Bảo đảm an ninh nguồn nước: Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Nguồn nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và sinh kế của người dân, bảo vệ nguồn nước chính là bảo vệ sự sống.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế và gặp nhiều thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp.
Quản trị nguồn nước còn hạn chế
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm, với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động hơn 70 tỷ m3. Nguồn nước ngầm có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam khoảng 1.940-1.960mm (tương đương 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thay đổi chế độ dòng chảy; sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ; thoái hóa rừng làm giảm khả năng giữ nước, điều hòa nguồn nước. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế-xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng nhanh, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước.
Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam xử lý sự cố tràn dầu tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) năm 2021. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Theo TS Lê Hùng Nam, Vụ trưởng Vụ Nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công tác quản trị nguồn nước của Việt Nam còn yếu, chưa hiệu quả, ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều công trình thủy lợi đã và đang xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng. Hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước hiệu quả chưa cao. Thể chế, chính sách ngành nước còn chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chưa chú trọng đến quản trị nguồn nước, kinh tế nguồn nước. Nguồn lực đầu tư cho bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế; chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm.
TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã bố trí gần 10.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cho hơn 800 hồ chứa. Tuy nhiên, vẫn còn 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần xử lý cấp bách. Thời gian tới, nếu không có giải pháp đột phá, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước và mất an toàn đập, hồ chứa nước, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Quy về một đầu mối quản lý
GS, TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng: Tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên nước của ta hiện nay chưa hợp lý, còn phân tán, chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả, nhất là giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường; đặc biệt là việc phân chia chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, phân phối tài nguyên nước và chức năng quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước, quản lý hệ thống công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Trong Kết luận số 36-KL/TW ngày 23-6-2022 của Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ: Rà soát, sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước theo hướng thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương; có đầu mối tổ chức triển khai bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nghiên cứu thống nhất đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thủy lợi vùng, quốc gia.
GS, TS Đào Xuân Học đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét và quyết định đưa công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai về một đầu mối. Đầu mối này đặt ở bộ đa ngành nào sẽ do Chính phủ quyết định. Nếu thống nhất về một đầu mối sẽ không tạo ra sự chồng chéo và khoảng trống, Nhà nước có thể giảm số cán bộ làm công tác quy hoạch (khoảng 300-400 người) ở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; giảm kinh phí đầu tư cho hai quy hoạch song song là Quy hoạch tài nguyên nước và Quy hoạch thủy lợi.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành nước
TS Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhận định, hiện nay ngành nước (cấp thoát nước) thiếu hành lang pháp lý ở cấp luật chuyên ngành. Các vấn đề về khai thác nguồn nước, xả thải nước vào các nguồn nước đều được điều tiết chung từ 3 luật: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi và Luật Bảo vệ môi trường mà không có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Hay như việc đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước được điều tiết từ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Doanh nghiệp... Trong khi đó, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6-8-2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải đã ban hành quá lâu với căn cứ các luật đã hết hiệu lực và không còn phù hợp với yêu cầu, thực tế phát triển của ngành nước (như các vấn đề: Xã hội hóa, cổ phần hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, an ninh, an toàn nguồn nước, cấp nước an toàn...). TS Trần Anh Tuấn kiến nghị Nhà nước xây dựng và sớm ban hành Luật Cấp thoát nước. Trong thời gian xây dựng mới Luật Cấp thoát nước thì cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản dưới luật đang hiện hành như Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Các chuyên gia đề xuất Nhà nước xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm liên kết, kết nối nguồn nước liên tỉnh, liên vùng; kết hợp lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án đầu tư công để đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, bảo đảm năng lực cấp nước, tiêu thoát nước, kết hợp phục hồi nguồn nước suy thoái, ô nhiễm. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước. Chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động việc xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ở các quốc gia có chung dòng sông với nước ta. Xây dựng kịch bản giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước. Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn nước trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, bảo đảm sự kết nối, chia sẻ hiệu quả giữa các cấp bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng thoát lũ theo thiết kế, trong đó ưu tiên các công trình có nguy cơ rủi ro cao, lưu vực tập trung dòng chảy nhanh; xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước.
LA DUY
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.