Cộng đồng quốc tế phản đối lệnh cấm UNRWA của Israel
Việc Quốc hội Israel thông qua luật cấm Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Tân Hoa xã ngày 30-10 đưa tin, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi thư tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ quan ngại về lệnh cấm. Trong thư, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng nếu được thực thi, lệnh cấm có thể “có tác động tàn khốc” đối với tình hình nhân đạo của người Palestine.
Trong một tuyên bố khác, ông Antonio Guterres nhấn mạnh lệnh cấm của Israel là “không thể chấp nhận”; khẳng định không có giải pháp thay thế nào cho UNRWA và lệnh cấm sẽ gây bất lợi cho việc giải quyết xung đột Israel-Palestine cũng như hòa bình, an ninh trong toàn bộ khu vực. Ông Antonio Guterres kêu gọi Israel tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo.
Người Palestine chờ mua bánh mì ở thành phố Khan Yunis, miền Nam dải Gaza, ngày 23-10-2024. Ảnh: Tân Hoa xã |
Tân Hoa xã dẫn lời Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất” đối với lệnh cấm của Israel; gọi đây là phán quyết “tước đoạt tương lai của hàng triệu người Palestine”. Theo Tổng thư ký AL, Israel không có thẩm quyền cấm UNRWA hoạt động vì cơ quan này được thành lập theo một nghị quyết của Liên hợp quốc vào năm 1949 chứ không phải do Israel lập ra.
Ông Ahmed Aboul-Gheit kêu gọi các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản đối “quyết định nguy hiểm” của Israel, đồng thời cảnh báo về sự sụp đổ hoàn toàn của công tác nhân đạo tại dải Gaza nếu không có UNRWA.
Hôm 28-10 vừa qua, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu thông qua luật cấm UNRWA sau nhiều năm chỉ trích gay gắt cơ quan vốn cung cấp viện trợ và hỗ trợ thiết yếu cho toàn bộ vùng lãnh thổ của Palestine và những người tị nạn Palestine suốt hơn 7 thập niên qua. Luật mới quy định UNRWA sẽ không được phép cử đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, tại Israel và khu vực Đông Jerusalem.
Trên mạng xã hội X, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini chỉ trích cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Israel “là chưa từng có” và “tạo tiền lệ nguy hiểm”. Ông Philippe Lazzarini cho rằng lệnh cấm đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm các nghĩa vụ của Israel theo luật pháp quốc tế, khiến nỗi thống khổ của người dân Palestine, nhất là tại dải Gaza, thêm chồng chất.
Theo Anadolu Agency, phản ứng trước lệnh cấm của Israel, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller bày tỏ quan ngại sâu sắc; khẳng định UNRWA đóng vai trò rất quan trọng không chỉ ở dải Gaza mà còn ở Bờ Tây và toàn bộ khu vực Trung Đông; nêu rõ hiện không có tổ chức hay cá nhân nào có thể thay thế UNRWA “giữa lúc khủng hoảng”. Thủ tướng Anh Keir Starmer cho rằng lệnh cấm của Israel có nguy cơ khiến công việc thiết yếu của UNRWA “trở nên bất khả thi”, gây nguy hiểm cho toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế tại dải Gaza cũng như việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục thiết yếu ở Bờ Tây.
Trong khi Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế và các thể chế của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, có lập trường cứng rắn với những vi phạm “rõ ràng và có hệ thống” của Israel, Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nêu rõ lệnh cấm vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đang ngày một xấu đi tại dải Gaza.
Kênh Al Jazeera cho biết, UNRWA và các cơ quan nhân đạo khác trước đó cáo buộc chính quyền Israel hạn chế dòng viện trợ vào dải Gaza. Gần như toàn bộ 2,4 triệu người dân tại dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa ít nhất một lần kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10-2023, vốn cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 43.000 người Palestine. Bản thân UNRWA cũng phải chịu tổn thất nặng nề, với ít nhất 223 nhân viên thiệt mạng và 2/3 cơ sở của cơ quan này tại dải Gaza bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi bùng phát xung đột. Trong khi đó, theo BBC, phía Israel nhiều lần cáo buộc một số nhân viên của UNRWA liên quan tới cuộc tấn công của Hamas nhằm vào nước này vào tháng 10 năm ngoái.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.