Cần quyết sách đi vào cuộc sống
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu gỡ vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn, tăng nguồn cung, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm BĐS hợp lý, tăng cường giám sát để tránh "đầu cơ", "thổi giá"... Với những giải pháp được đánh giá là đúng, trúng và cụ thể, các chủ đầu tư và người mua nhà đều đang rất mong chờ nghị quyết sớm đi vào cuộc sống để khơi thông ách tắc cho thị trường BĐS.
Mong sớm ban hành chương trình hỗ trợ
Nhìn nhận Nghị quyết 33 đã đánh giá chính xác tình hình thị trường BĐS hiện nay, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), điều quan trọng nhất là nghị quyết đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nghị quyết của Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, trúng và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp BĐS. Bên cạnh đó, nghị quyết nhấn mạnh, khi thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư phát triển hệ sinh thái BĐS công nghiệp, BĐS dịch vụ, du lịch và nhà ở đô thị để hài hòa cung và cầu; nhà ở phải có người ở, muốn có người ở thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh, hệ thống kết cấu hạ tầng. Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Nhiều dự án bất động sản tập trung tại khu vực phía Tây Hà Nội.Ảnh: TUẤN ANH |
Cùng với việc Nghị quyết 33 được ban hành, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cũng đang gấp rút trình Chính phủ những chương trình tháo gỡ. Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, càng sớm ban hành chương trình hỗ trợ càng tốt để gỡ những điểm nghẽn cho các dự án cơ bản hoàn thành thủ tục, đã đền bù giải phóng mặt bằng, tức là có đất sạch nhưng vẫn còn một số vướng mắc như cấp phép hay các quy định khác, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính. "Hiện nay, nhiều dự án chỉ chờ phê duyệt nghĩa vụ tài chính là có thể khởi công ngay. Đây là một trong những vấn đề đang rất khó khăn mà các địa phương cần tháo gỡ để kích hoạt nguồn cung thông qua các dự án BĐS được khởi công hay mở bán", ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ. Đối với doanh nghiệp, cần có các phương án cấu trúc lại dòng sản phẩm để thị trường dễ hấp thụ, có dòng tiền cho doanh nghiệp khởi động trở lại.
Khơi thông dòng vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Tăng thanh khoản, khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng tại Nghị quyết 33. Trong đó, nghị quyết đề xuất triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước. Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, đây là "liều thuốc bổ" có giá trị đối với thị trường, cần có những quy định cụ thể để triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong đó nêu rõ nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn này. "Ngoài phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân cũng cần lưu ý những dự án BĐS đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn. Nếu được giải tỏa sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường. Doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp chuyên về phát triển nhà ở cao cấp bởi đây là sản phẩm bền vững, ổn định", ông Nguyễn Văn Đính đề xuất.
Ngoài nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp BĐS cũng rất quan tâm đến kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2023, lượng trái phiếu BĐS đáo hạn là hơn 119.000 tỷ đồng. Năm 2024, có khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp BĐS đáo hạn. Khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại đang thiếu thanh khoản, đói vốn. Nghị quyết 33 nhấn mạnh giải pháp: Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS, tổ chức tín dụng liên quan đến doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phát hành không có tài sản bảo đảm. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP Invest) nhìn nhận, niềm tin vào thị trường trái phiếu đang sụt giảm, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải tính đến sức khỏe của mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ nên gánh 40kg mới có thể đi được đường dài. TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khuyến nghị doanh nghiệp BĐS trước khi nói về đáo hạn trái phiếu, phát hành trái phiếu riêng lẻ... cần cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu lại nguồn tài chính. Trong đó nên quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Việc tái cơ cấu tài chính, trái phiếu doanh nghiệp là cơ hội để xử lý vướng mắc, củng cố, xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư và thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Nên đột phá về hành lang pháp lý
Theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, hiện 65% khó khăn của các doanh nghiệp BĐS đến từ vướng mắc chính sách, pháp lý; 20% từ nguồn vốn và 15% từ các yếu tố thị trường, doanh nghiệp. Như vậy có thể thấy, vướng mắc pháp lý chiếm phần lớn trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Nghị quyết 33 cũng nêu rõ, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, BĐS bảo đảm đồng bộ, khả thi. Theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chính phủ đã có những bước đi ngắn hạn và dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, giúp giảm bớt khó khăn và cơ hội phục hồi thị trường ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung xử lý các vướng mắc về thể chế, trong đó có việc trình Quốc hội sửa đổi một số luật liên quan đến thị trường BĐS là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế bởi đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường BĐS. Dư địa về cải cách thể chế, pháp lý là rất lớn, cho nên đây là vấn đề cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời. TS Vũ Tiến Lộc đề nghị, cần rà soát toàn bộ dự án BĐS đang thực hiện để tìm ra được những dự án tốt và khắc phục tình trạng chậm trễ trong triển khai dự án do vướng mắc về thủ tục hành chính.
MẠNH HƯNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.