• Click để copy

6 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phải bảo đảm 5 nguyên tắc xác định tên gọi khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Thứ nhất, việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Thứ hai, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Thứ ba, tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Cuối cùng là nghiên cứu đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh
Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh minh hoạ:Chinhphu.vn 


Nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị

Các nguyên tắc đặt ra là lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của một trong số các đơn vị hành chính hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,...), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.

Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh. Sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.

Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương.

Tiêu chí sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ở Việt Nam, cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính hành chính cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, Đề án đề xuất 6 tiêu chí.

Về diện tích tự nhiên, thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên không đạt 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Cụ thể, tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng cao: diện tích tự nhiên dưới 8.000 km2. Tỉnh thuộc khu vực đồng bằng: diện tích tự nhiên dưới 5.000 km2.

Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù (đơn vị hành chính nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn diện tích tự nhiên bằng 70% mức quy định đối với đơn vị hành chính nông thôn tương ứng): diện tích tự nhiên dưới 3.500 km2.

Thành phố trực thuộc trung ương: diện tích tự nhiên dưới 1.500 km2

Về quy mô dân số, thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính có quy mô dân số không đạt 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15).

Cụ thể, tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng cao: quy mô dân số dưới 900 nghìn người. Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù (tỉnh miền núi, vùng cao có 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định): quy mô dân số dưới 450.000 người.

Tỉnh thuộc khu vực đồng bằng: quy mô dân số dưới 1,4 triệu người. Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù (tỉnh đồng bằng có biên giới quốc gia trên đất liền và có 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định): quy mô dân số dưới 700 nghìn người.

Thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số dưới 1 triệu người. Tiêu chuẩn khi được áp dụng đặc thù khi có đồng thời 2 yếu tố: Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định: Dưới 500 nghìn người.

Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.

Tiêu chí về địa kinh tế: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Tiêu chí về địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.

Tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.

Trường hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã phù hợp với định hướng của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các tiêu chí của đơn vị hành chính cấp tỉnh nêu trên thì không xem xét điều kiện và không đánh giá tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã xác định số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập. 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất, thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.

TTXVN

Tin mới

Quảng Bình: Đấu tranh thành công chuyên án, thu giữ 12kg cần sa khô
Quảng Bình: Đấu tranh thành công chuyên án, thu giữ 12kg cần sa khô

Ngày 16-4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình thông tin, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng liên quan đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cơ sở y tế cấp quận, huyện, phường, xã sắp xếp như thế nào sau sáp nhập?
Cơ sở y tế cấp quận, huyện, phường, xã sắp xếp như thế nào sau sáp nhập?

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn định hướng​, sắp xếp, tổ chức lại cơ sở y tế tại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4

Chiều 16-4, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ khai mạc.

Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt 100 điển hình tiêu biểu Chương trình Việc tử tế
Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt 100 điển hình tiêu biểu Chương trình Việc tử tế

Chiều 16-4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã gặp mặt thân mật 100 đại biểu đại diện cho các điển hình tiêu biểu trong Chương trình Việc tử tế của Đài Truyền hình Việt Nam.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng: Xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền các cấp gần dân, sát dân, quản trị hiện đại
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng: Xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền các cấp gần dân, sát dân, quản trị hiện đại

Sáng 16-4, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18-1-2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”.

Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn họp triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn họp triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025

Thực hiện Kế hoạch số 45/KH-BCĐ ngày 26/3/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025; Kế hoạch số 41/KH-SCT ngày 31/3/2025 của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 thuộc lĩnh vực ngành Công thương quản lý. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch số 160/KH-QLTT ngày 8/4/2025 về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025.