Cử chỉ ân nghĩa với các liệt sĩ
“Khi thấy người thân liệt sĩ ngắm thật lâu những bức ảnh được phục chế, ôm vào ngực rồi khóc, tôi lại có thêm động lực để thực hiện công việc này”-đó là tâm sự của Phúc Lê (Lê Văn Phúc, sinh năm 1989), một bạn trẻ có tài phục chế ảnh, mong muốn tri ân thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nhà của Phúc Lê nằm sát Quốc lộ 1A, thuộc xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Khi chúng tôi đến, đang có vài bạn trẻ mắt không rời màn hình máy tính, bàn tay thoăn thoắt điều khiển con chuột chỉnh sửa ảnh. Phúc Lê giới thiệu đó là những học viên đến nhà anh theo học nghề.
Bước vào nghề nhiếp ảnh gần 20 năm, ban đầu Phúc Lê chỉ chụp ảnh sự kiện, hoạt động tại địa phương. Đã làm nghề nhiếp ảnh thì phải biết xử lý hậu kỳ để bức ảnh đẹp nhất phục vụ khách hàng, cho nên Phúc Lê học thầy, học bạn, mày mò nắm bắt các kỹ năng chỉnh sửa ảnh. 3 năm trước, Phúc Lê phục chế ảnh của người cô ruột đã mất từ năm 1989. Đã 30 năm các con không được nhìn rõ hình ảnh của mẹ nên sau khi nhìn thấy bức ảnh như thấy mẹ còn sống, lập tức òa khóc, khiến anh rất xúc động. Từ đó, Phúc Lê làm thêm công việc phục chế ảnh bởi anh thấy nhu cầu của người dân lớn, trong khi nhiều bức ảnh phục chế chất lượng không cao.
Phúc Lê thực hiện thao tác phục chế ảnh. |
Nhiều người ở khắp các địa phương trên cả nước biết đến tay nghề của Phúc Lê liền tìm đến anh với hy vọng phục chế những bức ảnh cũ của người thân, trong đó có nhiều thân nhân liệt sĩ. Gia đình Phúc có người bác ruột là liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và cũng không còn bức ảnh nào lưu lại nên anh đồng cảm với các gia đình liệt sĩ. Mỗi khi có yêu cầu phục chế ảnh liệt sĩ, anh đều dồn hết tâm huyết để bức chân dung thật chân thực, thật đẹp và sống động. Đặc biệt, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), anh đều nhận phục chế ảnh liệt sĩ miễn phí.
Quy trình phục chế ảnh, bước đầu tiên là xóa mốc, ố, bụi trên ảnh; sử dụng máy quét cho ra ảnh kỹ thuật số; dùng các phần mềm đồ họa vẽ lại những chi tiết bị mất, bị mờ; cuối cùng là hoàn thiện màu sắc, tinh chỉnh các chi tiết. Theo Phúc Lê, cái khó của phục chế ảnh là nhiều bức ảnh do thời gian và quá trình bảo quản dẫn đến bị mờ và ố, rất khó nhận diện chân dung liệt sĩ. Nhiều bức ảnh thực chất là ảnh vẽ, không phải ảnh chụp bằng phim, nên càng khó phục chế hơn. Có nhiều bức, anh và các cộng sự phải tìm cách cảm nhận, liên tưởng để hình dung ra khuôn mặt các liệt sĩ; đôi khi còn phải dựa vào mô tả và khuôn mặt của người thân để dựng lại khuôn mặt người đã khuất.
Những bức ảnh không quá phức tạp thì chỉ cần vài giờ đồng hồ là hoàn thành, song có bức ảnh phải làm đi làm lại hàng tuần. Phúc Lê còn chịu khó tham khảo tài liệu, đến các bảo tàng tìm hiểu quân phục bộ đội trước đây để phục chế chính xác quân phục của các liệt sĩ theo từng thời kỳ. Chính sự tỉ mỉ đó khiến chất lượng ảnh phục chế của Phúc Lê được người trong giới đánh giá cao.
Phúc Lê cho biết, thu nhập từ nghề phục chế ảnh chỉ tạm đủ sống. Điều khiến anh hứng thú với công việc là niềm vui đi tìm lại chân dung đã bị thời gian xóa nhòa. Dịp 27-7 năm nay, anh đã phục chế được gần 70 chân dung liệt sĩ và một số ảnh chân dung của các nhân vật lịch sử. Anh cho biết, sức người có hạn, nhu cầu của thân nhân liệt sĩ rất lớn, do vậy thời gian tới, anh sẽ tập trung đào tạo nhiều bạn trẻ nắm vững kỹ năng phục chế ảnh để chung tay làm công việc nhiều ý nghĩa này.
Bài và ảnh: HOÀNG HOÀNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.