Còn đó nỗi lo đê điều
Mưa bão với diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, thậm chí ngày càng dị thường khiến việc ứng phó với những loại hình thiên tai ngày càng trở lên khó khăn.
Câu hỏi đặt ra là hệ thống đê điều ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ sẽ chịu tải như thế nào trong “cuộc chiến” với mưa lũ thời gian tới.
Tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro
Đề cập về vấn đề hệ thống đê ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là hệ thống đê thuộc lưu vực sông Hồng, ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỏ ra băn khoăn, cho rằng dù những năm gần đây chúng ta đã đầu tư, nâng cấp các tuyến đê nhưng hiện còn khoảng 274km đê ở khu vực này thuộc loại xung yếu, chưa đủ cao trình chống lũ, phổ biến từ 20-30cm, thậm chí có nơi đê chưa đủ cao trình chống lũ tới hàng mét. Ngoài ra, hiện có khoảng 316km đê mặt cắt còn nhỏ, khi lũ lên dễ xảy ra hiện tượng đùn sủi, thẩm lậu, sạt trượt (mặt cắt đê nhỏ cũng khó bảo đảm yêu cầu giao thông); 400 cống dưới đê bị xuống cấp, hư hỏng chưa bảo đảm an toàn chống lũ. Ngay như 37,7km đê sông Hồng-cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội, dù đã bảo đảm yêu cầu chống lũ nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro từ các cống bị xuống cấp như: Cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) đã gần 100 năm tuổi, cống Yên Sở...
Lực lượng vũ trang tham gia giúp dân chống tràn đê sông Bùi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tháng 9-2022. Ảnh KIM NHUỆ |
Đáng lo ngại nữa, hiện có khoảng 11.500 vụ vi phạm pháp luật về đê điều nhưng đến nay mới xử lý được khoảng 30% số vụ vi phạm. Lý giải điều này, ông Trần Công Tuyên cho rằng, một số vụ vi phạm tồn đọng có nguyên nhân do lịch sử để lại, rất khó giải quyết. Tuy nhiên, số vụ vi phạm mới phát sinh còn lại do các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Hành vi vi phạm chủ yếu và phổ biến hiện nay là xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng trái phép, lấn chiếm bãi sông gây cản trở thoát lũ, không phù hợp với quy định của Luật Đê điều. Thêm vào đó là các hình thức vi phạm như xe quá tải trọng đi trên đê xảy ra phổ biến ở hầu hết các địa phương; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép cũng là một nguyên nhân gây sạt lở, đe dọa an toàn đê điều. Việc tập kết nguyên vật liệu trên bãi sông vào mùa lũ cũng gây ra những cản trở đối với hành lang thoát lũ.
Hệ thống đê lâu ngày chưa “thử tải”
Việc hệ thống đê điều lâu ngày không được “thử tải” bởi mưa, lũ đã trở thành một nỗi lo hiện hữu với ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực quản lý đê điều. Lo lắng của ông Luận là có cơ sở, bởi biến đổi khí hậu khiến thiên tai, trong đó có mưa lũ ngày càng bất thường, khó dự báo và để lại hậu quả nặng nề nếu chúng ta chủ quan, mất cảnh giác. Trong khi đó, do nhiều năm nay không có lũ lớn ở khu vực hạ lưu sông Hồng nên xuất hiện tâm lý chủ quan ở người dân và cả các cấp chính quyền địa phương. Ông Trần Công Tuyên lưu ý: Phòng, chống thiên tai mà chủ quan sẽ để lại hậu quả khôn lường. Nhận thức chủ quan sẽ dẫn đến hành động chủ quan, xem nhẹ vai trò phòng, chống lũ của hệ thống đê điều hiện nay. Trong khi thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, khó dự báo hơn. Ông Trần Công Tuyên lấy ví dụ: Sau đợt lũ lớn năm 2002 đến nay, các tuyến đê sông Hồng vốn có nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội và các địa phương khu vực Bắc Bộ chưa phải trải qua đợt "thử sức” nào từ các trận lũ lớn. Kể từ khi hoàn thành đưa vào vận hành hồ thủy điện Hòa Bình thì ngay từ đầu tháng 5-2018 (lần đầu tiên) đã phải mở khẩn cấp 8 cửa xả đáy. Hay như từ đầu tháng 5-2022, hồ Hòa Bình đã đón lũ sớm và phải mở đến 5 cửa xả trong một thời gian khá dài (khoảng hai tuần). Dù trên tuyến đê sông Hồng hàng chục năm qua không có lũ lớn nhưng hệ thống sông Thái Bình, các tuyến sông Cầu, sông Thương (Lục Nam) vẫn có lũ lớn. Năm 2017-2018, nước đã tràn mái đê sông Bùi tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) gây ngập lụt. Sông Bứa tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), năm 2018, mực nước lũ đã vượt đỉnh lũ lịch sử trước đó vào năm 1975 đến 1,29m, đê bị vỡ. Tháng 9-2022, lũ trên các sông Tích, Bùi, Mỹ Hà gây ngập lụt nhiều khu dân cư và diện tích sản xuất nông nghiệp của hai huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và TP Hà Nội.
Để bảo đảm an toàn đê điều mùa mưa lũ, thời gian tới, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, củng cố cơ chế, chính sách, pháp luật về đê điều. Đồng thời, cần lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều vào trong các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải kiên quyết xử lý dứt điểm những vụ vi phạm pháp luật về đê điều, hành lang thoát lũ mới có thể răn đe, ngăn ngừa các vi phạm phát sinh. Bên cạnh đó, người dân cũng cần đề cao cảnh giác, không nên chủ quan trong công tác phòng, chống, ứng phó với mưa lũ. Chỉ có thế mới giúp hệ thống đê điều thực sự trở thành “tấm lá chắn” ngăn dòng nước lũ hiệu quả, góp phần bảo vệ tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước và nhân dân mỗi mùa mưa lũ, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
NGUYỄN KIỂM
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.