30 năm trao yêu thương từ giọt máu hồng
Sau 30 năm phát động phong trào hiến máu tình nguyện (24-1-1994 / 24-1-2024), từ nguồn máu hiến ít ỏi, đến năm 2023, toàn quốc tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% lượng máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương tỷ lệ 1,5% dân số. 30 năm qua, hơn 21,3 triệu đơn vị máu đã được hiến tặng.
Hành trình vượt khó
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan từng chia sẻ: “Tôi đặc biệt ấn tượng, ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều địa phương bị phong tỏa nhưng vẫn có hàng chục nghìn người vượt mọi khó khăn để tham gia hiến máu. Nhiều trường hợp hiến máu cấp cứu khẩn cấp ngay trong đêm; hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Điều này càng khẳng định ý nghĩa nhân văn cao đẹp của phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần tô thắm truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”... đáng tự hào của dân tộc”.
PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nhớ lại: “Giai đoạn trước năm 1994, ngành y tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chuyên khoa Huyết học-Truyền máu. Nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị khi đó thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc điều trị cho người bệnh. Ở giai đoạn đó, lượng máu toàn quốc tiếp nhận được phần lớn dựa vào số người bán máu chuyên nghiệp. Nhận thức của người dân về cho máu, an toàn truyền máu còn thấp, thậm chí còn kỳ thị với người đi cho máu. Đây là rào cản lớn cho công tác vận động hiến máu. Mặc dù giai đoạn này đã có những hoạt động vận động hiến máu, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và gặp muôn vàn khó khăn”.
Đứng trước tình hình đó, nhận thấy cần phải củng cố cơ sở truyền máu cũng như chăm sóc người bệnh, mục tiêu “phải có máu, máu an toàn, chất lượng cao cho điều trị bệnh” được đặt lên trên hết. Ngày 24-1-1994, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự ủng hộ, hỗ trợ của Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Huyết học và Truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) đã tổ chức lễ phát động ngày hiến máu nhân đạo tại Thủ đô Hà Nội. Chương trình nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành; sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội... Đây được coi là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của phong trào hiến máu nhân đạo (nay là hiến máu tình nguyện) tại Việt Nam.
Phong trào hiến máu tình nguyện thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia. |
Trân trọng những giọt máu cứu người
PGS, TS Nguyễn Hà Thanh khẳng định: “Trải qua 30 năm, từ chỗ đa phần là người bán máu, từ số đơn vị máu tiếp nhận rất khiêm tốn, từ 139.000 đơn vị máu tiếp nhận được năm 1994, lượng máu đã tăng lên hơn 500.000 đơn vị vào năm 2008. Đến năm 2023, toàn quốc tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% lượng máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương tỷ lệ 1,5% dân số. Trên 21,3 triệu đơn vị máu đã được hiến tặng trong 30 năm qua. Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng mà công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh được kịp thời, giúp ngành y tế có thể triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc...”.
30 năm qua thực sự là cuộc cách mạng thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện trở thành phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nếu trước đây, lực lượng hiến máu tình nguyện chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội. Nếu trước đây người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay kỳ thị, thì nay người hiến máu được mọi người tôn vinh, ủng hộ và là niềm tự hào của gia đình hay cơ quan công tác. 30 năm qua, có rất nhiều người hiến máu 20, 50, 100 lần hoặc nhiều hơn. Trong đó nhiều gia đình các thành viên đều tham gia hiến máu. Ví như anh Huỳnh Hải Bình (Hoàng Mai, Hà Nội) là người đã hiến máu 99 lần. Chị gái anh là Huỳnh Thị Mỹ An cũng đã hơn 90 lần hiến máu và tiểu cầu. Chồng và các con chị cũng rất tích cực tham gia hiến máu. Gia đình chị Mỹ An được biết đến là gia đình hiến máu tiêu biểu. Chị Mỹ An tâm sự: "Cơ duyên hiến máu đến với cả gia đình tôi vào năm 2009. Khi đó, tôi có người thân nằm viện cần được truyền máu. Người thân của mình cần máu thì chắc chắn có rất nhiều người bệnh cũng đang cần”. Đó là suy nghĩ thôi thúc chị Mỹ An đi hiến máu lần đầu tiên. Đến nay, hành động này được chị duy trì đều đặn trong suốt 14 năm.
Trên cả nước đã xây dựng và phát triển hệ thống Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương, thành lập được 5 trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu. Cũng nhờ vậy, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến Trung ương. Hành trình 30 năm qua, từ lời kêu gọi “hiến máu nhân đạo”, phong trào hiến máu tình nguyện giờ đây trở thành một hoạt động thường xuyên, lan tỏa sâu rộng. Đó cũng là hành trình trao yêu thương, sẻ chia và gắn kết giữa hàng triệu trái tim người dân Việt Nam để giữ dòng máu luôn chảy; mang lại sự sống và hạnh phúc cho biết bao gia đình người bệnh.
DIỆP CHÂU
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.