Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện Kết luận số 88-KL/TW của Bộ Chính trị: Chặt chẽ, đồng bộ, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng
Thực hiện Kết luận số 88-KL/TW ngày 18-2-2014 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu (gọi tắt là Kết luận số 88-KL/TW); thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quán triệt, thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực, lan tỏa sâu rộng.
Dấu ấn những công trình, phần việc
Phần mềm tham quan 3D giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp xây dựng nhận được sự đón nhận của công chúng bởi hiệu ứng bắt mắt, trực quan sinh động, ứng dụng nhiều công nghệ. Phần mềm tích hợp hơn 500 tài liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp Đại tướng được số hóa với hình ảnh không gian 3 chiều sinh động, giúp người xem có trải nghiệm thực tế nhất, cảm xúc chân thật nhất. Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Sản phẩm công nghệ được Bộ Quốc phòng tổ chức lễ trao tặng thiết bị cho tỉnh Quảng Bình đưa vào khai thác, sử dụng đúng dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phần mềm còn được sử dụng phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hội trường Bộ Quốc phòng như một sự tôn vinh, tri ân sâu sắc của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Không chỉ riêng lĩnh vực bảo tàng, để thiết thực tuyên truyền kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ việc xây dựng, quản lý, tu bổ, nâng cấp, tôn tạo, sưu tầm, trưng bày tư liệu, hiện vật khu lưu niệm, nhà lưu niệm các đồng chí lãnh đạo và một số đồng chí tướng lĩnh có nhiều công lao đối với cách mạng và Quân đội, tiêu biểu như: Hỗ trợ Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Thừa Thiên Huế) scan 200 hiện vật; điều chuyển 27 danh mục trang bị quân sự trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội).
Các đại biểu tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Ảnh: HỒNG PHÚC |
Lực lượng vũ trang Quân khu 2 xây dựng khu lưu niệm trưng bày 12.000 kỷ vật, tài liệu, hiện vật về các đồng chí lãnh đạo đã hy sinh, từ trần... Việc tổ chức các hoạt động về nguồn, dâng hương tưởng niệm, báo công, tham quan, học tập tại các khu lưu niệm, nhà lưu niệm diễn ra trang trọng, hiệu quả, phù hợp với truyền thống. Tổ chức hiệu quả các cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, ngành.
Các cơ quan báo chí, xuất bản, điện ảnh phối hợp xây dựng các tuyến tin, bài, phóng sự, chuyên mục, phim tài liệu, xuất bản sách, ấn phẩm tuyên truyền về cuộc đời hoạt động, công lao đóng góp của các đồng chí lãnh đạo đối với cách mạng và dân tộc. Đến nay đã xuất bản hơn 60 đầu sách, mua, sản xuất 37 phim tài liệu về các đồng chí lãnh đạo, tạo được sức lan tỏa tốt trong xã hội... Công tác sưu tầm, thu thập tư liệu để đề nghị Bộ Chính trị xem xét, công nhận các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu cũng được triển khai chặt chẽ, khoa học, chính xác, kịp thời.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quán triệt, chấp hành và thực hiện nghiêm Kết luận số 88-KL/TW của Bộ Chính trị với tình cảm, trách nhiệm và nỗ lực cao nhất, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ. Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam thường xuyên phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện tài liệu, đề cương tuyên truyền, phim tài liệu, phóng sự và tổ chức các hoạt động kỷ niệm, bảo đảm trang trọng, thiết thực, đúng quy định, được dư luận đánh giá cao.
Đề cao trách nhiệm, tổ chức thiết thực, hiệu quả
Khẳng định thực hiện Kết luận số 88-KL/TW của Bộ Chính trị là công việc mang ý nghĩa nhân văn, tri ân sâu sắc, với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao, những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động từ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến cơ sở ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, đi vào nền nếp và không ngừng được hoàn thiện.
Song, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc triển khai còn gặp một số khó khăn, có nội dung chưa sát với tình hình. Hình thức phương pháp tuyên truyền có thời điểm chưa phong phú, sinh động, nhất là trong tổ chức sinh hoạt chính trị, học tập noi gương. Thực tiễn cũng cho thấy, nếu cấp ủy đảng, chỉ huy đơn vị thực sự quan tâm, sâu sát, nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu sâu kỹ thì ở đó, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức, triển khai đa dạng, phong phú; khơi dậy được niềm tự hào, vinh dự trong cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ; mang lại giá trị lớn về mặt giáo dục.
Để việc thực hiện Kết luận số 88-KL/TW của Bộ Chính trị ngày càng thêm hiệu quả, thiết thực, Trung tướng Nguyễn Văn Đức nêu kinh nghiệm và cũng là giải pháp thời gian tới, đó là phải thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đề cao trách nhiệm, phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan chức năng, cán bộ đảm nhiệm trong tham mưu tổ chức thực hiện. Các đơn vị chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, làm cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm trở thành việc làm tự giác, trách nhiệm thường xuyên.
Các hoạt động kỷ niệm phải gắn với công tác khai thác, phát huy giá trị lịch sử của khu lưu niệm, nhà lưu niệm, đó là yêu cầu, cũng là bài toán đặt ra với các đơn vị. Là địa bàn có nhiều khu lưu niệm, nhà lưu niệm như: Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Hà Huy Tập và đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn... Theo Thiếu tướng Phan Văn Sĩ, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 4: Việc xây dựng các khu lưu niệm, nhà lưu niệm mang ý nghĩa tri ân thiết thực; song để phát huy giá trị các khu lưu niệm cần phải đổi mới, đa dạng hóa hơn nữa các hình thức, biện pháp tuyên truyền những hoạt động kỷ niệm, sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng, học tập noi gương cho cán bộ, chiến sĩ.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và người dân địa phương tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Ảnh: THANH HẢI |
Kinh nghiệm cho thấy, cùng với kết hợp chặt chẽ các hình thức truyền thống với ứng dụng khoa học-công nghệ trong tổ chức tuyên truyền, giáo dục, các đơn vị luôn chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Kiên quyết chống biểu hiện phô trương, hình thức, không thiết thực, hiệu quả.
Trong lĩnh vực xây dựng, công bố phim tài liệu, hằng năm, Điện ảnh QĐND lồng ghép thực hiện Kết luận số 88-KL/TW vào nhiệm vụ lưu trữ, khai thác, bổ sung quay tư liệu, sản xuất phim. Thượng tá Kiều Thanh Thúy, Phó giám đốc Điện ảnh QĐND chia sẻ: “Để hoàn thiện hơn nữa hệ thống tài liệu về thân thế, sự nghiệp cách mạng về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, theo tôi cần tăng cường tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề mang tính chuyên sâu, chuyên ngành. Đồng thời thực hiện tốt việc hướng dẫn, bổ sung tư liệu lịch sử làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ, sử liệu, số hóa phim nhựa. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tác phẩm điện ảnh để góp phần tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ, nhân dân về cuộc đời, sự nghiệp, công lao của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu”.
PHẠM KIÊN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.