Vượt biên trái phép để mong đổi đời
Đang ngồi trực ban ở Trạm kiểm soát Biên phòng Bắc Phong Sinh thuộc Đồn Biên phòng Quảng Đức (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh), đồng chí Phùn Văn Long nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Nhấc máy lên nghe, giọng một phụ nữ ở đầu dây bên kia nói to: “Cảm ơn cán bộ và bà con dân bản nơi đây. Nhờ có sự giúp đỡ của mọi người, em đã gặp được gia đình, ổn định cuộc sống”.
Đó là lời tâm sự của chị Lò Thị Tình, quê ở Tủa Chùa (Điện Biên). Theo lời chị kể lại với cán bộ, năm 15 tuổi, nhà nghèo, quanh năm tra ngô “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn nghèo đói, quẩn quanh. Hằng ngày, chứng kiến cảnh bố say rượu đánh đập vợ và các con khiến Tình không cam chịu. Thế rồi chị nghe đám bạn đi nương kể, chỉ cần vượt biên qua quả đồi và con dốc cao kia là sang được đến đất Trung Quốc, họ giàu lắm, sang đấy để thoát nghèo, không khổ như ở mình.
Bộ đội Biên phòng tuần tra kiểm soát khu vực vành đai biên giới. Ảnh: Đại đoàn kết |
Hôm đó, đợi lúc bố say mèm, mẹ đi nương, Tình đem theo ít lương khô, gùi nước và vài bộ quần áo đi theo hướng đám bạn chỉ. Thế nhưng càng đi càng thấm mệt, lạc vào cuối con suối thấy có một người đàn ông và một phụ nữ cũng đang men theo đường mòn để đi. Hai người lạ rủ Tình cùng theo, hứa sẽ dẫn sang Trung Quốc để tìm việc cho. Tình mừng lắm, trong bụng chắc mẩm đã gặp được người tốt.
Ngày đầu sang bên đó, Tình được cho ăn và nghỉ ngơi. Hôm sau, có một nhóm đàn ông đến đưa Tình lên xe tải và chở đi. Trong thùng xe có một số cô gái ở độ tuổi như Tình, nhưng cô vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi xe dừng lại, Tình được dẫn vào căn nhà ẩm mốc, rồi bà chủ đưa cho mấy bộ quần áo, nói tiếng Việt là “tiếp khách”. Những chuỗi ngày sau đó, cô biết mình bị bán vào ổ chứa. Ở đó có những thanh niên xăm trổ đứng ngoài bảo vệ khiến cô biết mình không có cơ hội để trốn thoát. Hôm nào cũng vậy, sáng sớm tỉnh dậy, Tình xót xa khi nhìn trên thân thể tuổi mới lớn của mình đầy vết bầm tím của khách qua đường để lại. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, cô chỉ biết khóc thầm. Có một gã đàn ông hay lui tới đây, nghe đâu là khách quen, "khách sộp" của quán nên được bà chủ đon đả chăm sóc lắm. Một lần hắn nói muốn chuộc Tình khỏi đây để về đẻ thuê cho hắn.
Ngỡ là cuộc sống từ nay được bước sang trang mới, nhưng khi theo hắn về nhà, Tình mới biết cô phải sống chung cùng 3 người đàn ông trong gia đình này là bố, anh trai và lão “chồng hờ”. Hằng ngày, ngoài việc làm đồng, tối về lại sống kiếp “vợ chung” khổ cực. Ngày cô mang thai, sinh con mà không biết chính xác cha đứa trẻ là ai trong gia đình này. Nhân lúc làm lễ con đầy tháng, cả nhà uống say, Tình men theo đường biên và ôm con bỏ trốn.
Đêm đó, Đội trưởng Đội Trinh sát Lục Văn Mạnh (Đồn Biên phòng Quảng Đức) trong phiên đi tuần tra canh gác đêm. Anh vốn là người địa phương này và cũng là người dân tộc duy nhất của huyện trúng tuyển Học viện Biên phòng, ra trường xin về quê hương công tác. Thấy có tiếng trẻ con khóc trong bụi rậm và tiếng chân người chạy, anh gọi lớn, rọi đèn pin và yêu cầu dừng lại. Tình sợ quá, ngỡ là tên “chồng hờ” đã bắt được mình nên vội quỳ xuống xin tha. Thấy vậy, anh Mạnh liền trấn an tinh thần và đưa mẹ con Lò Thị Tình về Đồn để giải quyết. Cháu bé theo mẹ nhiều ngày, không đủ sữa, lại sốt cao, cơ thể tím tái. Các anh bộ đội đã xuống dưới bản, tìm gia đình đang nuôi con nhỏ để cho bú nhờ và cháu được bác sĩ quân y của Đồn khám, cho uống thuốc. Sau khi sức khỏe hai mẹ con ổn định, Tình được lấy lời khai, hoàn thiện hồ sơ. Đồn Biên phòng đã liên hệ với Công an tỉnh Điện Biên để bàn giao về nơi cư trú.
Ngày đơn vị cử người đưa hai mẹ con xuống quốc lộ bắt xe, cho tiền về quê, Tình chỉ biết rưng rưng cảm ơn và hứa sẽ về quê sinh sống, làm ăn ổn định. Sau hơn một năm kể từ ngày được các anh Bộ đội Biên phòng giúp đỡ, được trở về quê hương, đến nay mẹ con Tình đã dành dụm được ít vốn, xuống phố chợ mở cửa hàng tạp hóa để kiếm kế sinh nhai. Vui nhất là gia đình được đoàn tụ và Tình còn khoe với đồng chí Phùn Văn Long đã xin với trưởng bản vào đội xung kích của thanh niên để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để thế hệ trẻ không còn bị lầm đường, lạc lối giống như một thời bồng bột của mình nữa.
HUYỀN THANH
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.