• Click để copy

Bao giờ nông dân làm giàu từ nghề trồng lúa?

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 3,62 triệu tấn, tăng khá cao so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Với thế mạnh vốn có, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tự hào là vựa lúa lớn nhất của cả nước khi đóng góp hơn 90% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, thế nhưng một nghịch lý vẫn tồn tại là khi những “hạt ngọc” Việt đang tỏa ra hào quang thì người “mài ngọc” chưa thể làm giàu, thậm chí thu nhập được coi là thấp so với nhiều lĩnh vực khác.

Gồng lưng “cõng phí”

Trong vụ lúa hè thu 2023, gia đình ông Lê Văn Xuân ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang trồng 0,8ha lúa OM5451, năng suất 6 tấn/ha, bán với giá 6.200 đồng/kg. Thu hoạch lúa xong, ông Xuân lặng người nhìn về phía khu ruộng với vẻ mặt buồn rười rượi. Mở cuốn sổ, từng trang nhật ký sản xuất ghi chi tiết: “Tiền mua lúa giống 2 triệu đồng; cày xới 880 nghìn đồng; bơm tát 120 nghìn đồng; phân và thuốc bảo vệ thực vật 9,6 triệu đồng; gieo sạ 120 nghìn đồng; dặm lúa 600 nghìn đồng; nhổ cỏ 104 nghìn đồng; thu hoạch lúa 1,4 triệu đồng...”. Tổng tiền bán lúa hơn 37 triệu đồng, với khoản chi phí ban đầu, sau khi trừ ra, gia đình ông chỉ còn lãi 20 triệu đồng.

“Vụ này, năng suất lúa của gia đình tôi cao hơn những nông dân khác và chi phí được gia đình tiết kiệm tối đa nên mới có lợi nhuận như vậy. Do đặc điểm vụ hè thu thời tiết không thuận lợi nên phải bón phân, thuốc nhiều ở giai đoạn sạ lúa đến làm đòng. Từ khi làm đòng đến khi thu hoạch, phần lớn trà lúa bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa dầm kéo dài, gió mạnh làm cây dễ đổ ngã và sâu bệnh nên thông thường vụ hè thu chẳng lãi được bao nhiêu”, ông Xuân tâm sự.

Quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thế nhưng lợi nhuận của người trồng lúa chỉ được khoảng 30%. Nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho biết, hạt gạo đang bị chia quá nhiều phần nên lợi nhuận của người nông dân ngày một teo tóp, như: Nhà băng (nông dân phải vay vốn, đóng lãi); nhà vật tư (nông dân mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu đầu vụ, cuối vụ trả lãi cao); nhà mình (nông dân chịu gánh nặng chi tiêu trong cuộc sống); nhà xuất khẩu gạo.

Ở góc độ địa phương, theo ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nông dân trồng lúa nghèo vì diện tích canh tác trên một hộ quá thấp. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trồng lúa dưới 5.000m2 là lỗ, nhưng một nông dân An Giang sở hữu trung bình 3.800m2. “Trung bình, nông dân sản xuất hai vụ lúa/công/năm thì lãi khoảng 3 triệu đồng, nếu làm 1ha thì lãi 30 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ có 5 người, nếu chia đều thì mỗi người chỉ có 6 triệu đồng/năm, tức là 500 nghìn đồng/tháng. Đó là thu nhập của những nông dân có đất sản xuất. Những người phải thuê mướn đất sản xuất còn khổ hơn. Nếu gặp phải mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, không trúng giá thì coi như lỗ nặng”, ông Trần Anh Thư cho biết.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, trung bình một hộ nông thôn hiện nay có 5-10 công ruộng, nhưng lại phải nuôi sống cả gia đình 4-5 người. Diện tích trồng lúa thấp buộc nông dân phải tăng năng suất lúa. Song, tâm lý chạy theo số lượng khiến nhà nông rơi vào cảnh càng làm càng khó. Lý giải điều này, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia nông nghiệp ĐBSCL cho biết: “Để tăng sản lượng, nông dân phải sạ lúa với mật độ dày. Ngoài chi phí giống, sạ dày khiến lúa phát triển kém, dễ bị sâu bệnh tấn công. Để lúa tốt thì nông dân phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá lúa bấp bênh trong khi chi phí ban đầu cao nên lợi nhuận giảm là điều dễ hiểu”.

 Nông dân huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa.

 Nông dân huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa.

Cần những nhà nông thông thái

Để giúp người trồng lúa tăng thu nhập trên chính cánh đồng, thửa ruộng của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL”. Đề án được cho là luồng gió mới giúp nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu. Còn tại Đồng Tháp, tỉnh triển khai thí điểm mô hình, hệ thống quản lý nước ngập khô xen kẽ đang được áp dụng công nghệ điện toán đám mây, nông dân ở bất cứ đâu cũng có thể bơm nước hoặc rút nước ra khỏi ruộng bằng điện thoại. Đặc biệt nhất là máy sạ lúa và bón phân cùng lúc kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật thông minh bằng máy bay không người lái trong cả vụ lúa... Kết quả thu được là nông dân giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, thu nhập của bà con tăng lên ít nhất 20%. Tương tự tại An Giang, ngoài khuyến khích nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng"; "1 phải, 5 giảm", địa phương còn tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung... giúp tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người trồng.

Dù có sự vào cuộc từ các bộ, ngành và địa phương nhưng thực tế, nhân tố quyết định vẫn là ở người trồng lúa. Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng: “Thời gian qua, các địa phương đã hướng nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, canh tác hai vụ/năm; áp dụng cơ giới hóa; xen canh lúa với hoa màu, thủy sản... Tuy nhiên, một số bà con vẫn "xé rào" làm lúa vụ 3, sử dụng lúa cấp thấp; ngại đổi mới... Điều này dẫn đến chất lượng lúa không đạt, giá cả thấp chứ chưa nói là thua lỗ. Vì thế, muốn làm giàu, người nông dân phải đổi mới, phải là nhà nông thông thái, trở thành “doanh nhân nông nghiệp” với tư duy kinh doanh trên thương trường, có kiến thức quản trị, đưa cách nghĩ, cách làm, cách quản lý và cách kinh doanh của một doanh nhân vào đồng ruộng".

Thực tế chứng minh, với những nông dân có diện tích đất ít thì có thể cho thuê, sau đó tham gia làm dịch vụ tại hợp tác xã (HTX) sẽ giúp giảm chi phí, tăng giá trị hạt lúa, từ đó có lợi nhuận nhiều hơn. Điển hình là tại HTX Nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), nhờ thay đổi tư duy sản xuất nên đến nay, 95% đồng bào dân tộc Khmer trong HTX đã thoát nghèo; hơn 50% là hộ khá, hộ giàu; các thành viên được chia lãi hằng năm từ 65% trở lên theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp...

Ông Lê Minh Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hưng chia sẻ: "Tham gia HTX, bà con giảm được chi phí ở các khâu như: Bơm tát giảm hơn 400 nghìn đồng/ha so với bên ngoài; cày xới đất thấp hơn 300 nghìn đồng/ha; khâu xuống giống bằng máy và đến khi thu hoạch cùng lúc cũng bằng máy, giúp bà con giảm chi phí hơn 500 nghìn đồng/ha so với mạnh ai nấy làm... Chính sự tổ chức sản xuất lại một cách bài bản, mỗi công đoạn được thực hiện đồng loạt không quá hai ngày giúp chi phí đầu tư giảm; tránh thất thoát sau thu hoạch nên năng suất và chất lượng lúa tăng lên; nhờ đó, lợi nhuận của các thành viên cao hơn 2,5-3 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác kiểu tự do".

Tương tự, để nâng cao lợi nhuận từ trồng lúa, nông dân Phạm Văn Nhựt ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã áp dụng quy trình sản xuất 3ha đất lúa theo chuỗi giá trị khép kín. Khi thu hoạch lúa, phần rơm đem về nuôi bò, phân bò bón cho cỏ và lúa; một phần gạo được nấu rượu, lấy hèm cho bò ăn; trấu cung ứng cho cơ sở nuôi gà, đổi lại phần phân gà đem về ủ làm phân hữu cơ; phần cám thu được khi xay lúa sẽ bán để làm mỹ phẩm... Đến nay, ông Nhựt đã liên kết với các nông dân khác trong vùng để sản xuất theo hướng hữu cơ, quy mô lớn, rồi xay ra thành gạo, đóng gói tiêu thụ khắp cả nước với hai nhãn hiệu: Gạo tím Ba Nhựt và nếp cẩm Ba Nhựt.

Những trường hợp như HTX Nông nghiệp Tân Hưng hay nông dân Phạm Văn Nhựt không phải hiếm. Không ngại đổi mới, cộng với sự góp sức từ các nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhiều nông dân đã chứng minh lợi nhuận 70-100% từ trồng lúa không phải là chuyện xa vời.

Bài và ảnh: THÚY AN

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.