• Click để copy

Bảo vệ quyền tác giả sách phi hư cấu

Sách phi hư cấu chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu xuất bản, tuy nhiên việc bảo vệ quyền tác giả chưa được chú trọng. Thiệt thòi không chỉ đến với các đơn vị làm sách và tác giả mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới độc giả vì những người có khả năng viết sách không mặn mà viết tác phẩm bổ ích, thú vị.

Khó khăn bảo vệ quyền tác giả

Ngành xuất bản thường chia sách theo hai thể loại là hư cấu (fiction) và phi hư cấu (non-fiction). Sách hư cấu có nội dung được sáng tạo bằng trí tưởng tượng. Nhiều nhất là sách văn học (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch), truyện tranh; ngoài ra còn một số ấn phẩm như sách ảnh, sách tranh... Ngược lại, sách phi hư cấu dựa vào nội dung có thật, thể hiện các sự kiện, quan điểm, ý tưởng trong thực tế. Đề tài, nội dung sách phi hư cấu rất đa dạng, từ sách giáo khoa, giáo trình, nghiên cứu (bao gồm sách khoa học nghiên cứu văn nghệ), báo chí, tiểu sử cho đến công trình tổng kết, tổng hợp... Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948, số bản sách làm ra là 400 triệu. Chưa kể các loại sách phi hư cấu như chính trị pháp luật, khoa học-công nghệ, kinh tế...; riêng sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo đã chiếm 34%.

Do chiếm tỷ trọng lớn, được tiêu thụ nhiều cho nên sách phi hư cấu bị xâm phạm bản quyền nghiêm trọng. Hễ đầu sách phi hư cấu nào bán chạy đều bị in lậu, gần đây có thể kể đến “Đắc nhân tâm”, “Sapiens: Lược sử loài người”, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, “Muôn kiếp nhân sinh”, “Súng, vi trùng và thép”... Chỉ một số cách làm đặc thù giúp sách phi hư cấu ra đời mà không sợ nạn in lậu gây thiệt hại, đó là in với số lượng lớn ngay từ lần phát hành đầu tiên, sách là sản phẩm từ kết quả đề tài nghiên cứu (các tác giả đã nhận kinh phí nghiên cứu, không quá quan tâm nhuận bút), độc giả đặt hàng...

Bảo vệ quyền tác giả sách phi hư cấu

Lễ ra mắt ấn phẩm sách nói tác phẩm phi hư cấu “Muôn kiếp nhân sinh”. Ảnh: QUỲNH TRÂN

Do nạn in lậu tràn lan, chưa thể ngăn chặn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đơn vị làm sách và tác giả, tất yếu dẫn đến tâm lý ngại viết sách. PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Những người có khả năng viết sách phi hư cấu như các nhà khoa học đều không mặn mà xuất bản sách. Bởi lẽ nếu cuốn sách viết vội, viết ẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn uy tín học thuật mà tác giả cả đời gây dựng. Nhưng muốn viết sách tử tế thì phải mất vài ba năm, trong khi lợi nhuận trực tiếp thu về từ viết sách không đáng kể, ảnh hưởng đến đời sống của tác giả”.

Ngoài hai trở ngại là chưa ngăn chặn nạn in lậu và độc giả chưa có ý thức tôn trọng bản quyền, còn có nguyên nhân quan trọng là ý thức bảo vệ quyền tác giả của chính người viết sách phi hư cấu cũng hạn chế. Sau khi hỏi rất nhiều tác giả viết sách phi hư cấu, câu trả lời mà chúng tôi nhận được liên quan vấn đề bản quyền là thường phó mặc cho đơn vị làm sách, chưa chủ động tìm hiểu cơ sở pháp lý, chưa tìm kiếm các tổ chức có chuyên môn hỗ trợ.

Tăng nguồn thu từ bảo vệ quyền tác giả

Những đường dây in lậu gần đây bị phát giác là do các đơn vị làm sách tự theo dõi và báo với cơ quan chức năng. Song cách làm này chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Tối ưu vẫn là phải dựa vào trung tâm có chuyên môn về quyền tác giả, kiểu như các nhạc sĩ dựa vào Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong lĩnh vực sách hư cấu đã có Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (Hội Nhà văn Việt Nam). Về phía mảng sách phi hư cấu cũng đã có Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam (VANFA). Tổ chức này thành lập năm 2014 nhưng chưa có nhiều hoạt động đáng chú ý, mới có 1.786 hội viên là những tác giả ủy quyền thu phí tác quyền.

Từ kinh nghiệm 20 năm hoạt động VCPMC (thu được 1.063 tỷ đồng phí tác quyền) và tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, thời gian tới, VANFA sẽ đóng góp ý kiến hoàn thiện và xây dựng pháp luật liên quan đến quyền tác giả với các cơ quan có thẩm quyền, tại các diễn đàn thích hợp. Ông Đặng Thiên Sơn, Chánh Văn phòng VANFA cho biết: “Các tác giả chỉ chú ý số lượng bản sách được tiêu thụ mà chưa quan tâm vấn đề nội dung trong sách được xã hội sử dụng như thế nào. Với lượng in sách ít như hiện nay, rõ ràng nhuận bút theo bản sách sẽ rất khiêm tốn. Thu nhập của tác giả sẽ nâng lên nếu kiểm soát và thu phí được từ việc sử dụng nội dung cuốn sách dưới bất cứ hình thức kinh doanh nào. VCPMC thu được phí tác quyền ca khúc từ các quán karaoke, vậy hoàn toàn VANFA cũng có thể thu phí hàng năm từ các cửa hàng photocopy và nhiều cơ sở có kinh doanh khác”.

Con số tác giả ủy quyền để VANFA thu phí còn rất nhỏ so với số lượng tác giả in sách phi hư cấu hiện nay. Vì vậy, VANFA tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tác giả sách phi hư cấu ủy quyền thu phí. Chỉ khi số lượng tác giả tự nguyện ủy quyền lên tới hàng trăm nghìn người, VANFA mới có đủ uy tín, có sức ảnh hưởng làm chuyển biến tích cực việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người viết sách phi hư cấu.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Bài liên quan

Tin mới

Từ 1-1-2025, các bệnh viện thực hiện theo 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản
Từ 1-1-2025, các bệnh viện thực hiện theo 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản

Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện trên cả nước.

Khám sức khỏe lái xe từ năm 2025 có điểm gì mới?
Khám sức khỏe lái xe từ năm 2025 có điểm gì mới?

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Cảnh giác chiêu trò giả mạo bán vé máy bay Tết 2025 để lừa đảo
Cảnh giác chiêu trò giả mạo bán vé máy bay Tết 2025 để lừa đảo

Vietnam Airlines cảnh báo tình trạng các đối tượng lừa đảo sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi bán vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giá rẻ để lừa khách hàng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long là Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm
Phó Thủ tướng Lê Thành Long là Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm

Ngày 18/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 1420/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Giám sát Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024
Giám sát Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024

Nhằm để đảm bảo cho người dân tham quan, mua sắm hàng hóa tiêu dùng, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính tại Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng Biên giới – Đồng Tháp năm 2024 được diễn ra từ ngày 13 tháng 11 năm 2024 đến ngày 17 tháng 11 năm 2024 trên địa bàn thành phố Hồng Ngự theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Tiền Giang: Xử lý 01 trường hợp đăng quảng cáo, bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Tiền Giang: Xử lý 01 trường hợp đăng quảng cáo, bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đội QLTT số 4 xử phạt hộ kinh doanh vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử số tiền 8 triệu đồng.