Công điện chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trung Bộ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.
Công điện gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ảnh minh họa internet.
Hoàn lưu bão số 5, kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa rất lớn tại một số địa phương khu vực Trung Bộ, đặc biệt là tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, hàng chục nghìn nhà dân ngập sâu, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học bị thiệt hại nặng nề.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên và lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau lũ:
1. Các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhất là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở, cụ thể:
- Tập trung tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.
- Khẩn trương rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là hộ nghèo, hộ có nhà bị sập đổ, trôi, hộ ở nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt giao thông, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân bị đói, rét.
- Sắp xếp, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão lũ.
- Tập trung khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hại, ngập lũ, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, các tuyến giao thông huyết mạch, công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập để sớm cho học sinh trở lại trường, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh, khôi phục sản xuất sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân và chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới,
- Tiếp tục tổ chức lực lượng rà soát khu dân cư, trụ sở cơ quan, trường học có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, hạn chế thiệt hại do sạt lở đất.
- Khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ, kịp thời báo cáo cấp cơ thẩm quyền theo đúng quy định.
Ảnh minh họa internet.
2. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo, triển khai khắc phục nhanh nhất các tuyến giao thông trọng yếu, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông cho người dân; tập trung huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục ngay các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là khu vực Km32+200 Quốc lộ 9C (tỉnh Quảng Bình) và Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị), bảo đảm thông xe nhanh nhất và an toàn giao thông.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo vệ sinh trường lớp, khắc phục công trình bị hư hỏng; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tạo điều kiện cho học sinh trở lại học bình thường sớm nhất.
4. Bộ Y tế chỉ đạo bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng ngập lũ, hướng dẫn xử lý nguồn nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không được để phát sinh bệnh dịch sau lũ.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất; chủ động hướng dẫn khôi phục sản xuất sau mưa lũ; rà soát, kiểm tra hồ đập thủy lợi, kịp thời sửa chữa khắc phục sự cố hồ đập để chủ động ứng phó và bảo đảm an toàn trong những đợt mưa lũ tới.
6. Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống điện, sản xuất công nghiệp; có phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để tình trạng khan hiếm hàng dẫn tới tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; rà soát, kiểm tra, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện.
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
8. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ vận chuyển lương thực, hàng cứu trợ, nhu yêu phẩm cho người dân, nhất là tại các khu vực còn bị chia cắt, hỗ trợ Nhân dân và địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.
9. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm để tập trung hỗ trợ khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
10. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6, dự báo chính xác, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và Nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó phù hợp, hiệu quả.
11. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống Nhân dân; tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kịp thời, theo đúng quy định; đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 6, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
PV
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.