Chăm lo bồi đắp giá trị văn hóa tốt đẹp cho quân nhân
Thấm nhuần sâu sắc quan điểm Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”, những năm qua Sư đoàn 316 (Quân khu 2) có nhiều việc làm thiết thực góp phần bồi đắp nhân cách văn hóa tốt đẹp cho quân nhân trong đơn vị. Để hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Duy Chinh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316.
Phóng viên (PV): Một trong những cảnh đẹp ấn tượng với nhiều người khi tham quan khuôn viên Sở chỉ huy Sư đoàn 316 là “Đồi cây tri ân”. Thông điệp từ đồi cây này là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Đỗ Duy Chinh: Đây là ý tưởng chung của tập thể lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 316. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy quả đồi phía sau khu vực sở chỉ huy có địa thế thuận lợi, chỉ huy Sư đoàn đã quyết định đầu tư cải tạo, biến nơi đây thành một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời là nơi để cán bộ, chiến sĩ tham quan, học tập, vui chơi, giải trí và giáo dục truyền thống lịch sử của đơn vị.
Đại tá Đỗ Duy Chinh. |
“Đồi cây tri ân” không chỉ là nơi trồng cây lưu niệm của cán bộ chỉ huy và cơ quan Sư đoàn qua các thời kỳ lịch sử, mà còn là địa điểm để chiến sĩ đơn vị hết thời hạn phục vụ tại ngũ trồng cây lưu niệm và tổ chức các hoạt động chia tay đồng đội. Đây cũng là địa điểm nghỉ ngơi cuối tuần để bộ đội tham gia, thưởng thức các hoạt động giải trí lành mạnh như đọc sách báo, nghe nhạc, xem truyền hình, truy cập internet, chơi cờ tướng, cờ vua hay ngồi bên nhau nhâm nhi ly cà phê, uống chén trà nóng... Có thể nói, “Đồi cây tri ân” vừa như một “cánh tay nối dài” Phòng truyền thống của Sư đoàn 316, vừa như một “bảo tàng cây xanh” lưu giữ những tình cảm, tấm lòng và kỷ niệm quân ngũ của tất cả những ai từng gắn bó với đơn vị.
PV: Ngoài “Đồi cây tri ân” là một mô hình sáng tạo nhằm chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống cho bộ đội, được biết Sư đoàn 316 đã có nhiều việc làm ý nghĩa để góp phần xây dựng nhân cách văn hóa cho quân nhân. Đồng chí có thể nói rõ hơn về những việc làm này?
Đại tá Đỗ Duy Chinh: Để xây dựng nhân cách văn hóa cho quân nhân, Sư đoàn 316 đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 355-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về "Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học nghệ thuật trong Quân đội giai đoạn hiện nay"; triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng ở đơn vị về thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/TW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới.
Các đơn vị trong Sư đoàn có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để bộ đội ngày càng thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, như: Xây dựng video clip, file âm thanh tôn vinh phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; “Mỗi tuần một câu chuyện về Bác Hồ”; “Mỗi tuần một lời dạy của Bác”; “Mỗi ngày làm một việc tốt”; “Câu lạc bộ tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc”, “5 phút lắng đọng”...
Nhận thức văn hóa ứng xử có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện, xây dựng nhân cách văn hóa quân nhân, Sư đoàn đã nuôi dưỡng, duy trì thực hiện phong trào “Lối sống văn hóa trong đơn vị”. Tất cả đầu mối từ trung đội trở lên đã đăng ký thực hiện 5 nội dung văn hóa ứng xử, gồm: Lời nói có văn hóa, ứng xử có văn hóa, sử dụng điện thoại có văn hóa, nếp sống có kỷ luật, xây dựng gia đình có văn hóa.
Tiết mục của đội văn nghệ quần chúng chào mừng Ngày truyền thống Sư đoàn 316.Ảnh: VŨ HÙNG |
PV: Để văn hóa thấm sâu vào đời sống, sinh hoạt, công tác của bộ đội, Đảng ủy Sư đoàn 316 đã làm gì để phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc lan tỏa “văn hóa nêu gương”?
Đại tá Đỗ Duy Chinh: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu của người cộng sản”. Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người còn khẳng định: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về 3 mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa”.
Thấm nhuần sâu sắc lời Bác Hồ dạy, thời gian qua, Sư đoàn đã chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Văn hóa nêu gương của cán bộ không chỉ thể hiện ở việc “3 cùng, 2 trước, 2 sau”, (“3 cùng” với chiến sĩ là: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm; “2 trước” là: Dậy trước, làm trước; “2 sau” là: Về sau, ngủ sau), mà còn thực hiện “3 đồng hành, 1 mục tiêu” (“3 đồng hành” là: Đồng hành trong chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, cùng nhau khắc phục khó khăn; đồng hành trong học tập nâng cao bản lĩnh, trình độ, kiến thức và khả năng thực hiện nhiệm vụ; đồng hành trong nâng cao sức khỏe, thể chất và đời sống văn hóa tinh thần) để thực hiện “1 mục tiêu” là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tôi cho rằng, việc chú trọng chăm lo xây dựng nhân cách văn hóa cho quân nhân không chỉ là sự kế thừa, phát huy truyền thống của đơn vị, mà còn lan tỏa những giá trị tích cực đến việc xây dựng nếp sống, môi trường văn hóa lành mạnh trong Sư đoàn. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để góp phần xây dựng Đảng bộ Sư đoàn trong sạch, vững mạnh, xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
ĐỨC THIỆN (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.