Các quốc gia Nam Mỹ nỗ lực nâng cấp sức mạnh không quân
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Breaking Defense cho biết, nhiều quốc gia Nam Mỹ đang theo đuổi nỗ lực nâng cấp sức mạnh không quân.
Cuối tháng 12-2024, không quân Argentina đã tiếp nhận máy bay tiêm kích F-16 đầu tiên trong hợp đồng mua 25 chiếc F-16 (do Mỹ sản xuất) đã qua sử dụng của Đan Mạch. Hợp đồng trị giá khoảng 300 triệu USD, trong đó khoảng 40 triệu USD do Mỹ tài trợ. Phía Đan Mạch tuyên bố, các máy bay F-16 nói trên được bảo trì kỹ lưỡng và cập nhật công nghệ, đưa Argentina "gia nhập gia đình F-16 toàn cầu". Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Luis Alfonso Petri gọi đây là đợt mua sắm quốc phòng quan trọng nhất của quốc gia Nam Mỹ kể từ năm 1982. Hợp đồng được thực hiện trong bối cảnh Argentina đã thiếu vắng máy bay chiến đấu chủ lực trong gần một thập niên qua.
Trước đó vài tuần, các máy bay tiêm kích Gripen (do Thụy Điển sản xuất) của không quân Brazil đã lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận quốc tế CRUZEX 2024 sau hai năm được biên chế cho lực lượng này. Brazil hiện đang trong quá trình mở rộng số lượng máy bay Gripen, đồng thời nâng cấp các máy bay tấn công hạng nhẹ nội địa A-29 Super Tucano nhằm thay thế các máy bay F-5EM và AMX A1 già cỗi.
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Luis Alfonso Petri (thứ ba, từ phải sang) và các thành viên đoàn Argentina chụp ảnh trước một chiếc F-16 bên lề lễ ký hợp đồng mua các máy bay F-16 đã qua sử dụng của Đan Mạch, tháng 4-2024. Ảnh: Breaking Defense |
![]() |
Argentina ký hợp đồng mua các máy bay F-16 đã qua sử dụng của Đan Mạch, tháng 4-2024. Ảnh: FlightGlobal |
Argentina và Brazil không phải là hai quốc gia Nam Mỹ duy nhất theo đuổi những máy bay chiến đấu có năng lực cao hơn. Các quốc gia khác trong khu vực cũng đã ký kết hoặc đang xem xét các hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu mới.
Theo Breaking Defense, Peru hiện đang vận hành các máy bay Dassault Mirage 2000 (do Pháp sản xuất) được mua từ thập niên 1980 và các máy bay Sukhoi Su-25 (do Nga sản xuất) vốn đã qua sử dụng và được mua lại từ thập niên 1990. Hồi cuối năm 2024, Tư lệnh Không quân Peru Carlos Enrique Chávez Cateriano cho biết lực lượng này có kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu đa nhiệm để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong vòng 30-40 năm tới. Một số "ông lớn" đã xếp hàng với hy vọng cung cấp cho Peru các máy bay chiến đấu mới như tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ (với máy bay F-16), tập đoàn Saab của Thụy Điển (với máy bay Gripen), tập đoàn Dassault của Pháp (với máy bay Rafale), tập đoàn Korea Aerospace Industries của Hàn Quốc (với máy bay FA-50 và KF-21). Trong khi đó, quốc gia láng giềng phía Bắc của Peru là Colombia-hiện đang vận hành các máy bay Kfir (do Israel sản xuất) với tuổi đời phục vụ 40 năm-đã bày tỏ quan tâm tới việc nâng cấp các máy bay chiến đấu.
Đối với Paraguay, vì quốc gia này hiện không sở hữu máy bay chiến đấu nên việc mua sắm là đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Paraguay Óscar González cho biết, trong năm 2024, Paraguay đã ký hợp đồng mua 6 chiếc A-29 Super Tucano. Đối với Uruguay, dòng máy bay chiến đấu duy nhất hiện có là A-37B Dragonfly nhưng đã già cỗi. Do đó, năm ngoái, Uruguay đã đặt mua 6 chiếc A-29 Super Tucano trong một hợp đồng mà truyền thông địa phương cho biết trị giá 100 triệu USD, nhằm duy trì năng lực tác chiến của không quân, nhất là đối với các nhiệm vụ tuần tra trên không.
Giới phân tích đánh giá, các động thái nói trên không phải là cuộc chạy đua vũ trang tại Nam Mỹ-khu vực vốn đã tránh được xung đột giữa các quốc gia kể từ năm 1995. Thay vào đó, đây chủ yếu là cuộc đua chống lạc hậu, bởi không quân các quốc gia Nam Mỹ cần hiện đại hóa kho vũ khí cũng như đào tạo nguồn nhân lực để vận hành các công nghệ mới hơn trong khả năng kinh tế của mỗi nước. Do khác biệt về ưu tiên mua sắm và khả năng kinh tế nên các lực lượng không quân tại Nam Mỹ sẽ tiếp tục chủ yếu theo kiểu "đơn thương độc mã", phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài khu vực. "Mặc dù mối đe dọa chiến tranh ở mức thấp song máy bay chiến đấu vẫn đóng vai trò răn đe cũng như hỗ trợ các chiến dịch chống ma túy. Máy bay chiến đấu là một biểu tượng to lớn cho "sức mạnh cứng" của một quốc gia và thể hiện cam kết của chính phủ trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước", nhà nghiên cứu Andre Carvalho tại Đại học Chỉ huy-Tham mưu quân đội Brazil bình luận với Breaking Defense.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.