Chính phủ Canada và Google đạt thỏa thuận "lịch sử"
Chính phủ Canada và "gã khổng lồ" Google đã đạt được thỏa thuận giải quyết những tranh cãi liên quan tới đạo luật tin tức trực tuyến, hay còn gọi là C-18.
C-18 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 19-12 tới, yêu cầu các “gã khổng lồ” công nghệ như Meta và Google phải đàm phán với nhiều hãng tin tức Canada về việc trả phí cho nội dung các tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình.
Tân Hoa xã ngày 30-11 đưa tin, trong một thông báo, Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge nhấn mạnh thỏa thuận mới đạt được sẽ mang lại lợi ích cho các hãng tin tức Canada, đồng thời cho phép Google tiếp tục "đóng vai trò quan trọng" trong việc giúp người dân tại xứ sở lá phong tiếp cận những nội dung tin tức đáng tin cậy.
Theo thỏa thuận, Google sẽ thanh toán số tiền 100 triệu CAD (khoảng 74 triệu USD) mỗi năm cho các hãng tin tức Canada đối với nội dung những tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình.
![]() |
Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge gọi thỏa thuận với Google là "mang tính lịch sử". Ảnh: AP |
Trong khi đó, AFP dẫn lời Bộ trưởng St-Onge, gọi đây là một thỏa thuận "mang tính lịch sử". "Trong hơn một thập niên qua, các hãng tin tức đã gặp khó khăn do sự xuất hiện của những nền tảng số lớn như Google. Tại Canada, gần 500 hãng tin tức đã đóng cửa, hàng nghìn nhà báo mất việc làm. Thỏa thuận sẽ thiết lập một mối quan hệ thương mại công bằng hơn giữa các nền tảng số và các hãng tin tức tại Canada", Bộ trưởng St-Onge nêu rõ.
Đánh giá về thỏa thuận mới đạt được với Google, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng nó sẽ "tạo tiếng vang" tới những quốc gia "nơi mà các hãng tin tức đang phải đối mặt với cùng thách thức" giống như tại Canada. Chủ tịch Hiệp hội các nhà báo Canada Brent Jolly nhấn mạnh thỏa thuận "chắc chắn là một kết quả tốt đẹp".
C-18 được cho là tương tự với Luật Đàm phán truyền thông vốn được Quốc hội Australia thông qua hồi năm 2021. Đây được xem là một “tiền lệ thay đổi” về mối quan hệ giữa các hãng tin tức và các “gã khổng lồ” công nghệ, đưa Australia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép cơ quan trọng tài của chính phủ quyết định mức phí mà các “ông lớn” này phải bỏ ra nếu như những nỗ lực đàm phán thương mại với các hãng tin tức địa phương không đạt kết quả.
Mặc dù vậy, so với khi còn là dự thảo, Luật Đàm phán truyền thông của Australia đã được thay đổi một số điều khoản theo chiều hướng “mềm mỏng” hơn sau khi bất đồng giữa Canberra và “gã khổng lồ” Facebook (khi đó chưa đổi tên thành Meta) lên tới đỉnh điểm, khiến người dùng tại Australia không thể xem hoặc chia sẻ tin tức của các hãng tin tức địa phương lẫn quốc tế trên nền tảng mạng xã hội này.
Theo AFP, số tiền 100 triệu CAD/năm theo thỏa thuận với Google là ít hơn so với những gì mà Chính phủ Canada dự tính ban đầu. Global News cho biết Ottawa từng ước tính C-18 có thể buộc Google phải trả 172 triệu CAD/mỗi năm cho các hãng tin tức địa phương và con số đối với Meta là 62 triệu CAD/mỗi năm. Trong bối cảnh đó, CTV News dẫn lời Bộ trưởng St-Onge khẳng định Chính phủ Canada "hoàn toàn không hề nhượng bộ" khi đàm phán thỏa thuận với Google; khẳng định Ottawa có quyền xem xét lại thỏa thuận với Google nếu như "các thỏa thuận tốt hơn đạt được ở nơi nào khác trên thế giới".
Trong khi Google đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Canada, Meta vẫn cáo buộc C-18 "sai sót cơ bản". Để phản đối C-18, Meta đã ngừng cho phép người dùng tại Canada truy cập tin tức trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram từ tháng 8 năm nay.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
Sáng 20-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 67/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia
Sáng 19-5, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 / 2-9-2025). Cùng đi có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng cầu Tứ Liên, Hà Nội
Sáng 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa, TP Hà Nội.
Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Sáng 19-5, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu
Ngày 14/5/2025 Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm Buôn bán hàng hóa (mỹ phẩm) giả mạo nhãn hiệu, Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) nhập lậu, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 47 triệu đồng.