Bộ Tài chính lưu ý nhà đầu tư 5 vấn đề, khi mua trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua mặc dù khung khổ pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp đã được ban hành đầy đủ, nhưng vấn đề thực thi pháp luật chưa nghiêm đã dẫn đến các vụ việc vi phạm và bị xử lý.
Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn còn các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia trên thị trường.
Cụ thể, một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn, dù tình hình tài chính còn yếu. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự. Ngoài ra, một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ.
Nhà đầu tư cần thận trọng và có đầy đủ khả năng phân tích khi mua TPDN riêng lẻ. Ảnh: T.L.
Trước thực trạng thị trường TPDN phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã thường xuyên khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi cân nhắc tham gia mua TPDN, cần lưu ý các nội dung sau:
Một là, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua TPDN là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Hai là, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.
Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, vì thế không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
Đầu tư TPDN riêng lẻ sẽ rất rủi ro với nhà đầu tư cá nhân nếu cố tình lách luật. Ảnh: T.L.
Năm là, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.
Theo TBTCVN
Tin mới
Tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng để đất nước vươn mình phát triển
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân. Hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải
Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2024/NĐ-CP ngày 21/11/2024 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Máy bay chở khách Nga cháy động cơ khi hạ cánh
Ngày 24-11, động cơ của một máy bay Sukhoi Superjet 100 do hãng hàng không Azimuth của Nga vận hành, đã bốc cháy khi máy bay đang hạ cánh xuống thành phố nghỉ dưỡng Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả 95 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã được sơ tán an toàn.
Cảnh báo lừa đảo qua ví điện tử
Gần đây, các thủ đoạn lừa đảo tài chính trực tuyến đang gia tăng, đặc biệt là hình thức giả mạo các tổ chức tài chính để mời gọi người dân vay tiền với lãi suất thấp và thủ tục nhanh chóng. Các đối tượng lừa đảo thường gửi tin nhắn mời chào, giới thiệu các chương trình vay ưu đãi với nhiều cam kết hấp dẫn.
Ủy ban pháp lý Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về hợp đồng tự động do Việt Nam điều phối
Cuối tuần qua, tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) tại New York, Ủy ban các vấn đề pháp lý thuộc Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ (Ủy ban 6) đã họp phiên toàn thể và thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết do Việt Nam chủ trì thương lượng về Luật mẫu về hợp đồng tự động do Ủy ban Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) soạn thảo.
Lai Châu: Khởi tố, tạm giam 02 bị can lừa bán số lượng lớn "Mật gấu" rởm
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 02 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn bán mật gấu giả.