Châu Âu 2024: Trong muôn vàn âu lo
Năm 2024, châu Âu chứng kiến sự chuyển dịch chính trị rõ nét khi các đảng cánh hữu liên tiếp giành ưu thế trong các cuộc bầu cử quan trọng. Trong số đó, bầu cử Nghị viện châu Âu được coi là cuộc bầu cử then chốt quyết định hướng phát triển của châu Âu trong những năm tiếp theo.
Kết quả bầu cử với chiến thắng vang dội của các đảng trung hữu, cực hữu cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của các đảng cánh hữu cấp tiến, trong bối cảnh cử tri nhiều nước châu Âu cảm thấy bị bỏ rơi, phải tự lo cho mình, từ đó ngày càng bất mãn với các chính phủ hiện hành. Tình hình diễn ra tương tự trong các cuộc bầu cử quốc gia tại nhiều nước như Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha... Xu thế phổ biến là sự ủng hộ dành cho các đảng chính trị chính thống giảm sút, sự ủng hộ đối với phe cực hữu tăng lên, hệ thống đảng phái châu Âu tiếp tục chia rẽ ở cấp độ quốc gia và trong toàn khối Liên minh châu Âu (EU).
![]() |
Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Tại Pháp, chiến thắng gây chấn động của Đảng Tập hợp Quốc gia của đối thủ Marine Le Pen tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu làm xói mòn uy tín Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron, khiến ông đột ngột đưa ra quyết định giải tán Quốc hội, tổ chức bầu cử sớm. Dường như người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu đã không lường hết những hệ lụy của quyết định vội vã này: Chính trường Pháp lún sâu trong khủng hoảng với một quốc hội “treo”; nền kinh tế tiếp tục ngụp lặn trong khó khăn chồng chất, với mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao kỷ lục. Nếu không có những giải pháp căn cơ triệt để, “Gà trống Gaulois” đang đứng trước nguy cơ thế chỗ Hy Lạp năm nào trong căn bệnh trầm kha mang tên nợ công. Chỉ trong năm 2024, nước Pháp đã phải thay đến 4 vị thủ tướng và mong muốn đưa nền chính trị Pháp vào quỹ đạo ổn định dường như vẫn còn quá xa vời.
Bất ổn chính trị ở Pháp làm suy yếu thêm EU - vốn đang chao đảo vì sự sụp đổ của chính phủ liên minh “đèn giao thông” tại Đức, sau khi Thủ tướng Olaf Scholz (Đảng SPD) sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (Đảng FDP) trong một cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tháng về cách lấp đầy khoản lỗ hàng tỷ euro trong ngân sách quốc gia. Để đáp trả, FDP rút khỏi liên minh cầm quyền, khiến liên minh này mất thế đa số trong Quốc hội Đức. Hậu quả là Thủ tướng Olaf Scholz phải đối mặt và đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mở đường cho bầu cử sớm vào tháng 2-2025. Họa vô đơn chí, giữa bất ổn chính trị, Đức còn phải vật lộn với những thách thức ngày càng gia tăng đe dọa vị thế cường quốc kinh tế số 1 châu Âu: Cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư; công nghiệp Đức chưa kịp phục hồi sau khi mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga; ngành sản xuất ô tô-mũi nhọn của kinh tế Đức-tiếp tục vật lộn trong lĩnh vực xe điện và “mất thế thượng phong” vào tay các đối thủ cạnh tranh đáng gờm đến từ Mỹ, Trung Quốc. Khi chỉ còn hơn chục ngày nữa là năm 2024 kết thúc, vụ lao xe vào chợ Giáng sinh ở Magdeburg khiến 5 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương đã gây sốc cho người dân Đức. Các thông tin truyền bá sai lệch về thủ phạm gây phẫn nộ dư luận, kích động xu hướng chống người nhập cư, châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối đảng cầm quyền với cáo buộc giới lãnh đạo nước này đã thất bại trong việc bảo vệ cuộc sống người dân.
Thông tin sai lệch trên mạng xã hội cũng là nguyên nhân nhấn nước Anh chìm trong một mùa hè bạo loạn. Các cuộc bạo loạn diễn ra sau thông tin sai lệch về vụ đâm dao ở Southport khiến 3 bé gái thiệt mạng lan truyền trên mạng, kích động những kẻ quá khích đốt phá cửa hàng, nhà thờ Hồi giáo, khách sạn tiếp nhận người tị nạn... Nguyên nhân được cho không chỉ xuất phát từ hành vi bạo lực đơn thuần, mà sâu xa hơn, là sự bất mãn trong xã hội, sự thất vọng đối với cách điều hành của chính phủ và tình trạng xã hội hiện tại, đặc biệt khi đảo quốc sương mù đang căng mình đối phó với khủng hoảng di cư. Bạo loạn diễn ra chỉ vài tuần sau khi lãnh đạo Công đảng Keir Starmer nhậm chức Thủ tướng Anh sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện, chấm dứt 14 năm lãnh đạo đầy biến động của Đảng Bảo thủ, để lại những “di sản” không mong đợi, bao gồm một nền kinh tế tăng trưởng yếu, năng suất kém, đầu tư thấp, nợ công và thuế cao kỷ lục, trong khi mức sống của người dân sụt giảm.
Năm 2024 đánh dấu chiến thắng vang dội của đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới, với tỷ lệ phiếu bầu cao kỷ lục. Bất chấp hàng nghìn lệnh cấm vận khắc nghiệt của phương Tây, kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng bứt phá. Trong khi đó, cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang thời kỳ chiến tranh tiêu hao, trở thành “cỗ máy nghiền vũ khí” khi những khối viện trợ vũ khí, quân sự khổng lồ của Mỹ và EU dồn cho Ukraine như muối bỏ biển, mà thất bát vẫn hoàn thất bát. Năm 2024 cũng đánh dấu sự đảo ngược trong thái độ đối với vấn đề Ukraine, khi nhiều người dân châu Âu bày tỏ sự bi quan và mệt mỏi về cuộc xung đột. Tại chính các quốc gia láng giềng như Ba Lan, Hungary, Bulgaria vốn từng bày tỏ “sự đoàn kết phi thường” với Ukraine hồi đầu cuộc chiến, nay tinh thần người dân dao động, thậm chí nhiều người tỏ ra khó chịu khi “gánh nặng san sẻ cơm áo” với người tị nạn Ukraine chưa biết bao giờ mới trút bỏ được, trong lúc thị trường nội địa thì tràn ngập ngũ cốc giá rẻ và các sản phẩm miễn thuế từ Ukraine, đẩy nông nghiệp, nông dân địa phương và các ngành sản xuất trong nước rơi vào thế khó...
Sự kiện ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng khiến châu Âu-dù có tính đến tình huống này, song vẫn không tránh khỏi chao đảo. Chưa nhậm chức, song Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không ngại ngần hé lộ ý định khơi mào một cuộc chiến thương mại ngay với chính các đồng minh châu Âu, trong đó Mỹ có thể áp thuế 20% cho tất cả mặt hàng nhập khẩu từ EU như một biện pháp giúp Washington cắt giảm thâm hụt thương mại. Các nước EU sẽ phải “cắn răng” tăng nhập khẩu dầu và khí đốt giá cao của Washington, nếu không muốn đối mặt với mức thuế ngất ngưởng cho hàng hóa EU xuất khẩu sang Mỹ.
Trong bối cảnh đó, châu Âu đón năm mới trong muôn vàn âu lo. Rõ ràng, chỉ khi phục hồi sức mạnh kinh tế, củng cố nội lực, đoàn kết nội bộ, châu Âu mới có thể khôi phục uy tín, vị thế và tiếng nói trong các vấn đề quốc tế.
HÀ PHƯƠNG
Tin mới
Hà Nội lần đầu công bố điểm chuẩn và điểm thi lớp 10 cùng lúc
Năm 2025, lần đầu tiên Hà Nội sẽ công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 cùng một thời điểm để giảm áp lực chờ đợi điểm chuẩn, kết quả trúng tuyển cho học sinh.
Trường Sĩ quan Thông tin Khai mạc chương trình tự học tiếng Anh giao tiếp
Chiều 10-4, Trường Sĩ quan Thông tin tổ chức khai mạc chương trình tự học tiếng Anh giao tiếp cho toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên trong trường. Đại tá Lê Xuân Hùng, Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì khai mạc.
Lâm Đồng: Nhanh chóng dập tắt đám cháy ở kho chứa gốm sứ
Vào khoảng 10 giờ ngày 10-4, ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã xảy ra cháy ở căn nhà sử dụng làm kho chứa đồ gốm sứ trong khu vực dân cư.
Hàng triệu người trên thế giới có thể tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện mỗi năm
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030 do Bộ Y tế tổ chức ngày 10-4.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon
Sáng 10-4, theo đề nghị của phía New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon để trao đổi về quan hệ hai nước và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Sân bay Nội Bài tăng 17 bậc trong Top 100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2025
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài được xếp hạng Top 100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2025. Đây là lần thứ 7 sân bay Nội Bài nằm trong bảng xếp hạng này, tăng 17 bậc so với năm 2024.