Củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam
Nhận lời mời của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos, Thụy Sĩ (Hội nghị WEF Davos), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 đến 23-1.
Từ khi thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị WEF Davos ở cấp Thủ tướng (2007, 2010, 2017, 2019); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN cấp Thủ tướng (2012, 2013, 2014, 2017).
Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh những hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, thúc đẩy các chương trình hợp tác. Hai bên đã ký kết và triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm: Chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân. Ảnh: baoquocte.vn |
Hội nghị WEF Davos 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, sự phát triển nhanh của trí tuệ nhân tạo (AI) và các ngành công nghệ tiên tiến tác động sâu sắc đến việc hoạch định chính sách kinh tế của các nước và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, chuyến tham dự Hội nghị WEF Davos 2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội để Việt Nam chuyển tải thông điệp về thành tựu phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của Việt Nam, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Năm 2024, Việt Nam sẽ cùng Hungary và Romania kỷ niệm 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2024). Gần 3/4 thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Hungary và Romania phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu thông qua duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa các bên.
Đối với Hungary, Việt Nam duy trì mối quan hệ hữu nghị tích cực trên các lĩnh vực: Hợp tác phát triển, quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, văn hóa... Năm 2018, nhân chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện, đưa Hungary trở thành đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Từ năm 2020, kim ngạch thương mại song phương vượt mức hơn 1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hungary tại Đông Nam Á. Trong khu vực Trung và Đông Âu, Hungary là nước cấp nguồn viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam - với 440 triệu euro từ năm 2017-để thực hiện những dự án trên các lĩnh vực: Y tế, quản lý dân số, quản lý nguồn nước sạch...
Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng giữa hai nước trong 7 năm qua, có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary, nhất là về kinh tế, giáo dục-đào tạo, công nghệ dược phẩm.
Trong bối cảnh Hungary đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) 6 tháng cuối năm 2024, chuyến thăm là cơ hội để Việt Nam tăng cường phối hợp với EU trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất là thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).
Trong quan hệ Việt Nam-Romania, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, gồm cả cấp cao. Romania luôn khẳng định Việt Nam là đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt hơn 400 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021.
Trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng đầu năm 2019, Romania đã tích cực hỗ trợ, thúc đẩy việc ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và là một trong 3 quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn EVFTA. Hợp tác song phương trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục-đào tạo, lao động... tiếp tục phát triển tích cực và hiệu quả. Romania là quốc gia thành viên EU đầu tiên hỗ trợ 300.000 liều vaccine giúp Việt Nam đối phó với dịch Covid-19.
Chuyến thăm Romania lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng giữa hai nước trong 5 năm qua, có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Romania, tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thế mạnh của Romania và phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, y tế...; đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực tiềm năng.
Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Hungary, Romania và tham dự Hội nghị WEF Davos 2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao uy tín, vị thế đất nước, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác với các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời củng cố tin cậy chính trị, đưa quan hệ giữa Việt Nam với WEF, Hungary và Romania ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
QĐND
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.