Cấm sử dụng điện thoại trong trường học: Nhìn từ lợi ích tích cực
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng phương án cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong nhà trường, kể cả trong giờ ra chơi hay các hoạt động giáo dục, trừ khi được giáo viên cho phép. Nếu được thông qua, phương án này sẽ triển khai ngay từ năm học 2025-2026.
Đề xuất nói trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm và đồng tình mạnh mẽ từ phía cha mẹ học sinh, giáo viên, những người trực tiếp chứng kiến ảnh hưởng của điện thoại thông minh tới việc học tập và sức khỏe tâm lý của học sinh. Nhiều người cho rằng đã đến lúc trường học cần trở lại đúng vai trò là nơi tập trung vào học tập, giao tiếp và phát triển toàn diện, thay vì để thiết bị công nghệ chi phối. Phần lớn ý kiến nhận định đây là bước đi cần thiết để bảo vệ sự tập trung và sức khỏe tinh thần của học sinh.
![]() |
Một giờ học của học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). |
Thực tế, đây không phải là chủ trương mới. Từ nhiều năm nay, việc học sinh lạm dụng thiết bị công nghệ trong trường học đã được cha mẹ học sinh, giáo viên và chuyên gia giáo dục cảnh báo. Nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước đã chủ động áp dụng các mô hình quản lý sử dụng điện thoại khác nhau. Có nơi cấm hoàn toàn, có nơi cho phép dùng có kiểm soát. Tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội), em Nguyễn Anh Thy, học sinh lớp 12, cho biết: “Trường em đã thực hiện quy định cấm sử dụng điện thoại trong giờ học từ lâu. Vào buổi sáng, nếu bạn nào mang điện thoại đến lớp sẽ phải đưa cho thầy cô giữ hộ. Từ đầu năm học, nhà trường đã phổ biến kỹ cho học sinh lý do không nên mang điện thoại đến lớp nên tất cả đều hiểu và chấp hành tốt. Trong giờ học, các bạn tập trung nghe giảng, không bị phân tán bởi tin nhắn hay mạng xã hội. Giờ ra chơi, thay vì mỗi người một thiết bị, học sinh chơi cầu lông, đá cầu hoặc trò chuyện trực tiếp”.
Về phía cha mẹ học sinh, anh Nguyễn Thanh Tuấn ở phường Hai Bà Trưng, TP Hà Nội có con đang học lớp 6, cho rằng: “Con tôi còn nhỏ nên việc không được dùng điện thoại ở trường là hoàn toàn hợp lý. Ở độ tuổi này, các cháu chưa đủ khả năng kiểm soát hành vi sử dụng thiết bị. Kể cả khi nhà trường không cấm, tôi cũng không cho cháu mang theo. Ở lứa tuổi tiểu học, điều quan trọng không phải là thiết bị công nghệ mà là sự tập trung vào bài giảng, sách vở và tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè. Khi con lớn hơn, việc sử dụng thiết bị có thể linh hoạt hơn, nhưng vẫn cần được đặt trong khuôn khổ rõ ràng do nhà trường định hướng. Tôi luôn sẵn sàng phối hợp nếu nhà trường có hướng dẫn cụ thể”.
Còn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa (Lạng Sơn), việc học sinh sử dụng điện thoại được nhà trường và cha mẹ thống nhất, không cho các con mang điện thoại đến trường. Quy định này được cha mẹ học sinh rất đồng tình. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Lý Văn Thơ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa cho biết: “Việc học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học để bảo đảm lớp học nghiêm túc, tránh phân tán tư duy. Tuy nhiên, vào những ngày có những môn học cần phải dùng điện thoại như tra cứu bản đồ trong môn Địa lý, tra cứu bài học, hoạt động sáng tạo, nhà trường sẽ thông báo trước cho cha mẹ học sinh và ngày học đó vẫn cho phép các em sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện đúng mục đích”.
Việc cấm điện thoại trong trường học không phải là hành động lạc hậu mà là bước đi đúng đắn để giữ gìn môi trường giáo dục trong sáng, nơi học sinh được hòa đồng, học và kết nối bạn bè, thầy cô tốt nhất. Đó là nơi không gian công nghệ cần được đặt đúng vị trí, phục vụ con người chứ không chi phối con người. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học. Các mô hình giáo dục tiên tiến đều chú trọng xây dựng môi trường học tập không bị chi phối bởi thiết bị cá nhân.
Từ góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc cấm tuyệt đối chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Quan trọng hơn cả là cách sử dụng và định hướng sử dụng. Theo chuyên gia giáo dục, PGS, TS Nguyễn Đức Minh, trong bối cảnh hiện nay, điện thoại không chỉ là thiết bị liên lạc mà còn là công cụ học tập nếu được khai thác đúng cách. Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Đức Minh nhìn nhận: “Tôi cho rằng không nên cấm tuyệt đối mà cần đặt ra giới hạn phù hợp, định hướng rõ ràng cho học sinh được sử dụng khi nào, ở đâu và vào mục đích gì. Quan trọng nhất là giáo viên phải hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại vào những mục đích tích cực. Học sinh ngày nay có nhu cầu sáng tạo cao và khả năng tiếp cận công nghệ rất tốt. Nếu được định hướng đúng, các em hoàn toàn có thể khai thác công nghệ để phục vụ việc học hiệu quả, thay vì bị cuốn vào các nội dung không phù hợp”.
Cấm điện thoại trong trường học là cần thiết, nhưng cần thực hiện với tinh thần thuyết phục, hướng dẫn cụ thể, tạo đồng thuận giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG
Tin mới
Đề xuất quy định hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định pháp luật ngoại thương, thuế, hải quan
Trong dự thảo Luật Thương mại điện tử, Chính phủ đề xuất đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quy định rõ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua nền tảng TMĐT phải tuân thủ pháp luật về ngoại thương, hải quan, thuế và các quy định chuyên ngành. Điều này nhằm bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động thương mại, đồng thời kiểm soát hàng hóa bị cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Ngành Hải quan đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ
Cục Hải quan vừa có văn bản số 15405/CHQ-ĐTCBL yêu cầu các đơn vị trong Ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tấn công, trấn áp tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bắc Ninh: Khởi tố đối tượng buôn bán điện thoại di dộng giả mạo nhãn hiệu Iphone
Ngày 21/7/2025, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội buôn bán điện thoại di động giả mạo nhãn hiệu Iphone trên không gian mạng.
Hội nghị chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới
Ngày 7/7/2025, tại TP. Đà Nẵng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành ở trung ương và Ban Chỉ đạo 389 của 26 tỉnh, thành phố.
Thanh Hóa: Chủ động kiểm soát thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó bão số 3
Thực hiện Công điện 5380/CĐ-BCT ngày 19/7/2025 của Bộ Công Thươngvề việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3; Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 19/7/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025; Công văn số 2175/SCT-QLNL ngày 20/7/2025 của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung ứng phó với bão số 3 (WIPHA).
Nghệ An: Lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng tại xã Nhôn Mai, giao thông bị chia cắt
Khoảng 11 giờ 30 phút trưa 22-7, một trận lũ quét xảy ra tại suối Hỷ, xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An đã gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ khu dân cư bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai.