Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 trước “giờ G” - Kỳ 1: Ông Donald Trump hay bà Kamala Harris - cử tri Mỹ gọi tên ai?
LTS: Tổng thống Mỹ luôn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu và mỗi nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm không chỉ liên quan đến “quốc kế dân sinh” của riêng nước Mỹ mà còn ít nhiều tác động đến phần còn lại của thế giới. Thế nên, khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần (5-11), những thông tin liên quan tới cuộc đua vào Nhà Trắng cũng hút tầm nhìn dư luận.
Những ngày gần đây, đương kim Phó tổng thống Kamala Harris, gương mặt đại diện cho Đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump, nhân vật đại diện Đảng Cộng hòa, gần như chiếm trọn thời lượng phát sóng trên các kênh truyền hình và tờ báo của Mỹ, trở thành tâm điểm ở các sự kiện tập trung đông đảo cử tri xứ cờ hoa. Bởi họ là hai ứng cử viên chính và tiềm năng nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Người chiến thắng sẽ đi vào lịch sử
Sau khi đương kim Tổng thống Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, Phó tổng thống Kamala Harris được Đảng Dân chủ “chọn mặt gửi vàng”, thay thế ông Joe Biden trong cuộc cạnh tranh chiếc ghế quyền lực trong Nhà Trắng cùng cựu Tổng thống Donald Trump. Đến nay, cả ông Donald Trump và bà Kamala Harris đều đã đưa ra những thông điệp và hàng loạt cam kết nhằm làm “xiêu lòng” các cử tri trên toàn nước Mỹ. Cơ hội đang chia đều cho đôi bên và bất kể ai chiến thắng, người đó sẽ đi vào lịch sử.
Với Phó tổng thống Kamala Harris, nếu cán đích trước trong cuộc đua năm nay, bà sẽ là vị nữ tổng thống đầu tiên và người da màu thứ hai đắc cử tổng thống trong lịch sử hơn 200 năm lập quốc của Mỹ. Trong quá trình vận động cử tri, ứng cử viên Kamala Harris dường như cố tình nhấn mạnh viễn cảnh này qua thông điệp: “Nước Mỹ sẵn sàng có nữ tổng thống da màu đầu tiên”.
Sinh viên theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris, ngày 11-9-2024. Ảnh: Johns Hopkins University |
Trong khi đó, nếu chiến thắng, ông Donald Trump sẽ lần thứ hai ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ sau nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2017 đến 2021. Nhưng lịch sử còn gọi tỷ phú Donald Trump nhiều hơn thế nếu như ông đắc cử. Bởi, đến nay, ông là người dính vào nhiều rắc rối pháp lý nhất trong lịch sử nước Mỹ khi đang giữ vai trò ứng cử viên tổng thống.
Kẻ phá đám hay thần tài?
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 được xem là màn đua “song mã” giữa đương kim Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng vẫn còn đó các ứng cử viên không thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẵn sàng thay đổi cục diện cuộc chơi, dù cơ hội chiến thắng của họ rất mong manh.
Theo The New York Times, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, tại mỗi bang chiến địa đều có ít nhất một ứng cử viên độc lập hoặc thuộc đảng thứ ba trên lá phiếu, khiến cuộc bầu cử vốn được dự đoán vô cùng sít sao càng trở nên khó lường. Trong số những ứng cử viên này có thể kể đến ứng cử viên Jill Stein của Đảng Xanh, ứng cử viên Chase Oliver của Đảng Tự do hay ứng cử viên độc lập Cornel West. Thăm dò dư luận do The New York Times công bố hồi tháng trước cho thấy, cả bà Jill Stein và ông Chase Oliver chỉ nhận được khoảng 1% phiếu bầu trên toàn quốc, nghĩa là cơ hội trở thành tổng thống của họ “rất rất thấp”. Thế nhưng, vấn đề là sự hiện diện của họ trên lá phiếu ở một vài tiểu bang có thể “hút” số phiếu bầu từ các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, từ đó làm thay đổi cán cân và thậm chí làm đảo lộn kết quả bầu cử. Truyền thông và giới phân tích chính trị Mỹ gọi đó là hiệu ứng “phá đám”.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 từng chứng kiến màn phá đám như thế. Khi ấy, ứng cử viên Jill Stein đã giành được 31.072 phiếu tại Wisconsin, lớn hơn cả con số chênh lệch 22.748 phiếu mà ông Donald Trump đã đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tại bang này. Sau đó, nhiều thành viên Đảng Dân chủ cho rằng bà Hillary Clinton thất bại ở bang Wisconsin là do mất phiếu bầu vào tay ứng cử viên Jill Stein. Năm nay, Wisconsin vẫn sẽ là bang có lá phiếu thuộc loại “đông đúc” nhất, bởi ngoài ông Donald Trump và bà Kamala Harris còn có tên 6 ứng cử viên khác.
Hay như cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, ứng cử viên của Đảng Xanh Ralph Nader đã giành được tới 97.421 phiếu bầu từ bang Florida, trong khi ứng cử viên của Đảng Dân chủ Al Gore thua tại bang này chỉ với cách biệt 531 phiếu bầu so với đối thủ của Đảng Cộng hòa.
Ông Bernard Tamas, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Valdosta State nói rằng, để trở thành “kẻ phá đám” trong cuộc bầu cử, các ứng cử viên độc lập hoặc thuộc đảng thứ ba cần có lượng cử tri ủng hộ lớn hoặc cuộc bầu cử phải diễn ra cực kỳ sít sao. Trong khi đó, Rahna Epting, Giám đốc điều hành của nhóm hoạt động tự do MoveOn nói rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có thể được định đoạt chỉ bằng vài nghìn phiếu bầu tại một số tiểu bang và bởi vậy, các ứng cử viên thuộc đảng thứ ba vẫn là “mối đe dọa lớn” với cả ông Donald Trump và bà Kamala Harris.
Khi các hòm phiếu chưa được kiểm đếm đầy đủ thì khó có thể khẳng định các ứng cử viên nói trên sẽ đem tới lợi hay hại cho ông Donald Trump và bà Kamala Harris. Chỉ có điều, nếu họ trở thành “kẻ phá đám” với người này thì sẽ là “thần tài” của người kia.
Những đặc quyền của Tổng thống Mỹ
Dù ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì có một điều chắc chắn không thay đổi, đó là mức lương và những đặc quyền mà họ được hưởng sẽ rất lớn.
Tổng thống Mỹ không chỉ là công việc quyền lực nhất thế giới mà còn được trả lương cao. Khi George Washington nhậm chức Tổng thống đầu tiên của Mỹ vào năm 1789, ông được trả mức lương 25.000 USD/năm. Kể từ đó đến nay, lương của Tổng thống Mỹ đã dăm ba lần được Quốc hội nước này điều chỉnh, gần nhất là vào năm 2001, ngay trước khi Tổng thống George W.Bush nhậm chức.
Hiện nay, Tổng thống Mỹ được nhận mức lương 400.000 USD/năm, kèm theo đó là khoản trợ cấp 50.000 USD để hỗ trợ chi trả các chi phí liên quan hoặc phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ trên cương vị tổng thống. Mỗi năm, Tổng thống Mỹ còn được cấp một khoản chi phí đi lại không chịu thuế 100.000 USD và 19.000 USD dành cho hoạt động giải trí. Trong khi đó, Phó tổng thống sẽ được nhận khoản tiền lương 235.100 USD/năm.
Mục đích của việc trả lương cao như vậy được cho là để bảo đảm các Tổng thống Mỹ sẽ tránh xa tham nhũng. Giải thích về điều này, năm 2017, nhà sử học Douglas Brinkley từng nói với tờ The Wall Street Journal rằng, những người trở thành Tổng thống Mỹ sẽ có khoản thu nhập lớn và nếu chẳng may bị phá sản hay mắc nợ, ít nhất họ vẫn có tiền để sống.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn được hưởng những đặc quyền khác mà người thường có nằm mơ cũng chẳng thấy, ví dụ: Được đi lại miễn phí trên chiếc xe limousine chuyên dụng của tổng thống với tên gọi The Beast, trực thăng Marine One và Air Force One. Khi về hưu, họ vẫn được hưởng khoản lương 200.000 USD/năm.
Về mặt pháp lý, các Tổng thống Mỹ không được phép từ chối nhận lương, tuy nhiên họ có thể dành tiền lương của mình cho các tổ chức mà họ muốn. Lịch sử chính trường Mỹ từng chứng kiến một vài tổng thống tự nguyện quyên góp tiền lương của mình cho các tổ chức từ thiện như: George Washington, Herbert Hoover, John F.Kennedy và gần đây nhất là Donald Trump.
Thêm một điều chẳng phải ai cũng biết, đó là Tổng thống Mỹ không phải nhà lãnh đạo được trả lương cao nhất thế giới hiện nay. Và vợ của Tổng thống-đệ nhất phu nhân Mỹ... không được nhận lương.
Nhưng có lẽ, Phó tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump cạnh tranh quyết liệt cho chiếc ghế nóng trong Nhà Trắng vì muốn trở thành một phần lịch sử nước Mỹ, chứ chẳng phải vì lương thưởng. Bởi, theo thống kê gần đây của Tạp chí Forbes, bà Kamala Harris hiện có tài sản ròng khoảng 8 triệu USD, trong khi khối tài sản mà ông Donald Trump sở hữu lên tới 3,9 tỷ USD.
(còn nữa)
ANH VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.