Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh: Nhiều quy định pháp luật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập,
Thực hiện chương trình công tác năm 2023, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, cùng với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh để đánh giá thực trạng tình hình, kết quả, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác quản lý hoạt động chuyển khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất TNTX), gửi kho ngoại quan trên địa bàn; việc thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn trong quá trình lưu thông hàng hóa, vận chuyển giữa các tỉnh.
Đoàn công tác khảo sát tình hình tại tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Cầu Bắc Luân 2), tỉnh Quảng Ninh
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, năm 2022 và Quý I năm 2023: các lực lượng chức năng và địa phương thuộc TP. Hải Phòng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý: 6.828 vụ. Trong đó: Khởi tố hình sự: 68 vụ/34 đối tượng. Số vụ xử lý hành chính: 6.760 vụ. Số tiền nộp ngân sách nhà nước: 700.603 triệu đồng, trong đó: Phạt VPHC: 139.186 triệu đồng Bán hàng tịch thu: 64.951 triệu đồng. Tiền phạt bổ sung, truy thu thuế: 496.448 triệu đồng. Xử phạt vi phạm hành chính quy định về tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh; chuyển khẩu hàng hóa: 05 vụ; với số tiền phạt là 69 triệu đồng; các lực lượng chức năng và địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý: 4.571 vụ. Trong đó: Khởi tố hình sự: 48 vụ/64 đối tượng. Số vụ xử lý hành chính: 4.523 vụ. Số tiền nộp ngân sách nhà nước: 589.638 triệu đồng, trong đó: Phạt VPHC: 197.583 triệu đồng. Bán hàng tịch thu: 3.055 triệu đồng. Tiền phạt bổ sung, truy thu thuế: 389.000 triệu đồng.
Làm việc với Đoàn công tác, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc của các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ như:
Công tác nắm bắt và dự báo tình hình có lúc chưa được nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là tình hình ngoại biên, hoạt động trên biển; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng mặc dù đã có sự chuyển biến mạnh mẽ nhưng chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo địa phương; Việc phối hợp triển khai công tác nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm theo đường dây, ổ nhóm, có tổ chức chưa được chú trọng, cảnh báo, xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh…
Nhiều quy định của pháp luật còn bất cập, chưa đáp ứng được với diễn biến tình hình thực tế, nên các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm gian lận thương mại, trốn thuế, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý; một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế chính sách và thủ tục hải quan để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ, kinh phí phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn thiếu; Công tác tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân còn hạn chế, chưa thường xuyên; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, chưa lồng ghép với các chương trình khác để tuyên truyền cho nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển.
Do chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ để phục vụ công tác thống kê, quản lý, tra cứu và xử lý vi phạm hành chính nên việc xử lý vi phạm hành chính chưa được theo dõi, quản lý và lưu trữ thống nhất nên mỗi ngành, mỗi lực lượng chức năng phải quản lý, theo dõi riêng dẫn đến việc tra cứu phục vụ cho việc xử lý vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn; Tại điểm b, khoản 65, Điều 1 của Luật số 67/2020/QH14, ngày 13/11/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 126 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng… Quy định như vậy chưa phù hợp với một số tang vật vi phạm có tính đặc thù dễ hư hỏng, ảnh hưởng đến giá trị sử dụng, thời hạn quá lâu (một năm) sẽ không còn giá trị sử dụng nên phải tiêu huỷ, không thể bán phát mại thu ngân sách nhà nước, gây lãng phí tài sản tịch thu; Việc xác định trị giá tang vật theo Điều 60, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, khó xác định giá trị tang vật vi phạm không có giá niêm yết, giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương hoặc không có thông tin liên quan đến việc xác định trị giá của tang vật, như hàng xít, xỉ than, kits test…
Hoạt động TNTX, gửi KNQ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Thông tư số 09/2020/TT-BCT ngày 14/5/2020 của Bộ Công thương, kể từ ngày 01/01/2021 hàng hóa kinh doanh TNTX, chuyển khẩu, gửi KNQ chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định; các lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; chính sách biên mậu Trung Quốc không ổn định, có nhiều thay đổi...
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đề xuất: Cần tăng cường công tác phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng, xác định rõ địa bàn, tuyến đường, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để từ đó xây dựng kế hoạch, phương án kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình giữa các ngành, lực lượng chức năng nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở biên giới, cửa khẩu và trong nội địa. Tăng cường tuần tra, kiểm soát tàu thuyền hoạt động tại khu vực giáp ranh đường phân định Việt Nam - Trung Quốc khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng để chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vận chuyển, sang mạn trái phép hàng hóa, mua bán, vận chuyển hàng cấm, xăng dầu, than.. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 địa phương quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong qúa trình thực thi công vụ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân và xã hội. Kịp thời động viên khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong thực thi công vụ. Tăng cường hỗ trợ kinh phí từ các nguồn, trang cấp các phương tiện kỹ thuật, thiết bị hiện đại để đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới.
Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, để thực hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, các ngành, lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nắm tình hình nhận diện, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề nổi cộm, phức tạp, triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề đã xây dựng nhằm phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp để răn đe, phòng ngừa... Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; rà soát các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời từng bước hoàn thiện thế chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết kế hoạch chuyên đề của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành.Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; chia sẻ thông tin, dữ liệu để phục vụ mục tiêu chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp thực hiên công tác tuyên truyền theo phương châm tăng cường về tuần suất, đa dạng về hình thức, đảm bảo nội dung và chất lượng tuyên truyền...
Đối với những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, đề nghị Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, xử lý kịp thời;
Những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị về văn bản, quy phạm pháp luật, quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, các điều kiện đảm bảo khác vượt thẩm quyền của địa phương, đề nghị Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh rà soát theo Văn bản số 09/BCĐ389-VPTT ngày 11/9/2022, số 06/BCĐ389-VPTT ngày 10/3/2021, số 17/BCĐ389-VPTT ngày 08/10/2021 của BCĐ 389 quốc gia (kèm theo bảng kê) và các văn bản pháp luật theo quy định hiện hành để thực hiện.
Những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị mới vượt thẩm quyền, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tổng hợp chi tiết gửi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng hợp, trình Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xử lý.
Nguyễn Đắc Hiếu
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.