Cơ hội thúc đẩy sản xuất nông nghiệp lớn từ Luật Đất đai 2024
Trong rất nhiều điểm mới của Luật Đất đai 2024 thì quy định về “tập trung, tích tụ đất nông nghiệp” (Điều 192, 193) được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn.
Điều này cũng từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong lĩnh vực nông nghiệp lâu nay.
Toàn tỉnh Hà Nam hiện có 6 khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích hơn 600ha. Trong số này, có hơn 200ha đang được một số doanh nghiệp, hợp tác xã thuê lại quyền sử dụng đất sau khi địa phương đẩy mạnh chủ trương dồn điền, đổi thửa. Các cánh đồng mẫu đã được các địa phương trong tỉnh quy hoạch gọn vùng, liền thửa, có hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, tưới tiêu phục vụ sản xuất 3 vụ/năm hợp lý theo hướng: Vụ xuân muộn-vụ mùa sớm, mùa trung-vụ đông hàng hóa. Nông dân được tổ chức liên kết theo phương thức hợp tác, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất, hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá trị sản xuất trong cánh đồng mẫu đạt 140-150 triệu đồng/ha, gấp 1,5 lần so với giá trị sản xuất chung của toàn tỉnh.
Đồng chí Ngô Mạnh Ngọc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết: “Để thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng như sản xuất hàng hóa lớn thì việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất là hết sức quan trọng. Tỉnh Hà Nam đã thực hiện đồng bộ các biện pháp dồn điền, đổi thửa, khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ bà con về mặt cơ chế pháp lý để tham gia tích tụ, tập trung đất đai. Quá trình dồn điền, đổi thửa, chúng tôi cũng gắn với quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện chuyển đổi các vùng sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất mặt hàng khác ở quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa”.
![]() |
Nông dân xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa. Ảnh: THẠCH HỒNG |
Ngành nông nghiệp nước ta đang phát triển theo hướng đa giá trị, hiện đại và sinh thái. Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn trong bối cảnh lực lượng lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ là hết sức cần thiết. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.
Vì vậy, các chính sách, pháp luật về đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được hoàn thiện và thực thi hiệu quả. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương. Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp. Điều này nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn.
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu thực tế: “Tôi hy vọng các quy định về mở rộng hạn mức, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ, tập trung đất đai sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Quan trọng hơn nữa là chúng ta phải đầu tư cho nông nghiệp thì mới nâng cao được giá trị nông sản và bảo đảm sản xuất bền vững”.
Còn đồng chí Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: “Những quy định mới của Luật Đất đai 2024 có thể tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, tạo sức hấp dẫn đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường; khuyến khích tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất lớn hơn, gia tăng việc ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, quy định của Luật Đất đai 2024 hiện vẫn chỉ mang tính nguyên tắc chứ chưa chi tiết, cụ thể. Vì thế, chúng ta phải chú trọng đúng mức khâu ban hành văn bản và thực thi. Đây là chìa khóa để đưa luật vào cuộc sống, giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững”.
Để Luật Đất đai 2024 phát huy hiệu quả như mong đợi, việc xây dựng, thực thi chính sách cần khả thi và thực sự tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay liên quan đến đất nông nghiệp, từ đó, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta những năm tới.
HỮU HƯNG
Tin mới
Mã vùng điện thoại cố định thay đổi thế nào sau khi sáp nhập tỉnh, thành?
Việc thay đổi, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch mã vùng điện thoại cố định mặt đất, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện kể từ ngày 1-7-2025.
Miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trên toàn quốc từ năm học 2025 - 2026
Ngày 3-7, Tổng thư ký Quốc hội công bố 9 nghị quyết của Quốc hội và 9 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
VNVC ra mắt vaccine não mô cầu thế hệ mới
Ngày 4-7, Hệ thống Tiêm chủng VNVC ra mắt và triển khai tiêm vaccine não mô cầu thế hệ mới MenACYW (Sanofi, Pháp) được sản xuất từ nhà máy đặt tại Mỹ.
Cử bác sĩ luân phiên tăng cường cho đặc khu duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh
Chỉ 3 ngày sau hợp nhất địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã họp bàn, lên kế hoạch nâng cao năng lực y tế cho đặc khu Côn Đảo nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, kể cả nơi xa nhất. Trước mắt, Sở Y tế Thành phố sẽ cử bác sĩ có tay nghề luân phiên ra đảo; lên kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực y tế cho đặc khu duy nhất của Thành phố.
Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 sẽ tác động tích cực đến người tham gia BHYT. Theo quy định mới, người tham gia BHYT có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế nào thuộc hệ thống BHYT trên toàn quốc, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.
Mỹ: Bang California chống chọi với đám cháy rừng lớn nhất kể từ đầu năm
Hơn 300 lính cứu hỏa của Mỹ đang nỗ lực khống chế vụ cháy rừng quy mô lớn tại bang California, trong bối cảnh bang này đang đối mặt nguy cơ hỏa hoạn nghiêm trọng mùa hè, đặc biệt khi thời tiết khô nóng gia tăng.