Vụ cháy ở Trung Kính: Đại biểu Quốc hội đề nghị siết nhà ở kết hợp kinh doanh
Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 24-5, các đại biểu bày tỏ sự đau buồn trước vụ cháy ở Trung Kính (Hà Nội), đồng thời đưa ra những giải pháp để ngăn những vụ việc thương tâm tương tự.
Cần cấm hình thức nhà ở kết hợp kinh doanh
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho hay, tại kỳ họp này, chúng ta đang xem xét để sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. "Khi chúng tôi thẩm tra cách đây khoảng vài tuần, cá nhân tôi cũng đã đề cập câu chuyện phải rà soát lại quy định về phòng cháy tại nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu cho hay, rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với đối tượng là nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh hiện hữu rất rõ và có thể xảy ra bất kể khi nào. Nhất là nhà ở tại các thành phố lớn, có khu nhà trọ, nhà cho người lao động, cho học sinh, sinh viên thuê. Nếu xảy ra cháy thì khả năng dẫn đến chết người với số lượng lớn là hiện hữu.
Đại biểu Trịnh Xuân An: Phải quy định cụ thể đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh khi sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. |
Tuy nhiên, đây là một thực trạng hiện vẫn chấp nhận với rủi ro hằng ngày, hằng giờ. Thực tế, sau vụ cháy ở Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người tử vong vào tháng 9 năm ngoái, các lực lượng chức năng đã tổ chức rà soát, đồng thời có cảnh báo rất cụ thể. Tuy nhiên, người dân, người lao động vẫn có nhu cầu thuê nhà tại các thành phố lớn để sinh sống, học tập, làm việc.
Bên cạnh đó, vấn đề còn là tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng liên quan đến các dự án nhà xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Đây là một trong những giải pháp nhưng chưa triển khai được. Người dân cũng không có sự lựa chọn nào khác.
Từ những phân tích trên, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, phải quy định cụ thể đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh khi sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
“Vụ việc cháy nhà ở Trung Kính, bên dưới là kinh doanh xe điện và nếu chập cháy thì sẽ gây nguy cơ rất rõ ràng. Chúng ta phải có trong quy định của pháp luật, cấm không cho phép kinh doanh trong diện tích có đông người thuê trọ, chẳng hạn từ 10 người, mà không có hệ thống chữa cháy. Điều này phải làm nghiêm để ngăn chặn rủi ro hiện hữu; không để xảy ra nguy cơ đối với hàng chục tính mạng con người. Bởi vì khi xảy ra cháy ở những nơi này thì chắc chắn sẽ gây kết cục thương tâm, nạn nhân ít có cơ hội sống sót”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Cùng với đó, theo đại biểu Trịnh Xuân An, phải rà soát lại quy định, quy chuẩn kinh doanh những mặt hàng dễ cháy trong khu dân cư, như kinh doanh xe máy, xe điện. Phải có điều kiện khắt khe hơn trong phòng cháy, chữa cháy, phải kiểm soát chặt các mặt hàng được phép kinh doanh.
“Với nhà ở kết hợp kinh doanh shophouse, nhà mặt phố kết hợp kinh doanh thì điều kiện cho phép là chỉ dùng để kinh doanh và không có người ở. Đồng thời phải bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu nhấn mạnh.
Chú ý hơn nữa tới phân khúc nhà ở xã hội cho thuê
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ sự đau buồn trước thông tin về vụ cháy sáng nay tại Trung Kính, Hà Nội.
“Khi tôi cập nhật tin tức sáng nay thì bắt gặp ngay thông tin về vụ cháy ở Trung Kính. Thực sự quá đau buồn! Chúng ta đã nói rất nhiều đến các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, các chung cư mini ở đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Những vụ cháy không chỉ thiêu trụi tài sản của người dân mà còn khiến cho nhiều người tử vong, rất thương tâm”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội. |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, chúng ta đã đề ra rất nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra, đặc biệt là đối với khu vực nhà dân. Tuy nhiên, có một giải pháp liên quan đến các luật của Quốc hội vừa mới thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, đó là trong phát triển nhà ở xã hội, hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.
Đại biểu dẫn kết quả giám sát và khảo sát hiện nay cho thấy, dù đã được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng phân khúc nhà ở xã hội có giá thành khá cao so với thu nhập của những người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở các đô thị lớn.
“Ví dụ như Hải Dương, giá nhà ở xã hội dao động khoảng 11-14 triệu đồng/m2. Như vậy, với một căn nhà ở xã hội dạng chung cư khoảng 50m2, người thu nhập thấp cũng đã phải bỏ ra một số tiền khá lớn để sở hữu, vượt quá khả năng chi trả của họ", đại biểu dẫn chứng.
"Qua giám sát, rất nhiều người lao động nói rằng, với mức lương hiện nay của họ chỉ đủ sống ở các đô thị, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. Vậy thì làm sao có thể bỏ ra từ ít nhất 500-700 triệu đến 1 tỷ đồng để mua một căn nhà ở xã hội?”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Theo đại biểu, đa phần nguyện vọng của người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị lớn là được sở hữu một căn nhà ở xã hội không phải dưới dạng mua trả góp mà dưới dạng trả tiền thuê hằng tháng. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội này.
Đừng để khi xảy ra tai nạn mới rút kinh nghiệm
Trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn từ những vụ cháy thời gian qua, nhất là vụ việc xảy ra tại Trung Kính sáng nay, đại biểu Trịnh Xuân An góp ý thêm rằng, biện pháp phòng ngừa phải được quan tâm trước tiên. Ý thức của người dân phải được tăng cường.
“Phải cho rằng nguy cơ cháy lúc nào cũng hiện hữu thì mới không để xảy ra những rủi ro”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Cùng với đó là vai trò của cơ quan quản lý và các cấp chính quyền. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, lực lượng chuyên trách sẽ không có đủ người để đi đến từng nhà canh chừng, do đó các cấp đoàn thể cơ sở phải rất sát, vận động tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác.
Ngoài ra, các khu vực nhà trọ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hay tại các thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Bắc Ninh - nơi tập trung người lao động, công nhân, phải rà soát một cách chặt chẽ. Tất cả các cơ sở, nhà ở theo dạng này phải trang bị bình cứu hỏa, phải sắp xếp, bố trí cầu thang thoát hiểm...
"Lâu nay chúng ta chỉ rà soát thông thường, mới chỉ nhắc nhở. Thế nhưng, như trường hợp cháy ở Trung Kính sáng nay có thể thấy, khu vực trên mái nhà có quây tôn kín, ở dưới lại là kinh doanh xe. Nếu là người có trách nhiệm thì phải yêu cầu gỡ bỏ mái tôn hoặc mở đường thoát hiểm”, đại biểu nói.
Về lâu dài, đại biểu cho rằng, phải có một hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, trong đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, để giảm dần câu chuyện cho thuê trọ tự phát.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, một trong số những nguyên nhân xảy ra những vụ cháy thương tâm nằm ở ý thức của con người. Nhiều khi người ta không nghĩ rằng những hành vi của mình lại là những hành vi bất cẩn để có thể gây ra tai nạn thương tâm. Thống kê cho thấy, rất nhiều vụ cháy xảy ra là do sự chủ quan, do những hành vi của con người từ việc không ngắt các thiết bị điện, hay việc cho người dân thuê trọ ở lẫn với những loại hình kinh doanh dễ gây cháy nổ, hay việc sử dụng các thiết bị điện không đúng quy chuẩn... Do đó, chủ nhà và những người thuê trọ cũng cần hết sức cẩn trọng đối với hành vi của mình.
Cùng với đó, công tác tập huấn về phòng, chống cháy nổ và công tác tập huấn về kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra là rất cần thiết. "Đừng để khi xảy ra tai nạn chúng ta mới lại rốt ráo đi tìm bài học kinh nghiệm và rút kinh nghiệm. Ngay lúc này, việc chấn chỉnh ý thức là rất quan trọng", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trong những quy định về phòng cháy, chữa cháy đã gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Điều quan trọng hiện nay là rà soát tích cực và có phương án đối với từng loại hình, chứ không thể có một phương án hay công thức chung.
"Ví dụ, với những loại hình cho thuê trọ chật hẹp nhiều tầng, nhà trọ trong ngõ sâu thì giải quyết như thế nào? Chúng ta không thể mở đường ngõ sâu và xe chữa cháy cũng không vào được ngõ. Như vậy, cần xử lý theo hướng kiểm tra kết cấu. Phần lớn các nhà bị cháy có nhiều người tử vong là do không có lối thoát hoặc lối thoát hiểm. Vậy những người cho thuê nhà phải bảo đảm ít nhất là lối thoát hiểm cho tòa nhà, để khi có tai nạn, cháy nổ xảy ra thì người ở trong nhà có thể nhanh chóng thoát hiểm. Đây không phải là phương án quá khó khăn", đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho hay, Hà Nội đang còn rất nhiều quỹ đất có thể tận dụng được để xây nhà cho người thu nhập thấp thuê. Đối với các cấp chính quyền, cũng phải có biện pháp mạnh tay khi rà soát trên địa bàn. Nếu thấy nguy cơ cao, đe dọa tính mạng người dân thì phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay các vật cản, mái tôn và phải thiết kế thêm lối thoát hiểm. "Phải đồng bộ cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn với những biện pháp kỹ thuật, biện pháp mang tính cưỡng bức bắt buộc để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc như những vụ cháy thời gian qua", đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh. |
MAI NGUYỄN
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.