• Click để copy

Vụ Thuận An: Kịch bản trúng thầu hơn 577 tỷ đồng tại Tuyên Quang

Tại cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 29 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) mới đây, tỉnh Tuyên Quang (cũ) được nhắc đến với kịch bản dàn dựng để Tập đoàn Thuận An trúng thầu 577 tỷ đồng, trong đó có sự tiếp tay tích cực của nhóm bị can nguyên là lãnh đạo Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang (cũ).

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, những sai phạm này không chỉ là biểu hiện của tham nhũng doanh nghiệp mà còn là điển hình cho tình trạng “lợi ích nhóm”, làm méo mó hoạt động đầu tư công, triệt tiêu môi trường cạnh tranh lành mạnh.

* Tạo lợi thế với các doanh nghiệp cạnh tranh

Trong số 29 bị can tại vụ án này, có 3 bị can thuộc Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang (cũ), gồm: Trần Viết Cương (sinh năm 1978, cựu Giám đốc Ban); Lưu Xuân Hiếu (sinh năm 1981, cựu Phó trưởng phòng Điều hành dự án nước ngoài, cựu Phó trưởng phòng Điều hành Dự án 2); Phạm Quang Giang (sinh năm 1976, cán bộ Phòng Tài chính - Kế toán) cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222 - Bộ Luật Hình sự.

Vụ Thuận An: Kịch bản trúng thầu hơn 577 tỷ đồng tại Tuyên Quang
Chủ Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an 

Theo cáo trạng, năm 2021, sau khi Chính phủ phê duyệt Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ giai đoạn 1, Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang được giao làm chủ đầu tư Gói thầu số 26 với giá trị hơn 487 tỷ đồng. Do có mối quan hệ quen biết từ trước nên Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thuận An) đã gặp gỡ và thống nhất với Trần Viết Cương (Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang) cho tham gia thi công gói thầu.

Cương đồng ý nhưng yêu cầu Hưng phải liên danh cùng Công ty Hiệp Phú và Công ty Licogi 14 để tham gia đấu thầu, thi công gói thầu nói trên. Sau đó, Cương giới thiệu lãnh đạo 2 công ty này với Hưng để thống nhất làm hồ sơ liên danh giữa 3 công ty để đấu thầu, thi công Gói thầu số 26 trên, do trước đó lãnh đạo 2 công ty này đã gặp gỡ và đề nghị Cương cho tham gia thi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Để giúp đỡ Tập đoàn Thuận An, Cương còn chỉ đạo cấp dưới sao chép toàn bộ file dự toán chi tiết cho liên danh do Hưng chủ trì, giúp nhóm này có "lợi thế tuyệt đối" so với các doanh nghiệp cạnh tranh.

Dưới sự giúp đỡ của Trần Viết Cương và sự chỉ đạo, điều hành của Nguyễn Duy Hưng, một ê-kíp gần chục người thuộc Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên danh, đối tác được huy động lập hồ sơ dự thầu. Nhóm này không chỉ xây dựng bộ hồ sơ cho liên danh Thuận An - Hiệp Phú - Licogi 14 (“quân đỏ”), mà còn lập hồ sơ “quân xanh” cho Công ty Tự Lập và Công ty 68 nhằm tạo kịch bản đấu thầu giả.

Những người này đã lập nhóm chat Zalo mang tên “Cao tốc TQ-PT” để phối hợp, phân công làm hồ sơ. Mọi khâu từ kỹ thuật, tài chính, pháp lý đến dự toán giá đều được “dàn dựng” theo kịch bản có sẵn. Các thành viên trong nhóm Zalo còn thông báo trước giá bỏ thầu để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo “quân đỏ” trúng, “quân xanh” bị loại theo đúng từng vòng chấm điểm.

Đặc biệt, khi đã nộp hồ sơ nhưng thiếu bản tài chính hoàn chỉnh, các bị can vẫn được Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang “tạo điều kiện” nộp bổ sung, thay thế hồ sơ. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định về đấu thầu.

Kết quả, ngày 6-8-2021, Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang ra quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu. Theo đó, liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Hiệp Phú - Công ty Licogi 14 đã trúng gói thầu số 26 trị giá 487 tỷ đồng. Còn Công ty Tự Lập và Liên danh Công ty 68 - Vinadelta trượt thầu theo đúng “kịch bản” nhóm dàn dựng trước đó.

Sau đó, Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Hiệp Phú - Công ty Licogi 14 do Hưng “đạo diễn” tiếp tục trúng thầu giai đoạn 2 với giá trị hơn 90,4 tỷ đồng, nâng tổng số tiền Dự án lên hơn 577 tỷ đồng.

* Muôn vẻ “xà xẻo” tiền Dự án

Trên thực tế, sau khi trúng thầu Gói thầu số 26, Tập đoàn Thuận An chỉ cung cấp vật tư và giám sát, toàn bộ khối lượng thi công được giao cho các nhà thầu phụ như Công ty Việt Tiến, Công ty Đức Trung và Công ty 459. Đổi lại, Nguyễn Duy Hưng thu “tiền cơ chế” 14% trên giá trị hợp đồng, trong đó thu 4 tỷ đồng - khoản thu ngoài hợp đồng từ 2 nhà thầu là Công ty Đức Trung và Công ty 459.

Thêm vào đó, để có chi phí “bôi trơn” cho Chủ đầu tư, Hưng còn thỏa thuận “gửi giá” với các nhà cung cấp vật tư, nâng giá trị hàng hóa, dịch vụ, thu lời hơn 5,8 tỷ đồng là chênh lệch giá vật liệu đầu vào từ các doanh nghiệp cung cấp vật liệu đá, bê tông, thuốc nổ… đưa vào hồ sơ nghiệm thu thanh toán.

Sau khi tiếp tay cho Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Hiệp Phú - Công ty Licogi 14 trúng thầu, Trần Viết Cương đã nhiều lần nhận tiền với tổng số 12,5 tỷ đồng từ Liên danh 3 nhà thầu. Trong đó, Cương nhận 8 tỷ đồng từ Tập đoàn Thuận An (do Hưng chỉ đạo Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Công ty Việt Tiến đưa Cương), nhận 2,5 tỷ đồng của Phạm Quang Hiệp (Giám đốc Công ty Hiệp Phú) và nhận 2 tỷ đồng của Lại Xuân Hùng (Tổng Giám đốc Công ty Licogi 14).

Ngoài ra, Liên danh 3 nhà thầu cũng đưa tiền cho các cán bộ chấm thầu, cán bộ tài chính, kế hoạch thông qua các hình thức “bồi dưỡng”. Cụ thể, Phạm Quang Hiệp đi cùng Nguyễn Văn Huy đến đưa cho Phạm Quang Giang (cán bộ Phòng tài chính - kế toán Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang) số tiền 150 triệu đồng. Sau đó, Nguyễn Xuân Thành (Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Hiệp Phú) đưa thêm cho Giang 10 triệu đồng. Giang báo cáo Trần Viết Cương và được chỉ đạo chia cho cán bộ trong Tổ chuyên gia chấm thầu. Giang đã đưa cho Phạm Nhật Linh (Trưởng phòng Dự án 2) số tiền 80 triệu đồng. Giang sử dụng 20 triệu đồng vào chi tiêu cá nhân; còn lại 60 triệu đồng sử dụng cho Tổ chuyên gia đấu thầu.

Cáo trạng xác định, hành vi gian dối, thông thầu và lập hồ sơ giả của Nguyễn Duy Hưng và đồng phạm đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 9,9 tỷ đồng, bao gồm 4 tỷ đồng chi ngoài hợp đồng và gần 5,9 tỷ đồng chênh lệch giá vật tư đầu vào.

Quá trình điều tra, truy tố, bị can Nguyễn Duy Hưng đã nộp tiền khắc phục được hơn 24,4 tỷ đồng; bị can Trần Viết Cương đã khắc phục 12,5 tỷ đồng; Phạm Quang Giang khắc phục được 80 triệu đồng trên tổng số thiệt hại của vụ án là hơn 120,4 tỷ đồng;...

TTXVN

Tin mới

Lạp Xưởng Yên Bái: Vị ngon khó cưỡng và bí quyết thưởng thức trọn vẹn
Lạp Xưởng Yên Bái: Vị ngon khó cưỡng và bí quyết thưởng thức trọn vẹn

Khi tiết trời Tây Bắc bắt đầu se lạnh, một mùi hương đặc trưng, quyến rũ lan tỏa từ những căn bếp ám khói, báo hiệu mùa làm lạp xưởng đã đến. Lạp xưởng Yên Bái không chỉ là một món ăn, mà nó còn là một phần hồn của ẩm thực truyền thống, được bao thế hệ bà con dân tộc Tày, Mường, Dao gìn giữ như báu vật. Được công nhận là sản phẩm OCOP, lạp xưởng Yên Bái giờ đây mang trên mình sứ mệnh lan tỏa hương vị độc đáo này, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Để thực sự cảm nhận được tinh hoa của món ăn này, cần phải biết cách thưởng thức nó một cách đúng điệu nhất.

Trung tướng Phạm Trường Sơn tri ân, tặng quà đối tượng chính sách tại tỉnh Quảng Trị
Trung tướng Phạm Trường Sơn tri ân, tặng quà đối tượng chính sách tại tỉnh Quảng Trị

Ngày 15-7, tiếp tục chương trình hoạt động chính sách của đoàn công tác Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cùng đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Sửa đổi, bổ sung vào Luật Hải quan những chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn về pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Sửa đổi, bổ sung vào Luật Hải quan những chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn về pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 192/2025/QH15 và Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính (Cục Hải quan) đã tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực hải quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Luật Hải quan (thực hiện từ 1/7/2025) những chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn về pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8%.

Vụ Thuận An: Kịch bản trúng thầu hơn 577 tỷ đồng tại Tuyên Quang
Vụ Thuận An: Kịch bản trúng thầu hơn 577 tỷ đồng tại Tuyên Quang

Tại cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 29 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) mới đây, tỉnh Tuyên Quang (cũ) được nhắc đến với kịch bản dàn dựng để Tập đoàn Thuận An trúng thầu 577 tỷ đồng, trong đó có sự tiếp tay tích cực của nhóm bị can nguyên là lãnh đạo Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang (cũ).

Công an TP Cần Thơ ra quân tấn công, trấn áp tội phạm
Công an TP Cần Thơ ra quân tấn công, trấn áp tội phạm

Sáng 15-7, Thiếu tướng Huỳnh Việt Hòa, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì Lễ ra quân thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trong các ngày lễ lớn và Đại hội Đảng bộ các cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảng bộ Bộ Ngoại giao có quyết tâm cao, khát vọng lớn, tinh thần chiến đấu và đổi mới mạnh mẽ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảng bộ Bộ Ngoại giao có quyết tâm cao, khát vọng lớn, tinh thần chiến đấu và đổi mới mạnh mẽ

Sáng 15-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.