• Click để copy

Xung đột Israel-Hamas: Cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo kéo theo nhiều hệ lụy

Trong bối cảnh diễn biến của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục căng thẳng, với nhiều hệ lụy nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp để ngăn chặn bạo lực leo thang, nhưng triển vọng không mấy khả quan...

Ngày 9-10, các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt kéo dài sang ngày thứ 3 tại một số khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Israel, trong khi tại dải Gaza, quân đội Israel mở thêm nhiều đợt không kích mới, phá hủy thêm hàng trăm mục tiêu trên dải Gaza. Theo các con số thống kê, giao tranh đã khiến 493 người Palestine thiệt mạng, 2.751 người bị thương, trong khi phía Israel ghi nhận hơn 700 người thiệt mạng và 1.200 người bị thương, nhiều người đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo hãng tin Reuters, cùng ngày 9-10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố phong tỏa hoàn toàn dải Gaza, cắt hết điện, nước, thực phẩm... ở khu vực là nơi sinh sống của nhiều dân thường Palestine. Hành động cứng rắn của Israel gây nhiều quan ngại trong bối cảnh nhiều lời kêu gọi đàm phán và tránh thảm họa nhân đạo được đưa ra. Trên thực tế, Gaza đã bị phong tỏa trên không, đất liền và trên biển kể từ năm 2007. Hơn 2 triệu cư dân trong khu vực này tiếp tục đối diện cảnh thiếu điện và nước, cũng như thuốc và dịch vụ y tế.

Xung đột Israel-Hamas: Cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo kéo theo nhiều hệ lụy
Dân thường ở dải Gaza trở thành nạn nhân của cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Hamas. Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, cuộc họp khẩn ngày 9-10 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã không thể tìm được sự thống nhất để ra tuyên bố chung về cuộc xung đột đang bùng phát giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine. Trong đó, các nước thành viên như Mỹ, Nga và Trung Quốc đã cho thấy những quan điểm bất đồng. Tuyên bố chung cần sự đồng thuận của 15 thành viên HĐBA, trong khi Mỹ bày tỏ quan điểm ủng hộ Israel, Nga và một số nước thành viên cho rằng tuyên bố chung cần bao quát hơn, thay vì chỉ tập trung vào chỉ trích Hamas.

Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Aboul Gheit đã tới Moscow và hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 9-10 nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Hai bên kêu gọi nhanh chóng chấm dứt giao tranh giữa các lực lượng an ninh Israel và lực lượng Hamas. Ông Gheit nhấn mạnh bạo lực sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào vấn đề Palestine chưa được giải quyết. Cùng ngày, Điện Kremlin đã cảnh báo tình hình có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông.

Sau 3 ngày xung đột leo thang dữ dội ở cả dải Gaza và Israel, những hệ lụy nghiêm trọng đầu tiên đã được ghi nhận. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết hơn 123.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở dải Gaza kể từ khi xung đột leo thang cuối tuần qua. Hơn 73.000 người đang tạm trú tại các trường học được bố trí trở thành nơi trú khẩn cấp cho người dân.

 Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tác động của cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đối với những người dân thường, trong đó có trẻ em, đang phải vật lộn để có được nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu. Tuyên bố đánh giá mặc dù hầu hết cửa hàng ở những khu vực chịu ảnh hưởng tại Palestine hiện duy trì lượng thực phẩm dự trữ trong một tháng, song có nguy cơ sẽ “cạn kiệt nhanh chóng khi mọi người mua hết thực phẩm vì lo ngại xung đột kéo dài”.

Giới chuyên gia nhận định xung đột bùng phát giữa Israel và Hamas có thể khiến các ngân hàng trung ương đối mặt với những xu hướng lạm phát mới, cũng như “giáng đòn mạnh” vào triển vọng kinh tế ở thời điểm có nhiều hy vọng về khả năng kiềm chế đà tăng giá vốn do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra. Bởi khu vực này không chỉ có các nhà sản xuất dầu mỏ lớn như Iran và Saudi Arabia mà còn có các tuyến hàng hải thương mại lớn thông qua Vịnh Suez. Tuy nhiên, tác động đến nền kinh tế thế giới còn tùy thuộc vào diễn biến xung đột. 

Trước diễn biến phức tạp của cuộc xung đột, nhiều nước đã triển khai sơ tán công dân khỏi Israel nhằm bảo đảm an toàn. Ngày 9-10, Hungary thông báo đã tổ chức hai chuyến bay sơ tán 215 công dân từ Israel và tất cả những người này đã hạ cánh an toàn tại Budapest. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẽ điều máy bay quân sự sơ tán công dân khỏi Israel. Tư lệnh Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) Phanphakdee Phatthanakul đã ra lệnh đặt 5 máy bay vận tải quân sự C-130 và 1 máy bay chở khách Airbus 340 ở chế độ chờ để sơ tán công nhân Thái Lan sau khi Israel mở không phận.

Trong khi đó, nhiều nước như Mỹ, Anh, Canada, Pháp và Đức đã tăng cường những biện pháp an ninh xung quanh các địa điểm có liên quan người Do Thái trong bối cảnh các phong trào biểu tình ủng hộ người Palestine được tổ chức tại nhiều thành phố trên thế giới. Một số thành phố ở Mỹ như New York, Los Angeles, Miami và Houston đã tăng cường bảo đảm an ninh xung quanh các giáo đường Do Thái sau khi hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại khu Manhattan ở thành phố New York trong ngày 8-10 để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine. Các địa điểm tôn giáo như đền thờ Hồi giáo, giáo đường Do Thái cũng được cảnh sát thủ đô Ottawa (Canada) siết chặt an ninh. Tại Anh, cảnh sát thủ đô London đã tăng cường hoạt động tuần tra sau do lo ngại các sự cố an ninh liên quan tới cuộc xung đột hiện nay ở Israel. Chính phủ Pháp cũng tập trung chú ý tới các giáo đường và các trường học Do Thái ở nhiều thành phố trên cả nước. Thủ đô Berlin (Đức) cũng tăng cường bảo vệ cho người Do Thái tại nước này và các cơ quan liên quan Israel.  

Trong bối cảnh xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel leo thang, các hoạt động tuần hành bày tỏ đoàn kết với người Palestine được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới như ở Iran, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, Iraq và Nam Phi.

XUÂN PHONG

Bài liên quan

Tin mới

Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời
Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời

Ngày 19-9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã ký công điện về việc di dời người dân đến nơi an toàn để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4

Trước diễn biến của bão số 4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống và ứng phó.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, ngày 18-9, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV bằng hình thức phát biểu ghi hình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Từ ngày 21-27/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và sau đó sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cuba.

Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp
Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ

Ngày 18-9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ cung ứng bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bị bão lũ.