Brazil dồn lực chống nạn đói
Chính quyền Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đang dồn lực trong cuộc chiến chống nạn đói nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho người dân quốc gia Mỹ Latin này.
Trong một bài viết mới đây đăng trên tờ Al Jazeera, bà Elisabetta Recine, Chủ tịch Hội đồng An ninh dinh dưỡng và thực phẩm quốc gia (CONSEA) của Brazil nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu đang trở nên trầm trọng hơn do hậu quả của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và cuộc xung đột ở Ukraine. Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng tiến trình toàn cầu về nạn đói đang bị đảo ngược sau khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) đánh giá mục tiêu toàn cầu về chấm dứt nạn đói vào năm 2030 dường như nằm ngoài tầm với. Giá lương thực ở mức cao gây thêm khó khăn cho các nước có thu nhập thấp vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ. Trong khi đó, việc Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen sụp đổ làm gia tăng rủi ro cho an ninh lương thực của các nước nghèo phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm.
Brazil, quốc gia được mệnh danh là siêu cường nông nghiệp và là một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, cũng chứng kiến tình trạng đói nghèo gia tăng trong những năm gần đây sau khi chính quyền cựu Tổng thống theo đường lối cực hữu Jair Bolsonaro bãi bỏ các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19.
Các loại rau, quả ở một trung tâm cung ứng tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Reuters |
Trước tình hình này, chống nạn đói là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Lula da Silva sau khi trở lại ghế Tổng thống Brazil vào đầu năm nay. Cuối tháng 8 vừa qua, ông Lula da Silva đã phát động Chương trình “Brasil Sem Fome” (Brazil không có nạn đói) do CONSEA xây dựng. “Tôi muốn người lao động có thể ăn 3 bữa một ngày một cách đàng hoàng và cung cấp thực phẩm chất lượng cho con cái họ”, ông Lula da Silva nhấn mạnh. Chương trình này có những mục tiêu đầy tham vọng, đó là tập trung vào việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng về cơ cấu, xóa Brazil khỏi bản đồ nạn đói của LHQ vào năm 2030 và trên 95% hộ gia đình được bảo đảm an ninh lương thực vào cuối thập kỷ này. Bên cạnh đó, chương trình cũng được triển khai nhằm mục đích cải thiện khả năng tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh của người dân và khởi động quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững.
Chương trình có 32 chương trình nhỏ và chính sách để đạt được những mục tiêu trên, bao gồm chuyển tiền mặt cho các hộ nghèo, mua thực phẩm lành mạnh cho học sinh từ các nông hộ nhỏ, cung cấp chi phí phát triển nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ cho phụ nữ nông thôn và tăng cường bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Tất cả các biện pháp này đều nhằm mục đích đưa tiếng nói của những người không được bảo đảm an ninh lương thực và những người bị thiệt thòi vào quá trình ra quyết định, từ đó giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nạn đói.
Trên thực tế, đây là bản làm lại của Chương trình “Fome Zero” (Không có người đói) do ông Lula da Silva đưa ra vào năm 2003 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Bằng cách cung cấp tiền mặt, tận dụng việc mua hàng của chính phủ để hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ và quan trọng là xây dựng các cơ quan ra quyết định mang tính toàn diện, chính quyền của ông Lula da Silva đã đạt được thành công trong cuộc chiến chống nạn đói. Chương trình “Fome Zero” đã giúp giảm một nửa tình trạng mất an ninh lương thực ở Brazil và đưa đất nước này ra khỏi bản đồ nạn đói của LHQ vào năm 2014. Dù vậy, chính sách chống nạn đói trước đây ở Brazil đã không được duy trì vì không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng về cơ cấu và chỉ tập trung chủ yếu vào việc cung cấp cứu trợ ngay lập tức hơn là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nạn đói.
Chủ tịch CONSEA Recine cho rằng, trong cuộc chiến chống nạn đói, thế giới đang rất cần câu trả lời. Chương trình chống nạn đói mới của Brazil có thể là tia hy vọng và là một hình mẫu toàn cầu có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại trong quá trình triển khai chương trình. Sự phối hợp thực hiện của các bộ và các cấp chính quyền sẽ là “chìa khóa” mang lại thành công cho chương trình.
LÂM ANH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.