Bình luận: Nỗi lo của châu Âu
Vẫn còn gần một năm nữa mới diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thế nhưng, kết quả thăm dò dư luận đã khiến nhiều chính trị gia lão luyện ở châu Âu lo lắng.
Theo truyền thông thế giới, các cuộc thăm dò dư luận mới nhất về bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đều đưa ra một kết quả: Ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa đang dẫn đầu, vượt lên trên ứng cử viên số 1 của Đảng Dân chủ là đương kim Tổng thống Joe Biden.
Ẩn sau kết quả đó trực chờ một nguy cơ mà giới chính trị gia châu Âu không mong đợi, ấy là một nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của ông Donald Trump có thể đồng nghĩa với việc Washington rút khỏi liên minh quân sự lớn nhất toàn cầu, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng hồi tháng 11-2022. Ảnh: Reuters |
Trong hơn 7 thập kỷ qua, NATO đóng vai trò là liên minh quân sự quan trọng nhất của Washington. Tổng thống Mỹ, dù là người của Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đều coi NATO là một lực lượng tăng cường sức mạnh của Mỹ ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, trong thời gian cầm quyền từ năm 2016 đến 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn coi NATO là nhân tố “làm cạn kiệt tài nguyên của Mỹ bởi những kẻ ăn bám”, liên tục đưa ra cảnh báo có thể rút Washington khỏi liên minh quân sự “ăn hại” này. Theo The New York Times, ông Donald Trump đã giữ quan điểm đó ít nhất trong một phần tư thế kỷ. Bằng chứng là, trong cuốn sách “Nước Mỹ mà chúng ta xứng đáng” xuất bản năm 2000, tỷ phú Donald Trump tuyên bố “việc rút lui khỏi NATO sẽ tiết kiệm cho Mỹ hàng triệu USD mỗi năm”.
Trên thực tế, năm 2019, dưới áp lực của Tổng thống Donald Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu buộc phải dàn xếp thỏa thuận giảm mức đóng góp của Mỹ từ 22,1% xuống còn 16,5% ngân sách NATO, như một nhượng bộ để giữ chân Washington ở lại khối này. Nhờ đó, Mỹ tiết kiệm được khoảng 120 triệu euro (129 triệu USD) tiền đóng góp.
Cùng thời kỳ này, không phải chỉ mỗi Washington “lạnh nhạt” với NATO. Năm 2019, đánh dấu 70 năm thành lập, liên minh quân sự này từng bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích bởi vai trò suy yếu tới nhạt nhòa suốt một thời gian dài, với vô số vấn đề gây chia rẽ nội bộ, đặt ra thách thức về sự tồn tại của khối.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine-ở góc độ nào đó-đã vô tình “tái sinh” NATO, giúp khối củng cố quyền lực, lấy lại vị thế, kết nạp thành viên mới, thậm chí “vươn thêm vòi bạch tuộc” khiến người ta phải nghĩ đến một “NATO ở châu Á”. Dĩ nhiên, trong bối cảnh nước rút của cuộc đua giành vị trí người đứng đầu Nhà Trắng, ông Donald Trump không dại gì phơi hết tâm can. Trên trang web tranh cử của ông đăng một câu khá mơ hồ và khó hiểu: “Chúng ta phải hoàn thành quá trình mà chúng ta đã bắt đầu nhằm đánh giá lại một cách cơ bản mục đích và sứ mệnh của NATO”. Tư duy “trọng thương” của một “chính trị gia kiêm thương nhân lão luyện” như ông Donald Trump, vô hình trung, tạo ra bất ổn và lo lắng không nhỏ cho các đồng minh phương Tây, cũng như cho những chính trị gia Mỹ ủng hộ đường lối đối ngoại truyền thống của Washington.
Chẳng thế mà thời gian qua chứng kiến những cuộc thăm viếng của giới chức ngoại giao châu Âu với các cộng sự của ứng cử viên Donald Trump. Thậm chí, lấy cớ là thành viên mới được kết nạp, Đại sứ Phần Lan tại Mỹ Mikko Hautala đã trực tiếp tới thăm ông Donald Trump, và nhân cơ hội đó, đề cao giá trị của nước Mỹ trong tư cách là thành viên trọng yếu của NATO. Điều đó phần nào cho thấy, châu Âu vẫn loay hoay tìm cách đối phó với tư tưởng muốn rút Mỹ khỏi NATO của ông Donald Trump một khi tái đắc cử. Khó càng thêm khó khi mà có vẻ châu Âu đang ở vị thế “dưới cơ” Washington, về mọi mặt.
Rõ ràng, những kịch tính trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng đủ làm hoang mang giới chính trị gia châu Âu, nhất là khi sự trở lại của ông Donald Trump có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về chính sách đối ngoại của Mỹ, mà “nạn nhân” đầu tiên không loại trừ là Ukraine và những nước phương Tây đang hỗ trợ Kiev trong cuộc đối đầu với Moscow.
HÀ PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.