột kích vào hơn 20 biệt thự và căn hộ tại Bỉ, Hy Lạp và Italy.
Tin tức công bố ngày hôm sau cho thấy, cơ quan điều tra đã tịch thu 1,5 triệu euro tiền mặt, xếp chật kín trong các vali tại tư dinh của các đối tượng. 6 nghi phạm bị vây bắt, trong đó có Eva Kaili, chính trị gia Hy Lạp 44 tuổi, một trong 14 phó chủ tịch EP, cũng là một gương mặt nổi tiếng tại EP. Các đối tượng khác gồm: Cựu thành viên EP người Italy Antonio Panzeri-người sáng lập tổ chức phi chính phủ Fight Impunity, cùng trợ lý Francesco Giorgi-cũng chính là bạn trai của Kaili, và bố ruột bà này.
Qatargate được cho là vụ "đi đêm" của Qatar với các thành viên EP trong một chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng và xác định chính sách của EP có lợi cho Doha, tạo dựng hình ảnh tích cực cho quốc gia Arab này. Theo các nhà điều tra, bà Kaili đã nhận nhiều khoản thù lao kếch xù từ Qatar để nói tốt cho quốc gia giàu dầu mỏ này. Liên đới vụ bê bối tại EP còn có nhiều cái tên khác được nhắc đến trong quá trình mở rộng điều tra.
Hồ sơ điều tra thể hiện, bà Kaili đã có chuyến thăm Qatar hồi tháng 11, gặp gỡ Bộ trưởng Lao động của nước này và nhiều nhân vật tiếng tăm khác. Ngay sau đó, bà đã có bài phát biểu trước EP ca ngợi nước chủ nhà World Cup 2022 là “đi đầu trong thực hiện quyền lao động”, rằng đó là “sự chuyển đổi lịch sử” của đất nước Trung Đông này. Ý kiến đó trái ngược với sự chỉ trích gay gắt từ các nhà hoạt động vẫn cảnh báo về tình trạng lao động cưỡng bức đối với người di cư tại các công trường xây dựng phục vụ World Cup 2022.
Ngay lập tức Qatar đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc. Dư luận đang nín thở chờ đợi động thái tiếp theo của EU. Song có một thực tế là EU đang ở thế lưỡng nan khi khối này ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Doha. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel từng tham dự lễ khai trương Đại sứ quán mới của EU tại Doha vào tháng 9 và đề xuất xây dựng mối quan hệ tích cực với Qatar. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thì mới đây cho biết, Berlin muốn duy trì nguồn cung cấp khí đốt từ Doha, bất chấp vụ bê bối.
EP cùng với EC và Hội đồng châu Âu là 3 cơ quan quyền lực cao nhất trong thể chế chính trị EU và được coi là diễn đàn cấp cao cho các cuộc tranh luận công khai, nơi các nhà lập pháp từ 27 quốc gia thành viên EU thường đưa ra các đề xuất và mục tiêu cấp thiết. Nhờ đó, đem lại cho tổ chức này danh tiếng mà tiền không thể mua được.
Mỗi tháng, thành viên EP được trả lương khoảng 9.400 euro, được nhận 4.700 euro trợ cấp đi lại và 4.800 euro cho chi phí thuê văn phòng, internet, họp hành... Ngoài ra, họ còn được phép duy trì một hoặc nhiều công việc khác. Thực tế, không ít thành viên EP có mức thu nhập “khủng” từ nhiều nguồn không xác định. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, điều này mở ra cơ hội bùng nổ các loại xung đột lợi ích. Đơn cử như Miapetra Kumpula-Natri, người được trả lương hậu hĩnh cho vị trí cao trong hội đồng quản trị của hai công ty năng lượng Phần Lan, dù đang là thành viên Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng của EP.
Đối mặt Qatargate, Chủ tịch EP Roberta Metsola cam kết đưa ra một gói cải cách trên diện rộng nhằm giải quyết nạn tham nhũng tại tổ chức này. Theo diễn giải của bà, xã hội luôn tồn tại những kẻ sẵn sàng hành động bất chấp vì lòng tham. Điều cần kíp là định ra một chế tài buộc họ phải trả giá một khi dám mạo hiểm.
Vào thời điểm người dân EU đang thắt lưng buộc bụng, phải cân nhắc giữa việc chi tiêu cho sưởi ấm hay ăn uống, thì bê bối tham nhũng-rửa tiền của các thành viên cấp cao EP chẳng khác gì một quả bom vừa phát nổ, làm tổn thương sâu sắc niềm tin của công chúng.
HÀ PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.