Châu Âu chia rẽ vì năng lượng hạt nhân
Mới đây, 11 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) do Pháp đứng đầu đã tuyên bố tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự để phát triển các dự án mới, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Đức, Áo, Luxembourg và Tây Ban Nha.
Trong tuyên bố đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, liên minh 11 nước gồm: Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia đã nhất trí “ủng hộ các dự án mới” ngoài các nhà máy hạt nhân hiện có. Tuyên bố nhấn mạnh năng lượng hạt nhân là một trong nhiều công cụ giúp đạt được những mục tiêu về khí hậu, sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như bảo đảm an ninh nguồn cung.
Để thành lập liên minh trên, “trong những tháng gần đây, Pháp đã vận động hành lang và có các thỏa thuận đặc biệt”, Tạp chí La Tribune tiết lộ. Theo tạp chí trên, tình huống này không phải là lần đầu. Vào những năm 50 của thế kỷ 20, trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kênh đào Suez và giá dầu tăng cao, Pháp đã thúc đẩy hợp tác năng lượng hạt nhân ở châu Âu nhằm bảo đảm khả năng tự cung, tự cấp. Nhờ đó, năm 1957, Hiệp ước Euratom nổi tiếng đã ra đời, chấp nhận việc tập trung các nguồn lực để phát triển công nghệ này ở các quốc gia thành viên.
Nhà máy điện hạt nhân Bugey tại Saint-Vulbas, tỉnh Ain (Pháp). Ảnh: AFP |
66 năm sau, không khí lại sôi động trở lại. Paris cho rằng, năng lượng hạt nhân có thể giúp Pháp và châu Âu đạt được những mục tiêu khí hậu, đặc biệt là sản xuất hydro “xanh” cho lĩnh vực vận tải, công nghiệp. Vì vậy, với lý do để bảo đảm “an ninh nguồn cung” cũng như “đạt được các mục tiêu khí hậu”, Pháp đang chuẩn bị cho việc quay trở lại của hạt nhân dân sự ở châu Âu. Nước này luôn tích cực tìm kiếm đồng minh trong 27 quốc gia EU để tạo đối trọng trong những cuộc đàm phán với các nước láng giềng không ủng hộ cho nguồn điện carbon thấp này, trong đó đứng đầu là Đức và Tây Ban Nha.
Ở bình diện quốc gia, vào tháng 2-2022, Chính phủ Pháp đã thông báo việc khởi động lại các hoạt động hạt nhân trên lãnh thổ, thông qua việc “kéo dài lâu nhất có thể” hoạt động của các lò phản ứng hiện có và xây dựng các lò phản ứng mới. “Trong khu vực EU, đại diện của Pháp ở Brussels cũng đã rất tích cực tiến hành vận động hành lang với mục đích cụ thể: Đạt được sự công nhận năng lượng hạt nhân là dạng năng lượng carbon thấp, nguồn năng lượng bền vững, từ đó bảo đảm một tương lai cho nguồn năng lượng này cũng như các nguồn tài trợ”, La Tribune cho hay.
Thúc đẩy hợp tác năng lượng hạt nhân của Pháp đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước thành viên EU. Cuối năm ngoái, các nhà lãnh đạo Hà Lan đã công bố ý định xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới. Phần Lan cũng hoàn toàn ủng hộ nguồn năng lượng này. Tuy chưa bày tỏ thái độ nhưng Thụy Điển có ý định khởi động lại chương trình hạt nhân. Ngay từ đầu tháng 1-2023, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson thông báo nước này đang soạn thảo dự luật cho phép xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân để tăng cường sản xuất điện và an ninh năng lượng. Mặc dù dự thảo luật mới cần được Quốc hội thông qua nhưng đây được xem là động thái mở đường của Thụy Điển cho việc hợp tác với Pháp để xây dựng hai lò phản ứng tiếp theo...
Tuy nhiên, phát triển năng lượng hạt nhân tại châu Âu đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Đức, Áo, Luxembourg và Tây Ban Nha. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ủng hộ việc chấm dứt hoạt động của các nhà máy năng lượng hạt nhân. Ông cho rằng, việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân sẽ tốn kém, thậm chí còn khó thực hiện hơn tiến trình phát triển năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Luxembourg, ông Claude Turmes khẳng định nếu muốn chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nước cần hành động nhanh chóng, trong khi các nhà máy hạt nhân mất tới 15 năm để xây dựng.
Liệu EU có nguy cơ bị chia thành hai khối đối lập nhau về vấn đề chuyển đổi năng lượng trong khu vực? Trong những thời điểm không chắc chắn như thế này, sự thống nhất của EU dường như đang bị đe dọa.
BÌNH NGUYÊN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.