NATO muốn lập “Schengen quân sự” ở châu Âu
Trong bối cảnh vấn đề “đóng cửa biên giới với Nga” đang trở nên nổi cộm ở châu Âu, phát biểu của Tổng thống Cộng hòa (CH) Séc về việc NATO chuẩn bị cho xung đột cường độ cao với Nga, đặc biệt là đề xuất thiết lập “Schengen quân sự” của một tướng NATO, càng làm phức tạp hơn mối quan hệ đang ở mức thấp kỷ lục giữa hai bên.
Theo RT, phát biểu ngày 23-11, tại Hội nghị Nhóm Visegrad, một câu lạc bộ chính trị không chính thức gồm CH Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia, Tổng thống CH Séc Petr Pavel nói rằng, NATO coi Nga là mối đe dọa lớn nhất ở châu Âu và cho biết thêm, tất cả quân đội của NATO đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột cường độ cao tiềm tàng (với Nga).
Khi được đề nghị bình luận về mối đe dọa tiềm tàng của Nga đối với NATO, ông Pavel cho rằng Moscow sẽ mất nhiều năm để khôi phục khả năng chiến đấu, nhưng phương Tây vẫn cần thận trọng.
Đoàn xe quân sự của Mỹ, quốc gia hàng đầu của NATO, hoạt động tại Lithuania. Ảnh minh họa: Wikimedia Commons |
Đây không phải lần đầu tiên một nhà lãnh đạo ở châu Âu đưa ra phát biểu cứng rắn như vậy đối với Nga, tuy nhiên, đặt trong bối cảnh căng thẳng hiện nay giữa Nga và châu Âu liên quan tới cuộc xung đột Ukraine, nó rất có thể sẽ trở thành một “mồi lửa” thổi bùng căng thẳng mới kéo theo nhiều hệ lụy.
Trước đó, hồi tháng 5-2023, tướng Karel Rehka-Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang CH Séc đã kêu gọi quân đội các nước NATO thực hiện nhiệm vụ thiết yếu là chuẩn bị cho cuộc xung đột trực tiếp với Moscow. Thậm chí trước đó, ông Rehka từng tuyên bố, nếu xảy ra một cuộc xung đột giữa Nga và NATO, quân đội CH Séc sẵn sàng tham chiến để bảo vệ an ninh đất nước.
Trong những ngày gần đây, “đóng cửa biên giới với Nga” đang trở thành vấn đề nổi cộm ở các nước châu Âu, sau khi Phần Lan quyết định đóng gần hết các cửa khẩu ở biên giới đất liền với Nga nhằm ngăn chặn dòng người di cư. Estonia và Na Uy sau đó cũng tuyên bố đã tính tới khả năng có hành động tương tự. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Estonia Lauri Laanemets cho biết Estonia đã lên phương án đóng các cửa khẩu biên giới nếu “áp lực di cư từ Nga leo thang”. Na Uy cũng cho biết khả năng sẽ làm theo Phần Lan “nếu cần thiết”.
Giới phân tích cho rằng việc cả 3 nước NATO thực hiện hoặc cân nhắc đóng cửa biên giới với Nga là một tín hiệu quan trọng. Những bước đi này có thể nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của phương Tây nhằm khóa chặt vùng Kaliningrad của Nga.
Ngoài ra, theo tờ Financial Times, CH Séc mới đây cũng đã đưa ra đề xuất đóng cửa biên giới các nước châu Âu với các nhà ngoại giao Nga. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, chính phủ nhiều nước phương Tây đã trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga, nhưng một số nước khác vẫn cấp thị thực cho các đặc phái viên của Moscow, cho phép họ tiếp cận địa bàn khối Schengen và có quyền di chuyển không hạn chế ở 24 trong số 27 quốc gia thành viên của khối.
Trong bối cảnh đó, Trung tướng Alexander Sollfrank, người đứng đầu Bộ tư lệnh hỗ trợ và kích hoạt chung (JSEC) của NATO đã kêu gọi NATO thiết lập khu vực “Schengen quân sự”, cho phép di chuyển nhanh lực lượng, thiết bị, đạn dược trong trường hợp nổ ra xung đột với Nga. Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 23-11, tướng Sollfrank nói: “Chúng ta đang cạn kiệt thời gian. Những gì chúng ta không làm trong thời bình sẽ không sẵn sàng trong trường hợp khủng hoảng hoặc xung đột”.
JSEC là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối hoạt động di chuyển của quân nhân và trang thiết bị của NATO trên toàn châu Âu. Theo ông Sollfrank, mặc dù JSEC được thành lập vào năm 2021 để đơn giản hóa việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga, song hoạt động của cơ quan này vẫn bị cản trở bởi các quy định cấp quốc gia.
Việc vận chuyển đạn dược qua biên giới châu Âu thường cần có giấy phép đặc biệt, trong khi việc vận chuyển số lượng lớn quân đội hoặc thiết bị có thể cần phải thông báo trước. Trung tướng Sollfrank đề nghị các nước châu Âu thành lập khu vực “Schengen quân sự” để khắc phục những vấn đề này, tương tự thỏa thuận cho phép tự do đi lại giữa phần lớn các nước Liên minh châu Âu (EU).
Bất chấp những động thái gây sức ép của các nước châu Âu, Nga đã nhiều lần lên tiếng khẳng định nước này không có kế hoạch tấn công NATO. Tuy nhiên, Moscow coi việc NATO ngày càng mở rộng khối về phía biên giới của mình là mối đe dọa địa chính trị nghiêm trọng. Theo Newsweek, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23-11 khi được đề nghị bình luận về phát ngôn của Tổng thống CH Séc Petr Pavel đã tuyên bố rằng: “Không phải Nga đe dọa châu Âu mà là châu Âu đang đe dọa Nga”.
Ngoài ra, Nga cũng nhiều lần cảnh báo NATO trên thực tế đã trở thành một bên tham chiến trong xung đột ở Ukraine, thông qua việc cung cấp vũ khí, huấn luyện và cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Kiev, nhưng Moscow không đe dọa một xung đột trực diện với NATO.
Theo Reuters, phản ứng về đề xuất thiết lập “Schengen quân sự”, Điện Kremlin ngày 24-11 đánh giá việc NATO mong muốn thiết lập một liên minh quân sự tương tự trong khu vực Schengen nhằm cho phép các lực lượng vũ trang của liên minh này hoạt động tự do trong khu vực để chống lại Nga, đã làm gia tăng căng thẳng và là nguyên nhân gây lo ngại. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga sẽ đáp trả nếu đề xuất này trở thành hiện thực.
MAI NGUYÊN
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.