Châu Âu tìm cách tham gia đàm phán hòa bình Ukraine
Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ không được tham gia vào tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine vốn đang có nhiều triển vọng được nối lại sau những nỗ lực của Nga và Mỹ gần đây. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng không chịu ngồi im để bị "gạt ra rìa" vì tiến trình quan trọng này được cho là có thể định hình tương lai an ninh châu Âu.
Điều khiến châu Âu lo ngại khi tiến trình đàm phán diễn ra mà không có vai trò của mình là chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ chấp nhận nhiều nhượng bộ với Nga để đạt được lệnh ngừng bắn nhanh nhất có thể, khiến lợi ích và an ninh của châu Âu bị ảnh hưởng.
Theo nhà nghiên cứu về Nga và Âu-Á Nigel Gould-Davies, tại Viện Quốc tế về nghiên cứu chiến lược (IISS), châu Âu lo lắng vì không thể góp phần thiết lập một thỏa thuận tiềm tàng, trong khi lục địa này là bên sẽ phải gánh chịu những tác động từ kết quả đàm phán. Theo CNN, trong khi chỉ đàm phán với Nga, nhưng Mỹ lại muốn châu Âu thực thi và bảo đảm cho bất kỳ thỏa thuận nào mà Washington thiết lập được.
![]() |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón các nhà lãnh đạo châu Âu tới dự cuộc họp khẩn tại Paris ngày 17-2. Ảnh: AFP |
Trong suốt 3 năm diễn ra cuộc xung đột Ukraine, châu Âu và Mỹ chung lập trường đối phó với Nga, nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 17-2 đã có cuộc họp khẩn tại Pháp nhằm bàn cách thích ứng trước thực tại mới trong quan hệ với Mỹ, đồng thời phát thông điệp rằng họ cần được tham dự vào tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine. Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến sẽ tới Washington vào tuần tới để thảo luận với Tổng thống Donald Trump về “những điều châu Âu coi là yếu tố then chốt để có hòa bình lâu dài”.
Một loạt động thái của Mỹ khiến châu Âu thấy cần phải tìm cách cứu vãn tình thế này và nhất là làm sao để chứng minh được mình là một “đối tác có giá trị” của Washington trong vấn đề Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuần trước nói việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “không thực tế” và an ninh châu Âu không còn là ưu tiên đối với Mỹ. Việc Tổng thống Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình Ukraine mà không báo trước cho các đồng minh châu Âu cũng là một dấu hiệu cho thấy sự lạnh nhạt khó hiểu của Washington. Trong khi đó, Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine Keith Kellogg sau đó nói rằng châu Âu sẽ không tham gia đàm phán về xung đột.
Theo Tổng thư ký NATO Mark Rutte, nếu muốn tham gia đàm phán, châu Âu cần đưa ra những đề xuất tốt cho hòa bình Ukraine. Tại cuộc họp khẩn ở Paris nói trên, một trong những vấn đề được thảo luận là việc nhiều bên “muốn đưa binh sĩ đến Ukraine thời hậu chiến” và kêu gọi Mỹ hỗ trợ nỗ lực này. Giới phân tích đánh giá, dường như châu Âu muốn thu hút sự chú ý từ Washington thông qua động thái này.
Trong khi đó, Nga cũng không mấy mặn mà việc châu Âu tham gia vào tiến trình đàm phán về hòa bình Ukraine. Theo Kyiv Post, Nga đã nêu điều kiện để châu Âu có thể tham gia tiến trình thương lượng nhằm mang lại hòa bình cho Ukraine, đó là phải ngừng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng, hiện tại vẫn còn quá sớm để bàn về khả năng Liên minh châu Âu (EU) tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai về xung đột ở Ukraine.
Tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine mới chỉ manh nha sau cuộc hội đàm cấp ngoại trưởng giữa Nga và Mỹ ở Saudi Arabia. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hai bên đã nhất trí chỉ định các nhóm cấp cao tương ứng để bắt đầu làm việc về lộ trình chấm dứt xung đột Nga-Ukraine sớm nhất có thể. Với các động thái phớt lờ châu Âu vừa qua của chính quyền Tổng thống Donald Trump, châu Âu sẽ khó có thể tham gia tiến trình đàm phán, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, trước những lo ngại của châu Âu và cả Ukraine về nỗ lực nối lại đàm phán về hòa bình Ukraine do Mỹ dẫn đầu, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, mục tiêu của Washington là một thỏa thuận có thể chấp nhận được đối với tất cả những bên liên quan, gồm cả Ukraine và các đối tác châu Âu, tất nhiên là cả phía Nga. Ông Rubio khẳng định không bên nào “bị gạt ra ngoài lề” và sẽ có thời điểm EU cần tham gia tiến trình vì họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột.
XUÂN PHONG
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.