Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 trước “giờ G” - Kỳ 3: Sức nặng lá phiếu (Tiếp theo và hết)
Với hai lá phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri, hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ được coi là phức tạp nhưng cũng thú vị nhất thế giới. Đây cũng là nguyên nhân khiến ranh giới giữa chiến thắng-thất bại chỉ gói gọn trong một số ít phiếu bầu và từng làm nên những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của các ứng cử viên tổng thống.
Ngày phán quyết
Hiến pháp Hoa Kỳ nêu rõ, ngày bầu cử Tổng thống Mỹ phải diễn ra vào thứ ba đầu tiên của tháng 11, sau thứ hai đầu tiên của tháng đó. Theo tờ The Economic Times, truyền thống này có từ cách đây gần 180 năm.
Trước khi quy định nói trên ra đời, các tiểu bang ở Mỹ có thời hạn 34 ngày để cử tri bỏ phiếu và phải thực hiện trước thứ tư đầu tiên của tháng 12. Nhưng điều này làm nảy sinh những vấn đề, bởi người ta cho rằng các bang tổ chức bầu cử sớm có khả năng ảnh hưởng hoặc làm thay đổi quan điểm của các bang bỏ phiếu muộn hơn. Để giải quyết vấn đề này, Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định chọn một ngày cố định để tổ chức bầu cử tổng thống.
Năm 1845, một đạo luật được thông qua để ấn định một ngày bầu cử duy nhất cho toàn bộ đất nước. Khi ấy, nền kinh tế Mỹ chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đầu tháng 11 được coi là thời điểm tốt nhất để cử tri bỏ phiếu vì vụ thu hoạch đã kết thúc, thời tiết lại tương đối ôn hòa. Việc bỏ phiếu bầu tổng thống vào cuối tuần bị loại trừ vì hầu hết người Mỹ đến nhà thờ vào chủ nhật, trong khi thứ tư thường là ngày họp chợ của nông dân. Thập niên 1800 không có ô tô, nông dân Mỹ lại sống xa các điểm bỏ phiếu nên các nhà lập pháp quyết định chọn thứ ba đầu tiên của tháng 11 là ngày bầu cử để họ có thể dành ngày thứ hai di chuyển đến điểm bỏ phiếu.
Cử tri Mỹ tại Des Moines, bang Iowa đi bỏ phiếu sớm bầu tổng thống, ngày 16-10-2024. Ảnh: CNN |
Năm nay, ngày 5-11 được coi là “ngày phán quyết”, ngày mà các cử tri đi bỏ phiếu bầu hoặc ứng cử viên Donald Trump hoặc ứng cử viên Kamala Harris là tổng thống mới của nước Mỹ. Sau khi quá trình kiểm phiếu hoàn tất, ngày 17-12, các đại cử tri ở mỗi bang sẽ nhóm họp để bầu tổng thống và phó tổng thống. Nếu quá trình này diễn ra suôn sẻ, Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống trong một phiên họp chung. Sau đó, tổng thống và phó tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2025 với nhiệm kỳ 4 năm.
Không chỉ dùng lá phiếu để bầu ra tổng thống và phó tổng thống, các cử tri Mỹ còn có nhiệm vụ bầu nhân sự ở Quốc hội và chính quyền các bang.
Phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri
Thể thức bầu cử ở Mỹ quy định cử tri không bầu trực tiếp tổng thống mà chỉ bầu đại cử tri tại tiểu bang mình cư trú, trong khi việc bầu tổng thống sẽ thuộc về trách nhiệm của cử tri đoàn gồm 538 người, còn gọi là các đại cử tri.
Để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay, ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa hoặc ứng cử viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ phải đạt được ít nhất 270/538 phiếu đại cử tri.
Thường thì mỗi bang được phân bổ số lượng đại cử tri nhất định dựa trên dân số. Song điều đáng nói là hầu hết các bang của Mỹ bầu đại cử tri theo thể thức “được ăn cả, ngã về không”, nghĩa là ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn ở bang nào sẽ nghiễm nhiên sở hữu toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Chẳng hạn, bang Pennsylvania được phân bổ 19 phiếu đại cử tri, nếu ông Donald Trump hoặc bà Kamala Harris, ai giành được nhiều phiếu phổ thông nhất ở bang này sẽ đoạt toàn bộ 19 phiếu đại cử tri, trong khi người kia không được gì. Thế nên mới có chuyện một ứng cử viên có thể giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng vẫn thất bại do thua số phiếu đại cử tri so với đối thủ. Ví dụ điển hình là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhận được nhiều hơn tỷ phú Donald Trump khoảng 3 triệu phiếu phổ thông trên toàn quốc nhưng cuối cùng vẫn thất bại do thua về tổng số phiếu đại cử tri.
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống. Tuy vậy, trong lịch sử bầu cử Mỹ, điều này mới xảy ra một lần vào năm 1824.
Một số người Mỹ cho rằng nên loại bỏ phiếu đại cử tri và chỉ sử dụng phiếu phổ thông để trực tiếp bầu tổng thống, nhưng cũng không ít người tin rằng cần duy trì hệ thống đại cử tri đoàn để các bang đông dân không “lấn át” các bang nhỏ hơn.
7 "chìa khóa" vào Nhà Trắng
Thực tế cho thấy, hầu hết tiểu bang ở Mỹ có truyền thống nghiêng hẳn về Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa. Do đó, kết quả bầu cử tổng thống thường được quyết định dựa trên kết quả ở các bang mà cả hai đảng không nắm chắc phần thắng, còn gọi là bang chiến trường.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có 7 bang chiến trường với số phiếu đại cử tri lớn, bao gồm: Arizona (11 phiếu), Georgia (16 phiếu), Michigan (15 phiếu), Nevada (6 phiếu), North Carolina (16 phiếu), Pennsylvania (19 phiếu) và Wisconsin (10 phiếu). Đây được dự đoán là các bang đóng vai trò “chìa khóa” để mở cánh cửa vào Nhà Trắng, nói cách khác là quyết định ông Donald Trump hay bà Kamala Harris sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Tuy nhiên, càng gần ngày bầu cử thì các cuộc thăm dò dư luận càng cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa hai ứng cử viên tại các bang quan trọng này. Gần đây, cả cựu Tổng thống Donald Trump hay Phó tổng thống Kamala Harris đều tập trung vận động cử tri tại bang chiến trường Wisconsin, nơi từng bầu cho ông Donald Trump vào năm 2016 nhưng sau đó lại chuyển sang ủng hộ ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020. Tầm quan trọng của các bang chiến trường như Wisconsin phần nào được minh chứng qua câu nói với cử tri của ứng cử viên Donald Trump: "Nếu thắng Wisconsin, chúng ta sẽ giành chiến thắng chung cuộc".
Khi nào tổng thống mới được xướng tên?
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 gồm hai loại phiếu là phiếu bầu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử và phiếu bầu vắng mặt hoặc được gửi qua đường bưu điện. Do quá trình kiểm đếm phiếu bầu qua thư rất tốn thời gian nên không loại trừ khả năng sau ngày bầu cử 5-11, nước Mỹ phải chờ đợi thêm nhiều ngày để xác định vị tổng thống mới.
Mặc dù năm 2020, chiến thắng đã gọi tên ông Joe Biden 4 ngày sau ngày bầu cử, song trên thực tế, các nhân viên bầu cử phải mất tới hai tuần mới có thể xác định kết quả bầu cử của tất cả các bang.
Với tỷ lệ ủng hộ sít sao như hiện nay, chưa biết chừng sự thành bại của hai ứng cử viên sẽ được quyết định chỉ bằng vài lá phiếu, thậm chí là những lá phiếu cuối cùng được kiểm đếm. Điều đó lý giải vì sao bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 được dự báo là một trong những cuộc cạnh tranh gay cấn nhất trong lịch sử chính trường Mỹ thời hiện đại.
ANH VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.