Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Chính sách an toàn, tin cậy, thiết thực, ưu việt
BHXH, BHYT là 2 chính sách mang tính nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Chính sách do Nhà nước tổ chức, thực hiện, hoạt động vì mục đích an sinh xã hội, không vì lợi nhuận nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động; bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng các quyền lợi do quỹ BHYT chi trả, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Người tham gia sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đầy đủ các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định (Ảnh minh họa)
Bảo hiểm xã hội – vì mục tiêu an sinh xã hội, không vì lợi nhuận
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng gia tăng quyền, lợi ích của người tham gia, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân trước những biến cố, rủi ro, giúp bảo đảm an sinh xã hội.
Với ý nghĩa đó, Luật Bảo hiểm xã hội đang tiếp tục được sửa đổi theo hướng mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện với hai loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với người lao động mà còn cả với doanh nghiệp. Ngoài việc giúp người lao động ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc, chính sách bảo hiểm xã hội còn trợ giúp người lao động khi không còn khả năng lao động thông qua thụ hưởng 5 chế độ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất).
Với doanh nghiệp, việc người lao động được tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ sẽ có thêm động lực giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh mà không phải lo lắng về nguồn lao động. Mặt khác, thực tế nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động thì tiêu thức được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được người lao động vào làm việc.
Chung mục tiêu với bảo hiểm xã hội bắt buộc để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia bảo hiểm xã hội. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi hết tuổi lao động.
Chế độ hưu trí trong chính sách bảo hiểm xã hội đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong các năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.
Bảo hiểm y tế nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Cùng với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội ưu việt, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn…
Luật Bảo hiểm y tế quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia bảo hiểm y tế và có phạm vi hưởng bảo hiểm y tế như nhau. Người tham gia được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, người tham gia sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đầy đủ các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua đó, bảo hiểm y tế đã giúp nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế vượt qua những khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau bệnh tật. Không chỉ là giá trị vật chất, bảo hiểm y tế còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật.
Hiện nay, danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế với hơn 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia bảo hiểm y tế còn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đãi đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay, quỹ bảo hiểm y tế thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn.
Thời gian qua, nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc khám chữa bệnh cho người thân.
“Điểm tựa” an sinh vững chắc, người dân tin tưởng, hài lòng
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương cùng sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những năm qua, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được thực hiện tốt trên phạm vi cả nước.
Các kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định sâu sắc hơn giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giúp Nhân dân và người lao động ngày càng yên tâm, tin tưởng, tích cực tham gia.
Theo đó, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng với 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tính hết năm 2022 (trong đó: Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần; Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần); Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần).
Người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được đảm bảo kịp thời. Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2022, đã có khoảng hơn 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của cả nước khoảng 3,3 triệu người.
Với những ý nghĩa thiết thực của chính sách bảo hiểm y tế, những năm qua, số người tham gia bảo hiểm y tế ở nước ta cũng có sự tăng trưởng nhanh và vượt mục tiêu đề ra. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân). Cùng với đó, cơ hội tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả cũng tăng cao. Từ năm 2003 đến 2022, có trên 2.368 triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, người lao động ổn định cuộc sống, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Kết quả, các gói hỗ trợ từ các quỹ này với tổng số tiền trên 47,2 nghìn tỷ đồng đã được ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ nhanh gọn, chính xác đến tận tay người hưởng.
Bên cạnh đó, quỹ bảo hiểm y tế đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Có thể khẳng định, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được Nhà nước bảo hộ và đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Với vai trò quan trọng, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đảm bảo ổn định, cân bằng, bền vững, nhờ đó người lao động và Nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã không ngừng nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng kể, toàn diện nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ, kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách.
Việt Anh
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.