Cơ cấu lại, đưa VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả
Chiều 12-7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp cho ý kiến về tình hình hoạt động, công tác cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2016-2020, phương hướng cơ cấu lại đến năm 2025 và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch VNPT Tô Dũng Thái, giai đoạn 2016-2020, lợi nhuận của Tập đoàn đạt trên 29,9 nghìn tỷ đồng, bằng 118,5% kế hoạch. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân giai đoạn đạt 9,4%, bằng 119,1% mục tiêu giai đoạn. Doanh thu gần 274,3 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2018-2020, VNPT đã hoàn thành thoái vốn 9 doanh nghiệp, thu về 857,53 tỷ đồng, lợi nhuận thu được là 302,71 tỷ đồng. Doanh thu công nghệ thông tin của Tập đoàn liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 20 - 30%; tái cơ cấu triệt để hoạt động kinh doanh quốc tế thông qua việc cơ cấu lại hoạt động của Công ty Viễn thông quốc tế.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về cơ cấu lại VNPT. |
Mục tiêu cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng và phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, hiện đại có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế. VNPT trở thành tập đoàn công nghệ điều hành quản trị trên môi trường số, lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo, sở hữu và khai thác nền tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia, tiên phong nghiên cứu làm chủ công nghệ số. Tăng trưởng doanh thu viễn thông - công nghệ thông tin, trong đó tỷ trọng doanh thu dịch vụ số đến năm 2025 đạt 26% doanh thu viễn thông, công nghệ thông tin.
Tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2021 - 2025 đạt 300.549 tỷ đồng, tăng bình quân 6,0%/năm. Tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 32.883 tỷ đồng, tăng bình quân 5,0%/năm. Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đạt 25.313 tỷ đồng, tăng bình quân 2,7%/năm…
Phương án cơ cấu lại là giữ nguyên vốn điều lệ của VNPT giai đoạn 2021-2025 là 72.237 tỷ đồng. Tập trung vào cơ cấu lại vốn, tài sản, tài chính theo hướng giảm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tập trung thoái vốn có trọng tâm, trọng điểm theo mức độ ưu tiên. Điều hành, quản trị dòng tiền hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, đổi mới quản trị doanh nghiệp số theo thông lệ quốc tế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đổi mới quản trị nguồn nhân lực, tiếp tục chuyển đổi số nội bộ; cơ cấu lại khối cổ phần; sắp xếp lại và chọn lọc đầu tư ra nước ngoài.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN. |
Đáng chú ý, VNPT đề xuất phương án sáp nhập VNPT - Vinaphone và VNPT - Media vào công ty mẹ Tập đoàn để nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò dẫn dắt của Tập đoàn đối với các đơn vị, đồng bộ địa bàn tối ưu hóa sử dụng nguồn lực tại 63 tỉnh, thành phố trên môi trường số. Theo phương án này, doanh thu của Công ty mẹ Tập đoàn có thể tăng thêm khoảng 10.000 - 14.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ Tập đoàn có thể ngay lập tức tăng thêm khoảng 1.400 - 1.800 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, tổ chức lại nguồn lực của VNPT (Viễn thông tỉnh) và VNPT-Vinaphone (Trung tâm Kinh doanh tỉnh) trên địa bàn cấp tỉnh, thành một đơn vị để rút ngắn quy trình đưa sản phẩm ra thị trường; phẳng hóa tổ chức; nâng cao trải nghiệm khách hàng về dịch vụ cốt lõi và dịch vụ số thông suốt trong một đầu mối; tận dụng hiệu quả của chuyển đổi số để giảm lực lượng gián tiếp; tối ưu nguồn lực địa bàn bằng công cụ số. Hình thành Trung tâm dùng chung nguồn lực trên quy mô toàn Tập đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động. Rà soát, tinh gọn khối quản lý của VNPT.
VNPT đề xuất tiếp tục nắm giữ vốn tại 14 công ty con, công ty liên kết khác; thoái vốn triệt để tại 41 doanh nghiệp.
Ngoài các ngành nghề kinh doanh viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, các dịch vụ số hiện tại, VNPT đề xuất bổ sung ngành nghề dịch vụ tài chính số, Mobile Money (đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm và công ty con của VNPT đã triển khai thí điểm); hoạt động nghiên cứu khoa học để triển khai các ứng dụng công nghệ 5G, IoT, Big Data, Al... trong các lĩnh vực ngành nghề khác như y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp...
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã cho ý kiến vào đề án cơ cấu lại Tập đoàn, đặc biệt là căn cứ pháp lý cho việc sáp nhập công ty con và công ty mẹ Tập đoàn. Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, đề án cơ cấu lại VNPT đã đáp ứng đầy đủ nội dung của Chiến lược quy hoạch ngành. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp chủ lực, chủ chốt là cần thiết.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá kết quả cơ cấu giai đoạn 2016-2020 của VNPT có nhiều điểm tích cực nhưng cũng có một số nội dung chưa đạt mục tiêu đề ra. Phó thủ tướng cho rằng, những kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn gắn với xu thế phát triển về chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là đáng ghi nhận.
Sự phát triển của tập đoàn có ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Do đó, đề án cơ cấu lại giai đoạn đến năm 2025, phải nhấn mạnh đến mục tiêu đưa VNPT trở thành tập đoàn mạnh, có những sản phẩm trí tuệ nhân tạo hàng đầu, cạnh tranh được với các nước trên thế giới. Muốn đạt được mục tiêu đó, phải cơ cấu lại từ vốn, quản trị, quản lý nhà nước….
Phó thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VNPT xây dựng đề án cơ cấu lại giai đoạn đến năm 2025 sát với tình hình thực tế, gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư 5 năm, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ được giao (trước ngày 15-7).
Đối với đề xuất sáp nhập công ty con vào công ty mẹ, Phó thủ tướng đồng ý với ý kiến của các bộ, ngành, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn VNPT thực hiện theo trình tự thủ tục của Luật Doanh nghiệp. Căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp để xác định doanh nghiệp nào phải giữ vốn, thoái vốn.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải tạo mọi điều kiện để tập đoàn lớn mạnh hơn, hiệu quả hơn”.
Tin, ảnh: TTXVN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.