Bộ trưởng Phan Văn Giang dự Hội nghị ADMM+ lần thứ 9
Ngày 23-11, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 9 đã diễn ra tại Siem Reap, Campuchia. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Hoa Kỳ. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, tham dự hội nghị.
Tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có bài phát biểu đề dẫn. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, trong bối cảnh môi trường kinh tế và an ninh toàn cầu ngày càng bất ổn, biến động, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi dựa trên sự tôn trọng, hợp tác thực tế và nâng cao năng lực. Thủ tướng Hun Sen cho rằng thế giới đang ở một thời điểm quan trọng khi nhiều cuộc khủng hoảng phức tạp đang đặt ra mối đe dọa chưa từng có đối với nền tảng hòa bình, ổn định và tiến bộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Để vượt qua, ASEAN đang nỗ lực duy trì văn hóa đối thoại và xây dựng lòng tin bằng cách cung cấp một nền tảng an toàn, cởi mở và mang tính xây dựng. Thúc đẩy một chủ nghĩa đa phương rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ là mục tiêu cốt lõi của ASEAN. Trong nỗ lực này, ASEAN đã cam kết mạnh mẽ duy trì vai trò trung tâm và duy trì sự thống nhất.
Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại hội nghị. |
Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Hun Sen, Hội nghị ADMM+ lần thứ 9 khai mạc với phát biểu của Đại tướng Tea Banh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia, Chủ tịch ADMM+. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Hội nghị ADMM+ là sự kiện quan trọng mà Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác gặp gỡ trực tiếp lần đầu tiên sau 2 năm kể từ khi Covid-19 bùng phát. Đây là cơ hội để trao đổi các vấn đề quan trọng liên quan đến khả năng hợp tác phục hồi sau đại dịch cũng như các vấn đề liên quan đến hòa bình khu vực và quốc tế. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia nhấn mạnh vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương, cùng với tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế, tìm giải pháp hòa bình là lựa chọn đúng đắn nhất để giải quyết bất kỳ nguy cơ nào. Kể từ khi ra đời, ADMM+ đã phát triển trở thành một cơ chế hợp tác đa phương chính trong hợp tác quốc phòng để thúc đẩy tiến trình hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực dựa trên nguyên tắc ASEAN đồng thuận, đoàn kết và trung tâm. “Trên cương vị Chủ tịch ADMM, ADMM+ và các hội nghị có liên quan trong năm nay, Bộ Quốc phòng Campuchia cam kết mạnh mẽ đối với các nguyên tắc về hợp tác hòa bình, bình đẳng, vai trò trung tâm của ASEAN và nỗ lực tập thể đóng góp vào việc giải quyết tất cả thách thức tiềm tàng trong khu vực để đảm bảo hòa bình, sự hài hòa và đối tác toàn diện nhằm mục đích thúc đẩy an ninh hài hòa và thịnh vượng ở khu vực”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia phát biểu.
Đại tướng Tea Banh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia, Chủ tịch ADMM+ phát biểu tại hội nghị. |
Sau khi thông qua chương trình nghị sự, hội nghị đã nghe Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi thông tin cập nhật về các phát triển gần đây của ASEAN cũng như báo cáo về kết quả Hội nghị quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+).
Tại hội nghị, các trưởng đoàn đã trao đổi quan điểm về tình hình an ninh thế giới và khu vực. Các trưởng đoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM+ với vai trò là một thành tố chính trong việc củng cố an ninh khu vực một cách vững mạnh, hiệu quả và cởi mở, góp phần xây dựng niềm tin. ADMM+ cũng là một cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh thiết thực giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác để ứng phó với các nguy cơ an ninh chung trong khu vực trong khi vẫn bảo đảm vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN.
Hội nghị thảo luận về các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên như cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột, khủng bố, an ninh, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Các trưởng đoàn cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi các nước phải thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác để ứng phó hiệu quả với các thách thức, đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực.
Bộ trưởng Phan Văn Giang tại hội nghị. |
Các trưởng đoàn cũng trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phan Văn Giang đánh giá việc tăng cường hợp tác quốc phòng vì một nền an ninh hài hòa như chủ đề của nước chủ nhà Campuchia đưa ra tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 9 đã phản ánh mong muốn chung về việc tạo lập, duy trì một nền hòa bình, an ninh ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đây là tiền đề quan trọng để các nước tập trung phục hồi kinh tế, xã hội, khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19.
Chia sẻ với những đánh giá của các trưởng đoàn về tình hình an ninh khu vực và thế giới, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng thế giới đang chứng kiến chuyển động nhanh chóng, khó dự đoán của môi trường địa chính trị chiến lược. Tuy có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển của các thể chế hợp tác khu vực và quốc tế, nhưng cạnh tranh, mâu thuẫn, thậm chí đối đầu căng thẳng vẫn còn hiện hữu. Trong khi các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh mạng... ngày càng nổi lên gay gắt, thì vấn đề an ninh truyền thống cũng còn diễn biến phức tạp.
Trong đó, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, thách thức liên quan đến an ninh biển đang là vấn đề được nhiều nước quan tâm chú ý, trong đó có an ninh trên Biển Đông. Việc duy trì môi trường an ninh biển hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của các nước ASEAN và đối tác ASEAN. Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Việt Nam kiên trì giải quyết mọi vấn đề bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xúc tiến hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.
Quang cảnh hội nghị. |
Bộ trưởng Phan Văn Giang đánh giá, phát huy vai trò các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong đó có ADMM+ là vấn đề quan trọng. Kể từ khi được thành lập, ADMM+ luôn phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia nội khối cũng như các đối tác bên ngoài, vì hòa bình, ổn định khu vực. “Có được những kết quả như vậy, ngoài sự nỗ lực của ASEAN còn có sự cam kết, ủng hộ của các nước đối tác. Chúng ta cùng nhau cam kết và mong muốn đồng thuận về thúc đẩy hòa bình và an ninh bền vững trong khu vực. Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam cam kết trách nhiệm cùng các nước thành viên đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển chung của ASEAN, cũng như ADMM và ADMM+ nói riêng”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu.
Hội nghị ADMM+ lần thứ 9 đã thông qua Tuyên bố chung về “Hợp tác quốc phòng nhằm tăng cường đoàn kết vì một nền an ninh hài hòa”. Tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn, tự do hàng hải và hàng không cũng như nhu cầu tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không ép buộc, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh duy trì vai trò quan trọng của việc áp dụng các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất và nâng cao tinh thần đoàn kết và hợp tác trong ASEAN và với các nước đối tác để hiện thực hóa một nền an ninh hài hòa nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng và khả năng tự cường trước những thách thức an ninh hiện tại đang nổi lên ở khu vực.
* Trưa 23-11, Lễ bàn giao chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ đã được tổ chức trang trọng tại Siem Reap, Campuchia. Bộ Quốc phòng Indonesia đã chính thức trở thành Chủ tịch ADMM và ADMM+ trong năm 2023.
Tin, ảnh: THU TRANG (từ Siem Reap, Campuchia)
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.